Nhầm lẫn về năng lực cốt lõi của doanh nghiệp, các startup sẽ gặp khó

Một trong những lý do thất bại của các Startup là do sản phẩm của họ không đủ sức cạnh tranh trên thị trường vốn đã 'đất chật người đông'. Vì vậy, song song với việc phát triển sản phẩm, DN Startup cũng nên xác định năng lực cốt lõi của mình là gì để có thể nâng cao được khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Theo bà Ngô Thị Hoài - GĐ Chương trình WECREATE Việt Nam nhận định: Phong trào khởi nghiệp hiện nay vẫn tồn tại những quan điểm lệch lạc về khởi nghiệp, phát triển kinh tế; và không khó để để bắt gặp những lầm tưởng như “chỉ cần nhóm khởi nghiệp được truyền thông biết đến, chỉ cần được rót vốn đầu tư là thành công”. Trong khi đó, xác định năng lực cốt lõi của DN mới giúp các Startup phát triển lâu dài được.

Để Startup và DN thực sự phát triển bền vững, bản thân chủ DN cần tuân thủ nguyên tắc, cần có những kiến thức nhất định và cần tạo ra sự đa dạng, những giá trị cốt lõi, năng lực cốt lõi cho DN. Người chủ DN cần tri thức để xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, theo đuổi những giá trị đích thực khi bắt đầu khởi nghiệp.

TS Nguyễn Minh Tuấn - nhà sáng lập và CEO của Fidafield cho rằng, một DN có rất nhiều năng lực, cấu thành sự nhận diện và định vị cho DN đó, bao gồm công nghệ, sản phẩm, chất lượng sản phẩm, dịch vụ… Tuy nhiên năng lực cốt lõi được nhìn nhận chung là một lĩnh vực mà DN làm tốt hơn tất cả trong bản thân DN, nó được tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ của Cty và tạo ra một năng lực cạnh tranh cho DN khi chúng ta tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm.

Các Startup nên xác định được năng lực cốt lõi của mình. Ảnh: Duy Linh

Các Startup nên xác định được năng lực cốt lõi của mình. Ảnh: Duy Linh

Nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lực cốt lõi đối với DN, bà Anna Lê Mỹ Nga - CEO Hermes Management cho rằng các Startup nên tìm ra một năng lực cốt lõi trong chính sản phẩm của mình, tạo ra những sản phẩm có sự cạnh tranh cao trên thị trường mà các đối thủ không thể dễ dàng bắt chước được.

Bên cạnh năng lực cốt lõi là các sản phẩm, dịch vụ, thì theo ông Phạm Anh Cường - GĐ Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BestB, Nhà sáng lập và CEO của Flower Farm, một trong yếu tố quan trọng nhất là con người. Nếu như bạn truyền được cảm hứng, bạn lan tỏa được điều đó thì mọi người sẽ tự nhiên đi theo bạn. Sự lan tỏa của bạn, ý tưởng của bạn, sự độc đáo của bạn, sự khác biệt của bạn sẽ là chất dẫn để thu hút được những người tài năng. “Con người mới tạo ra giá trị. Nếu giữ được chìa khóa là con người thì Startup đấy dù như thế nào vẫn sống và phát triển được”, ông Cường nhận định.

Ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển DN VCCI nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực cải thiện các bước để dần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp và trong những năm gần đây, VCCI cũng đã triển khai nghiên cứu về mạng lưới chỉ số khởi nghiệp toàn cầu để đưa ra báo cáo về chỉ số khởi nghiệp của Việt Nam, nhằm đưa ra các khuyến nghị, chính sách giúp cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Việt Nam.

Thực tế là tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam được xếp hạng cao trong một số bảng xếp hạng toàn cầu, Theo nghiên cứu chung của Cty đầu tư mạo hiểm ESP Capital và Cento Ventures của Singapore, đầu tư vào startup Việt Nam đã đạt 246 triệu USD trong năm nay, với 56 thương vụ tính đến hết tháng 6. Con số đó dự kiến sẽ đạt 800 triệu USD vào cuối năm nay, tương đương với mức tăng ít nhất 80% so với 444 triệu USD của năm ngoái.

Tổng cộng có khoảng 5,9 tỷ USD đã được đầu tư vào các Cty khởi nghiệp Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2019. Việt Nam chiếm 17% đầu tư khởi nghiệp trong khu vực, tăng từ mức 5% cho cả năm 2018, sau Indonesia ở mức 48% và Singapore ở mức 25%.

Tuy nhiên, muốn lâu dài cần tránh những suy nghĩ lệch lạc về khởi nghiệp. Khởi nghiệp là hoạt động cần lan tỏa nhưng không có nghĩa là làm đồng khởi, tràn lan. Bản thân tỷ lệ các startup khởi nghiệp thành công cũng đã rất nhỏ. Nếu chỉ tin tưởng vào truyền thông, quảng bá, không chú trọng giá năng lực cốt lõi của mình tạo ra, thiếu kiến thức quản lý, thì startup khó tránh được… “chết yểu”.

Do vậy, cần hình thành nên những nhóm khởi nghiệp mạnh, những Startup thực sự có năng lực cốt lõi, để DN có thể sống lâu, sống khỏe. Động lực khởi nghiệp là điều xuyên suốt, tuyệt đối không để khởi nghiệp chạy theo phong trào.

Duy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nham-lan-ve-nang-luc-cot-loi-cua-doanh-nghiep-cac-startup-se-gap-kho-165802.html