Nhầm con, ai chịu trách nhiệm?

Nuôi con đến 6 tuổi, càng ngày càng thấy không có đường nét nào giống bố mẹ và gia đình. Từ nghi ngờ nhầm tã lót của con khi mới sinh tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội), gia đình anh Phùng Giang Sơn mới phát hiện sự thật gây sốc về việc mình bị trao nhầm con cách đây 6 năm. Theo Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư Hà Nội), tùy theo tính chất, hậu quả, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người thực hiện có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

2 đứa trẻ trong vụ trao nhầm con ở Ba Vì.

Nghi ngờ trao nhầm con từ lúc mới sinh

Cách đây 6 năm, vào lúc 7 giờ 10 phút ngày 1/11/2012, vợ anh Sơn sinh con tại Khoa Sản, BVĐK huyện Ba Vì.

Khi được giao con, vợ chồng anh thấy nhầm tã lót của cháu và mang nghi ngờ này đi hỏi lại bác sĩ đỡ đẻ. Tuy nhiên, bác sĩ đỡ đẻ khẳng định “bị nhầm tã lót chứ không nhầm cháu”.

“Từ đó tới nay, gia đình tôi vẫn nuôi dưỡng cháu Phùng Thanh H. vì tôi tin lời khẳng định của bệnh viện và không biết việc giao nhầm con.

Tuy nhiên, khi con càng lớn càng có nhiều điểm, nét không giống với vợ chồng tôi cùng với sự nghi ngờ ban đầu.

Gia đình chúng tôi đã đưa cháu đi xét nghiệm tại Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) và cho kết quả cháu H. không cùng huyết thống, không phải là con của vợ, chồng tôi”- anh Sơn nói, và cho biết thêm: “Gia đình tôi hiện cảm thấy bị tổn thương quá nhiều vì sự sai sót của BV đã gây ra”.

Gia đình anh Sơn đã phản ánh tới BV và thời gian đầu lãnh đạo BV đã thừa nhận có sai sót trong chuyên môn, thống nhất cùng gia đình phối hợp giải quyết trong thời gian ngắn nhất.

Qua thời gian tìm hiểu, truy xuất lại hồ sơ, BV đã xác định gia đình chị Vũ Thị Hương (Phú Sơn, Ba Vì, Hà Nội) là người có khả năng cao bị trao nhầm con.

Bệnh viện đã gặp gỡ 2 gia đình vào ngày 14/4/2018 và thống nhất 2 gia đình cùng 2 cháu đi xét nghiệm AND tại Viện Khoa học Hình sự (Tổng cục cảnh sát, Bộ Công an). Kết quả cho thấy, có sự sai sót trao nhầm con giữa 2 gia đình.

Trước đó, ngày 27/3, trong biên bản làm việc với gia đình, ông Nguyễn Quốc Hùng- Giám đốc BVĐK Ba Vì thay mặt BV nhận toàn bộ trách nhiệm để xảy ra sự việc.

Đồng thời cam kết trong thời hạn 2 tuần sẽ bằng mọi cách tìm và làm các thủ tục trao trả lại con cho 2 gia đình.

BV thống nhất giải quyết nội bộ, không để sự việc xảy ra gây thông tin ảnh hưởng đến BV và mối quan hệ của 2 gia đình.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, anh Sơn cho biết, “sự việc không được giải quyết cụ thể mà luôn nhận được lời hứa “suông” từ phía BV sẽ sớm giải quyết cho gia đình chúng tôi”.

Phía BV đang có hành xử không như cam kết. Gia đình đã nhiều lần liên lạc với người được Giám đốc BVĐK Ba Vì ủy quyền xử lý thì người này không nghe máy hoặc khi nghe thì “trả lời không có chút tình người và trách nhiệm”.

Bắt nguồn từ nhầm lẫn của 2 nữ hộ sinh

Được biết, 2 nữ hộ sinh trao nhầm trẻ sơ sinh xảy ra cách đây 6 năm tại BVĐK Ba Vì được xác định là Nguyễn Thị Thanh Mai và Nguyễn Thị Đức.

Hiện tại, 2 nữ hộ sinh này đã bị xử lý kỷ luật, không tiếp tục làm công tác chuyên môn mà chuyển sang bộ phận hành chính.

Một trong 2 người này là đảng viên cũng đã bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách.

Chia sẻ về câu chuyện xảy ra 6 năm trước, cả 2 nữ hộ sinh sắp đến tuổi về hưu vẫn không tin đó là sự thật. “Đây là sự việc đáng tiếc, sơ suất ngoài ý muốn.

Chúng tôi không bao giờ nghĩ có sự nhầm lẫn như thế, nên không nhớ gì cả.

Bây giờ giở sổ sách ra, có tên chúng tôi thì chúng tôi nhận trách nhiệm và xin gửi lời xin lỗi đến gia đình các bé” - bà Đức cho hay.

Cũng theo chia sẻ của nữ hộ sinh này, thời điểm đó BV chưa sử dụng cách nhận diện mẹ và trẻ sơ sinh bằng vòng dây đeo tay như hiện tại, mà chỉ gọi tên rồi ra nhận con.

Trong 6 ca sinh ngày 1/11/2012, thì 2 bé Đoàn Nhật M. và Phùng Thanh H. cùng chào đời vào buổi sáng, cách nhau 20 phút.

