Nhạc sĩ Vũ Thành An: Tâm hồn tôi đã thoát khỏi cuộc sống đời thường

Đã quá tuổi 'cổ lai hy', lại vừa trải qua vài biến cố về sức khỏe, song nhạc sĩ Vũ Thành An vẫn giữ được sự nhanh nhẹn và mẫn tiệp hiếm thấy. Ông khoe vẫn còn kha khá các sáng tác mới chưa giới thiệu và chờ dịp tái ngộ khán giả trên sân khấu. Không chỉ cần mẫn với âm nhạc, nhiều năm qua, vị nhạc sĩ của những bản tình ca không tên còn dành thời gian cho các hoạt động từ thiện ở khắp nơi.

Tình yêu dành cho cuộc sống là tình yêu tuyệt đối

- Phóng viên: Chào nhạc sĩ Vũ Thành An, ở tuổi mà nhiều người chọn nghỉ ngơi tĩnh dưỡng thì ông vẫn đi lại như thoi đưa, vẫn tâm tư đủ thứ trong và ngoài âm nhạc. Có vẻ như tuổi tác không phải là rào cản khiến ông có ý định dừng chân với nghệ thuật và cống hiến cho cuộc đời?

- Nhạc sĩ Vũ Thành An: Thật ra cách đây 20 năm tôi từng có giai đoạn ngưng sáng tác. Quãng thời gian đó, tôi tập trung vào tu học, tham gia các hoạt động từ thiện. Đến năm 2015 tôi mới quyết định sáng tác trở lại. Một trong những yếu tố tác động và đưa tôi đi đến quyết định này chính là người bạn đời của tôi. Thời điểm đó, bà ấy bị ốm nặng, ngoài ở bên cạnh động viên, chăm sóc, tôi thường chơi nhạc cho bà ấy nghe. Cũng chính lúc ấy, những giai điệu cứ tự nhiên tuôn ra thành bản nhạc. Vợ tôi nghe và nói cảm nhận của bà ấy về các ca khúc này. Có lẽ điều đó vô tình thôi thúc và đưa tôi trở lại với âm nhạc. Vả lại, tôi cũng nhận ra rằng, viết nhạc, sáng tác ca khúc cũng có thể góp phần nhỏ bé để làm đẹp cho cuộc sống. Mà dường như con người ta khi càng có tuổi, càng đi đến đoạn cuối của cuộc đời thì càng hiểu được mình không còn nhiều thời gian, lại càng mong muốn làm thật nhiều việc hơn thì phải.

- Trở lại sau nhiều năm ngưng sáng tác, hình như ông không còn dành sự ưu ái cho những bản nhạc tình mà hướng tới những đề tài mang cái nhìn chiêm nghiệm hơn về cuộc sống?

Nhạc sĩ Vũ Thành An với cô học trò ông rất yêu quý là ca sĩ Ngọc Châm

- Có một điều thế này, khi ta đứng ở dưới gốc cây nhìn lên, thứ ta nhìn thấy là toàn bộ cái cây. Còn khi ta đứng từ trên cao nhìn xuống, ta sẽ chỉ nhìn thấy được ngọn cây mà thôi. Tôi nghĩ cảm hứng sáng tác âm nhạc cũng vậy, ở những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời, chúng ta sẽ có những góc nhìn và cách viết không giống nhau. Đến tuổi này tôi vẫn gọi là những ngày cuối đời. Tôi nghĩ không chỉ riêng mình mà ai cũng vậy, đều có những chiêm nghiệm khi nhìn lại chặng đường đã qua và hình dung ra những vùng trời khác, có thể là vũ trụ rộng lớn mênh mông, về thế hệ sau, đời sau nữa. Sự chiêm nghiệm đó chắc chắn khi trẻ chúng ta không thể nào có được.

Giờ tôi nghĩ nhiều hơn đến cuộc sống, xã hội, con người nói chung, chứ không chỉ còn là những cảm xúc hay chiêm nghiệm về đời tư hoặc cá nhân nào đó. Tâm hồn tôi giờ đây có lẽ đã thoát ra khỏi cuộc sống đời thường. Âm nhạc vì thế cũng hướng đến đề tài rộng mở hơn, như tình yêu tuyệt đối sinh ra vũ trụ này, tình yêu vô điều kiện của những bậc sinh thành dành cho con cái. Tôi viết nhạc tình từ tình yêu tôi dành cho vạn vật, cho cuộc sống, tôi gọi đó là tình yêu tuyệt đối.

- Ông từng chia sẻ về việc đã chuẩn bị cho cả sự ra đi của mình và vợ. Có vẻ như ông sẵn sàng đón nhận mọi sự với tâm thế rất bình thản?

