Nhạc sĩ Văn Ký: 90 tuổi vẫn bền bỉ sáng tác

Nhạc sĩ Văn Ký vừa bước sang tuổi 90. Ở cái tuổi thượng thọ này nhưng người nhạc sĩ tài hoa vẫn minh mẫn và sáng tác nhạc trên máy tính. Thấy tôi đến chơi, ông rất vui và lấy ra chiếc đĩa vừa thu thanh những bài hát gần đây…

Nhạc sĩ Văn Ký. Ảnh: Nguyễn Hoàng.

Trong những bài hát vừa thu thanh của nhạc sĩ Văn Ký ngoài những bài như: “Nhớ bạn”, “Lời ru xưa”, “Đêm Thậm Thình”, còn có những bài mới sáng tác: “Cao Bằng thân yêu”, “Nhớ Đông Khê”…

Thật lạ khi vào cái tuổi 90 nhưng nhạc sĩ Văn Ký vẫn ngồi làm việc bên máy tính và không cần đeo kính. Trông ông như đang ở tuổi lục tuần. Giọng nói của ông sang sảng, nét mặt vui tươi tràn đầy sức sống. Tôi là một trong những thành viên trong nhóm “Mùa thu” do ông sáng lập nên ông thường trò chuyện thân tình. Ông nói vui: “Nếu không làm việc và luyện tập thì tôi không thể có sức khỏe như hôm nay được. Ở tuổi sắp về với tổ tiên nhưng tôi vẫn sáng tác cho tới khi các cụ gọi thì lên đường”.

Nhạc sĩ Văn Ký tên thật là Vũ Văn Ký. Ông sinh ngày 1/8/1928 tại xã Liên Minh huyện Vụ Bản, Nam Định. Sự nghiệp sáng tác của ông được bắt đầu bằng bản tình ca “Trăng xưa” viết khi 18 tuổi khi đang làm huyện đội trưởng. Qua những nẻo đường hoạt động từ hậu phương đến tiền tuyến, Văn Ký đã từng bước trưởng thành cùng cách mạng và trở thành một nhạc sĩ được đào tạo chuyên nghiệp trong nước và tại nước Nga.

Hơn 70 năm sáng tác, đến nay ông đã có hơn 400 tác phẩm, ca khúc và những thể loại âm nhạc lớn: Ca kịch, nhạc kịch, nhạc giao hưởng. Nhiều tác phẩm xuất sắc của nhạc sĩ Văn Ký ghi dấu ấn những chặng đường lịch sử đấu tranh của dân tộc. Nhiều bài ca đã đọng lại trong tâm trí người nghe và mãi mãi đi cùng năm tháng. Nổi bật nhất là bài “Bài ca hy vọng” viết năm 1959. Bài hát đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Bên cạnh “Bài ca hy vọng”, Văn Ký còn có nhiều bài hát được nhiều người yêu thích khác như: “Nha Trang ơi, mùa thu lại về”; “Tây Nguyên bất khuất” (giải nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam 1959-1960). Trong những năm tháng đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, ông đưa chúng ta đến với “Hà Nội mùa thu”, với “Trời Hà Nội xanh”, “Hồ Gươm huyền thoại”... Trong kỷ yếu những gương mặt giáo dục thế kỷ 20, Văn Ký được nêu tên và phỏng vấn với bài “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”. Với bài hát này, Văn ký đã nhận huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Không ít nhạc phẩm của ông của anh được hoan nghênh ở nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là “Tổ khúc giao hưởng Kơ - Nhi” viết cho dàn nhạc giao hưởng lớn, được biểu diễn bởi các Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Halle. Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Matxcơva (Nga) và Dàn nhạc giao hưởng Kazaikhstan.

“Tổ khúc giao hưởng Kơ - Nhi” gồm 7 chương - 150 trang tổng phổ đã được xuất bản năm 1989 tại Matxcova, năm 1984 được chọn vào Liên hoan âm nhạc quốc tế. Ngoài ra, Văn Ký còn viết những bài ca ngợi nhà khoa học thiên văn nổi tiếng Quốc tịch Pháp Nguyễn Quang Riệu với bài “Bầu trời tuổi thơ” và cũng để giành tặng cho tất cả những người con đang sống xa Tổ quốc, mà lòng vẫn hướng về đất mẹ Việt Nam…
Với những cống hiến của mình, nhạc sĩ Văn Ký đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về âm nhạc.

Bích Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/nhac-si-van-ky-90-tuoi-van-ben-bi-sang-tac-tintuc414988