Trong đó, một bé nặng 3,1kg còn một bé nặng 3,8kg.

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Quốc Hùng, BVĐK huyện Ba Vì chia sẻ: “2 cháu được trao trả cùng một lúc. Lúc đó, 2 bà nhận cháu cho nên có sự nhầm lẫn từ thời điểm đó chứ các cô không có ý đồ gì khác. 2 cháu đều là cháu trai nên đã có sự nhầm lẫn”.

Ảnh hưởng lớn tới tâm lý trẻ

Chị Vũ Thị Hương chia sẻ, 3 tháng gần đây, sau khi biết ADN, bản thân chị rất sốc.

Với bé Đoàn Nhật M., chị Hương đã phải làm công tác tư tưởng, nói chuyện để con hiểu.

Khi biết sự thật, bé M. đã phản ứng không chấp nhận sự thật. Tuy nhiên, để con hiểu sự việc, “hàng đêm, tôi cùng con đánh vần tên bố và mẹ ruột.

Tôi biết rằng con đã phần nào hiểu chuyện, khi con đặt ra những câu hỏi này”.

Theo chị Hương, để bé M. chấp nhận sự thật thì cần phải có thời gian, không nên quá nóng vội và ép buộc con.

Còn phía nhà anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, trú tại Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội), khi biết sự thật, bé Phùng Thanh H. tỏ ra rất sợ hãi.

Anh Sơn cũng mong muốn được đón bé M. về nuôi và anh vẫn coi bé H. là con mình.

Anh Sơn đồng ý với quan điểm của chị Vũ Thị Hương cần cho các con thời gian để thích nghi. “Tôi mong muốn nhanh chóng tiến hành các thủ tục pháp lý, giấy tờ bởi cả 2 con đều chuẩn bị bước vào lớp một”- anh Sơn nói, và cho rằng, trong hoàn cảnh này, chị Hương chịu nhiều thiệt thòi, công việc bị ảnh hưởng, hôn nhân tan vỡ, dư luận đàm tiếu… Cho nên, việc phải bồi thường cho gia đình nhà chị Hương là hoàn toàn thỏa đáng.

Ở khía cạnh khác, theo lý giải của các chuyên gia y tế, cha mẹ của cả 2 bên gia đình đều đang có những trăn trở sau 6 năm nuôi con người khác.

Họ băn khoăn liệu gia đình bên kia nuôi con như thế nào, con có được chăm sóc yêu thương hay không.

Theo PGS TS Trần Thành Nam (ĐHQG Hà Nội), việc biết sự thật về sự nhầm lẫn và sau đó là sự đổi trả có thể gây ra sang chấn tâm lý nhất định.

Mức độ sang chấn như thế nào sẽ phụ thuộc vào tính cách, tình cảm gắn bó với gia đình đã nuôi dưỡng trẻ lâu nay, thái độ ứng xử của người lớn…

Để tránh cho 2 bé bị “sốc” và thích nghi thì cả 2 bé nên được tư vấn tâm lý trước khi việc trao đổi được diễn ra.

Với người lớn cần phải giúp cho trẻ hiểu được sự nhầm lẫn này là không mong muốn, không phải bị cướp mất tình cảm bấy lâu nay với những người cha mẹ nuôi đã gắn bó. Con sẽ có thêm bố mẹ và nhiều tình yêu thương.

PGS Nam cho rằng, trong câu chuyện này, không chỉ 2 đứa trẻ mà cả bố mẹ đều bị tổn thương.

2 đứa trẻ là người cần phải có sự quan tâm đặc biệt.

Vì vậy, cách cư xử của người lớn mang tính quyết định thái độ của con khi đối mặt với môi trường mới. Gia đình 2 bên nên nghĩ theo hướng tích cực, họ có thêm sự yêu thương và nương tựa.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sự việc trên xảy ra khiến nhiều người dân khá lo lắng về sự thiếu cẩn trọng của một số nhân viên y tế, đồng thời đặt câu hỏi: “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi này, quy định hiện hành xử lý việc trao nhầm con ra sao”?

Luật sư Lê Hồng Vân- Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định: “Tùy theo tính chất, hậu quả, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người thực hiện có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Nếu hành vi trao nhầm trẻ sơ sinh do lỗi vô ý, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, cơ sở y tế phải bồi thường theo quy định pháp luật” .

Cũng theo luật sư Vân, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Điều 597 BLDS 2015 quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì sau đó có quyền yêu cầu người có lỗi phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo quy định này, BV phải bồi thường cho gia đình đã bị trao nhầm con. Sau đó, BV có quyền yêu cầu nhân viên y tế - người có lỗi trao nhầm đứa trẻ phải bồi thường lại cho BV.

Gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất như thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian đi tìm con đẻ, chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch với hóa đơn, chứng từ… kèm theo.

Ngoài những tổn thất về vật chất, họ có thể yêu cầu bồi thường những tổn hại về tinh thần (như việc trao nhầm con khiến vợ chồng nghi ngờ nhau, dẫn đến hôn nhân đổ vỡ, việc trao nhầm trẻ khiến bố mẹ chúng lo lắng, mất ăn mất ngủ, tinh thần sa sút,…).

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/nham-con-ai-chiu-trach-nhiem-tintuc409977