Nhạc Việt, tiếng Tây & câu chuyện hội nhập (Bài 2)

Nhạc sĩ Quốc Bảo: Rồi cái gì tốt đẹp sẽ đến!

(TT&VH Cuối tuần) - Quốc Bảo là một trong số ít những nhạc sĩ trong nước sớm tìm đường ra “chợ âm nhạc quốc tế”. Năm 2004, album Những chuyện kể (tên tiếng Anh Tales) đã được phát hành trên mạng bán đĩa trực tuyến Amazon. * Sau khi phát hành đĩa Tales, anh thu được những kinh nghiệm gì từ lần “hội nhập” với làng nhạc thế giới đó? - Tôi đâu có tham vọng “hội nhập với làng nhạc thế giới”; mà nếu có, cũng đâu thể làm một mình. Tales chỉ là một nỗ lực cá nhân, xem thử mình có làm được những thứ vừa tai công chúng ngoại quốc không; bên cạnh đó, tôi muốn có một thứ giống như “chứng chỉ” khi đã là thành viên ASCAP (Hiệp hội sáng tác gia và xuất bản âm nhạc Hoa Kỳ). Chỉ đơn giản là thế thôi. * Theo anh nhạc Pop Việt có khả năng hội nhập được với làng nhạc thế giới không? - Có hay không, tùy vào cách bạn định nghĩa “thế giới”. Ở các nước Âu Mỹ, chen được vào dòng chính mạch (mainstream), có hợp đồng với các hãng đĩa lớn (major labels) là việc cực kỳ khó, ngay cả với các nghệ sĩ xứ họ. Bởi thế mới sinh ra lớp nghệ sĩ độc lập (indie artists) và các hãng đĩa độc lập (indie labels). Nếu đem các nhạc sĩ chuyên nghiệp Việt Nam ra so với giới nghệ sĩ độc lập Âu Mỹ ấy, thì dân Việt thậm chí “có thớ” hơn họ - bởi chúng ta làm nhạc chuyên nghiệp, trong khi họ vẫn phải coi âm nhạc là nghề tay trái giải khuây. Qua cộng đồng MySpace, tôi quen biết nhiều nghệ sĩ cả độc lập lẫn chính mạch; với chủ kiến cá nhân tôi, chúng ta hoàn toàn có thể bình đẳng với họ, hoàn toàn có thể đi đến các cuộc hợp tác song phương. Còn đòi len vào “mainstream” của họ, chắc còn lâu. Ta hãy thực tế một chút, thà làm được trăm việc nhỏ còn hơn ngồi mơ một việc lớn ngoài tầm tay. * Ngôn ngữ của chúng ta, tiếng Việt, phải chăng cũng là một rào cản lớn cho sự hội nhập với showbiz thế giới của nhạc Việt? - Có thể. Mà biết làm sao khác được, khi mà bạn nằm mơ cũng bằng tiếng Việt. Nếu quay sang viết nhạc tiếng Anh, liệu chúng ta thành công đến đâu? * Ở góc độ là một nhạc sĩ, anh thấy rằng nhạc pop của chúng ta còn thiếu những yếu tố gì để trở thành một thứ âm nhạc quốc tế? - Tôi nghĩ điều cần lưu tâm là thị trường. Chúng ta không bán thì ai biết mà mua. Chúng ta không làm gì cả thì làm sao có thị trường? CD Baby đấy, Amazon đấy, sao chúng ta không gửi hàng cho họ bán. Có người mua kẻ bán tấp nập, rồi mới biết mình hay dở chỗ nào chứ. * Cá nhân anh thời gian tới có dự án nào để đưa nhạc của mình ra ngoài không? - Kể từ Tales năm 2004, tôi vẫn gửi album của mình bán trực tuyến. Tôi cũng kết nối được một nhóm nghệ sĩ đa dạng, Pháp có Mỹ có Anh có, để hợp tác cùng nhau trong vai trò khách mời hoặc cùng viết tác phẩm cho album của nhau. Có lẽ chúng ta không nên câu nệ “ra ngoài” với “vào trong” khi thế giới đã trở nên phẳng hoàn toàn. Cứ làm việc cùng nhau, bình đẳng, hiểu biết - rồi một cái gì tốt đẹp sẽ đến. V.T (thực hiện)

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/297n2009102107033243t297/nhac-viet-tieng-tay-cau-chuyen-hoi-nhap-bai-2.htm