- Đúng là tôi đã chuẩn bị tinh thần cho sự ra đi bất cứ lúc nào. Thật ra quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” có ai tránh được đâu, nên mình phải tập làm quen với việc đến một lúc nào đó sẽ lìa xa cõi đời này. Hãy nghĩ về nó một cách bình thản và đối diện với nó chứ không nên né tránh. Tôi xác định mình đã đi đến chặng cuối của đời người rồi, thời gian dần ngắn lại nên cần chuẩn bị mọi thứ từ trước để sau này không ai phải lúng túng cả. Tôi mua sẵn hai mảnh đất cạnh nhau để sau này làm mộ phần cho mình và vợ. Lâu nay, trước khi đi ngủ mỗi tối, tôi vẫn thường nói với vợ lời chào. Đại khái là nếu ngày mai không thấy tôi thức giấc thì tức là tôi đã tạ từ rồi.

Câu chuyện nhân duyên

- Sức khỏe hiện tại của vợ ông thế nào, thưa nhạc sĩ?

- Kể từ khi bị bệnh, trí nhớ của vợ tôi cũng giảm sút. Bà ấy nhớ nhớ quên quên nhiều thứ, nhưng lúc nào cũng mong ngóng nhìn thấy tôi trong tầm mắt thì mới yên tâm. Tôi rất thương bà ấy, hàng ngày tôi dành khoảng 1 giờ đưa bà ấy đi dạo cho khuây khỏa. Trước chúng tôi ở căn phòng ở trên gác, nhưng giờ thì dọn xuống phòng ở tầng dưới, kê hai chiếc ghế sofa để nằm và tiện trông nom, chăm sóc nhau.

- Gần đây, ông trở về từ nước ngoài và trao lại sở hữu tác quyền kho gia tài sáng tác âm nhạc của mình cho ca sĩ Ngọc Châm - người vẫn được ông xem như “truyền nhân”. Ông có thể nói rõ thêm điều gì đã thôi thúc sự lựa chọn này không?

- Cách đây vài tháng, tôi có chuyến đi đến Philippines để làm thiện nguyện. Khi đang đứng trò chuyện với mọi người thì tôi bất ngờ ngã quỵ, đầu đập xuống đất. Tôi cứ tưởng mình không qua khỏi, nhưng may mắn là sau khi được đưa đến bệnh viện thì không bị ảnh hưởng nhiều, chỉ gặp vấn đề với đôi chân. Lúc đó, tôi chợt nghĩ phải thực hiện ngay một số việc kẻo muộn, phải làm những việc mà mình đã ấp ủ bấy lâu nay, trong đó có việc làm sao để các sáng tác âm nhạc mà mình để lại có ý nghĩa hơn, có thể góp phần giúp đỡ được những người có hoàn cảnh khó khăn trong nghề và ngoài cuộc sống. Tôi gọi cho Ngọc Châm, cô học trò mà tôi rất yêu quý và nói cần phải làm ngay việc này. Thật ra đó còn là câu chuyện nhân duyên.

- Ông có thể tiết lộ thêm về mối nhân duyên với người mà ông tin tưởng giao lại kho gia tài âm nhạc đồ sộ của mình không?

- Ý định này không phải gần đây tôi mới có mà thực chất tôi và Ngọc Châm đã bàn với nhau từ mấy năm trước rồi. Tôi là người luôn giục Ngọc Châm phải thực hiện càng sớm càng tốt. Nhưng vì nhiều lý do, bao gồm cả quãng thời gian dài dịch bệnh xảy ra, nên hai chú cháu vẫn chưa hiện thực hóa ý tưởng đó được. Nhân duyên của ý tưởng này là trong một lần tôi và Ngọc Châm trò chuyện khi đi lễ ở nhà thờ. Ngọc Châm muốn làm thiện nguyện - công việc mà tôi đã và đang làm hơn 20 năm nay. Tôi thấy hai chú cháu cùng chung mong muốn nên mới bàn với Ngọc Châm đã đến lúc cần phải làm điều gì đó bằng âm nhạc, để âm nhạc trở nên ý nghĩa hơn.

Cách đây hơn 2 năm, tôi tình cờ đọc được một câu thơ mà cô học trò này viết trên mạng xã hội có nội dung: “Em không dám tham vọng, mà chỉ xin ước vọng”. Tôi nhìn ra đó là một ý tưởng lớn mà thoạt nghe thì tưởng là câu nói bình thường, nhưng nó cho thấy người viết có tính khiêm nhường, đáng trọng. Sau đó, tôi còn cùng với Ngọc Châm phát triển ý câu thơ này thành bài hát “Em không dám tham vọng”. Tôi hy vọng cô gái này sẽ không chỉ tiếp nối mình trên bước đường nghệ thuật mà còn cả những việc làm thiện nguyện thể hiện sự nhân ái với cuộc đời. Sau này, mỗi lần tôi về nước làm thiện nguyện, Ngọc Châm đều đồng hành với tôi.

- Xin cảm ơn những chia sẻ cởi mở của nhạc sĩ Vũ Thành An!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhac-si-vu-thanh-an-tam-hon-toi-da-thoat-khoi-cuoc-song-doi-thuong-post555532.antd