Nhạc Thanh Tùng bị làm mới quá đà?

Số lượng bài hát của Thanh Tùng không nhiều mà từ khi nhạc sĩ mất đến nay, khá nhiều đêm nhạc Thanh Tùng đã được tổ chức. Tuy nhiên, khán giả vẫn đến kín Cung Văn hóa Hữu nghị xem hai đêm Trái tim không ngủ yên. Một phần vì nhà tổ chức Thanh Lam, Quốc Trung khá gắn bó với âm nhạc và con người Thanh Tùng. Cả hai tự nhận học trò Thanh Tùng dù không được ông trực tiếp truyền dạy.

Hà Trần khai thác được những khía cạnh tinh tế của nhạc Thanh Tùng. Ảnh: N.M.Hà.

Quốc Trung nhận vai trò MC kể một số kỷ niệm về Thanh Tùng. Chẳng hạn mỗi khi ông khoe bài hát mới thì Quốc Trung lại hỏi thăm chắc thầy lại có tình yêu mới. Nhưng nhạc sĩ già bảo nhạc sĩ trẻ: “Chỉ có sư mẫu của anh là tình yêu duy nhất!”. Chả là Quốc Trung tôn Thanh Tùng làm sư phụ. Quốc Trung kể lại những thông tin cũng không độc quyền lắm, chẳng hạn bài Trái tim không ngủ yên do Trịnh Công Sơn đặt tên. Bài hát chỉ có vài câu này hay được song ca nhưng trong đêm nhạc cùng tên trở thành bài kết phối cho 8 ca sĩ hát.

Tập trung những cây phối khí hàng đầu của Hà Nội: Thanh Phương, Lưu Hà An, Hồng Kiên và Quốc Trung, vì thế không gian âm nhạc của Trái tim không ngủ yên khá mới lạ. Tuy nhiên, với những bài hát gắn với ký ức, kỷ niệm, khi khán giả không chỉ thuộc lời mà thuộc từng đoạn nhạc dạo, đệm thì việc làm mới các bài hát chưa chắc đã hiệu quả về cảm xúc. Khá nhiều bài bị đẩy nhanh nhịp điệu, giảm tính trữ tình. Lời tỏ tình của mùa xuân, Hoa tím ngoài sân… được phối với tinh thần nhạc rock khiến người nghe hơi ngỡ ngàng. Nhất là khi ca sĩ lại hát quá mạnh, gần như gào xé.

Hà Trần đem lại cảm giác dễ chịu cho khán giả với lối hát chừng mực, tinh tế, tỏ ra có sự tìm tòi. Cô thực sự làm sống dậy Đếm lá ngoài sân khi thổi vào không khí jazz lãng đãng bay bổng.

Tuy nhiên đêm nhạc cũng có những tiết mục chỉn chu, khiến khán giả thăng hoa hoặc cảm thấy thú vị. Hà Trần đem lại cảm giác dễ chịu cho khán giả với lối hát chừng mực, tinh tế, tỏ ra có sự tìm tòi. Cô thực sự làm sống dậy Đếm lá ngoài sân khi thổi vào không khí jazz lãng đãng bay bổng. Nghe Hà hát xong, hẳn nhiều ca sĩ cũng muốn hát lại bài vốn hơi bị chìm này.

Thanh Lam, Tùng Dương cũng làm mới Hoa cúc vàng - tăng cảm xúc, kịch tính cho bài hát vốn giản dị, nhẹ nhàng. Chuyện cổ Nghi Tàm - sáng tác độc đáo trong kho tàng nhạc Thanh Tùng dựa trên chất liệu xẩm chắc khó ca sĩ nào qua được Tùng Dương. Cách hát mạnh mẽ, có phần giằng xé của Dương tải được những ưu tư của nhạc sĩ về sự thay đổi của làng Nghi Tàm - nơi ông sống thời tuổi trẻ.

Tham gia chương trình có những giọng ca trẻ vốn là học sinh của Thanh Lam và Tùng Dương tại Nhân tố Bí ẩn. Trong đó, hai thí sinh vào tới top 4 là Kiều Diễm và Tuấn Phương. Tuấn Phương gây chú ý ngay với chất giọng lạ, cao và trong, khá tình cảm trong bài Lối cũ ta về. Nhưng người gây ấn tượng tốt nhất trong lứa trẻ lại là Thanh Thảo. Cô khá thành công trong việc thể hiện Chuyện tình của biển theo phong cách bán cổ điển - một thách thức. Các thí sinh còn lại giữ nguyên phong độ như hồi còn là thí sinh - tức là vẫn hơi non khi đứng trên sân khấu lớn. Chỉ có Adam bạo dạn nhưng không phải về hát mà về múa. Bài Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn guitar, Thanh Lam “song đấu” với Tùng Dương đã máu lửa lại thêm Adam ra múa phụ họa, làm bộ sừng sộ với Tùng Dương, xong quay qua bế bổng Thanh Lam lên khiến “cô giáo” bất ngờ, không nghĩ mình lại nhẹ đến thế. Nhìn chung Adam chỉ được cái vừa hát vừa múa không bị hổn hển. Nhưng anh có vẻ lại được ưu ái xuất hiện nhiều hơn các bạn.

Thanh Lam - chủ trò và là đạo diễn chương trình nên có vẻ mặc sức hát hò tùy ý. Chị đương nhiên là giọng ca to khỏe nhất chương trình. Nhiều bài của Thanh Tùng từng đem lại thành công cho Thanh Lam những thập kỷ trước nhưng nay chị hát lại chúng với quá nhiều năng lượng. Cứ đến cuối bài, cuối câu, Lam lại bùng nổ phá mất cảm xúc vừa tạo ra trước đó. Tuy nhiên chị được ghi nhận ở tấm lòng với nhạc sĩ: hứa là làm. Chả là khi nhạc sĩ trên giường bệnh, Thanh Lam vào thăm nói sẽ làm đêm nhạc cùng Tùng Dương, Hà Trần. Lúc đó, dù không nói được, nhưng nhạc sĩ tỏ vẻ rất hài lòng, cảm động. Thanh Lam kể Thanh Tùng không hề áp đặt và tin tưởng tuyệt đối khi giao bài cho chị. Duy có lần ông nổi giận khi Lam tự tiện đổi ngôi xưng hô khi hát Em và tôi. Bài hát lần này do Hà Trần và Tùng Dương trình bày. Tuy nhiên trong các bài Lam phụ trách, chị vẫn mặc nhiên đổi “em” thành “anh”.

N.M.Hà

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/nhac-thanh-tung-bi-lam-moi-qua-da-1068018.tpo