Nhân 49 năm trận Damanski: Lời nhắc của một người Nga

Mặc dù có người bây giờ đã lãng quên những giọt máu của những người lính đã đổ, chúng ta vẫn nhớ mãi những sự kiện trên đảo Damanski.

Có lẽ nhiều bạn đọc đã biết tới cuộc chiến biên giới Xô – Trung tại khu vực đảo Damanski.

Nhân 49 năm ngày xảy ra sự kiện này, báo Nga giới thiệu với bạn đọc bài viết của hai chuyên gia quân sự Nga Aleksandr Staver và Roman Skoromokhov. Bài đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 20/3/2018.

Sau đây là nội dung bài viết:

Nửa thế kỷ. Đối với lịch sử, về mặt nguyên tắc, đó không phải là khoảng thời gian quá dài. Nhưng nói như vậy là mới chỉ đề cập đến một mặt của vấn đề. Còn mặt khác...

Bốn chín năm trước đây, các binh sỹ Quân đội và chiến sỹ Bộ đội biên phòng của chúng ta đã dũng cảm chiến đấu với lính PLA (Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc - ND) trong một trận chiến không cân sức.

Và họ (các binh sỹ Xô Viết) đã chiến thắng.

Rất khó đoán trước, trong năm 2019 (năm chẵn tròn nửa thế kỷ - ND), người ta sẽ giải nghĩa và tổ chức kỷ niệm sự kiện này như thế nào ở nước Nga.

Và liệu sự kiện trên có còn được nhắc đến nữa hay không - đơn giản chỉ bởi vì hòn đảo Damanski của chúng ta giờ đây không còn nữa, mà chỉ còn đảo Dragatsennyi (đảo Trân Bảo) của Trung Quốc.

Vâng, và mối quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc giờ có vẻ đang là hòa bình, hữu nghị và v.v... Chúng ta hãy chờ xem.

Nhưng hôm nay, điều chúng tôi muốn nhắc lại không phải là các sự kiện, - hoàn toàn không. Chúng ta sẽ nói tới những sự kiện này trong năm tới. Chính xác hơn là chúng ta sẽ nhắc tới (sự kiện này), nhưng không phải là những chi tiết cụ thể của nó.

Cách đây đã lâu, vào năm 1888, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khảo sát để xây dựng tuyến đường Transsibirsk (tuyến đường xuyên Sibiri - ND), kỹ sư công chánh (giao thông) Stanislav Damanski đã hy sinh.

Ông bị chết đuối trên con sông Ussuri hung dữ. Đây một sự kiện bi thảm, nhưng vẫn thường xảy ra tại khu vực này. Rừng tai ga và rất nhiều con sông Sibiri vẫn rất nguy hiểm cho đên tận hôm nay.

Thi thể người kỹ sư được các đồng nghiệp tìm thấy ở nơi cách không xa một hòn đảo không tên. Và theo truyền thống lúc bấy giờ, hòn đảo đó được đặt tên của người kỹ sư vừa hy sinh - đảo Damanski.

Hòn đảo này không lớn: diện tích chỉ vẻn vẹn 0,7 km2. Dài 1.500 - 1.700m và rộng 500 – 600 m. Cuộc sống trên đảo quả là hơi khó khăn. Vào mùa xuân, nước lũ nhấn chìm gần hết bề mặt đảo. Nhưng vẫn có thể tiến hành các hoạt động kinh tế theo mùa.

Về mặt pháp lý, đảo này thuộc về Nga từ năm 1860, ngay cả khi nó còn chưa được phát hiện, vì theo hiệp ước Bắc Kinh, biên giới giữa Trung Quốc và Đế quốc Nga chạy dọc mép bờ sông Amur bên phía Trung Quốc.

Trên thực tế thì những người dân cả 2 bên đều được sử dụng dòng sông mà không vướng một hạn chế nào. Không những thế, những người Trung Quốc và người Nga ít ỏi sống hai bên bờ sông có mối quan hệ tương đối thân thiện. Còn các hòn đảo, lúc thì trồi lên, lúc thì chìm dưới nước, gần như được coi là các hòn đảo vô chủ.

Tại sao tôi cố tình bắt đầu câu chuyện của mình từ thời xa xưa như vậy? Đơn giản chỉ bởi vì cho đến tận bây giờ, trong các nguồn tài liệu của chúng ta và của Trung Quốc có tương đối nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau về vấn đề này.

Những cách hiểu khác nhau đó làm cho người ta khó nắm bắt được bản chất bên trong của những sự kiện sẽ được mô tả dưới đây. Ai đúng, ai sai?

Còn bây giờ là những con số khô khan từ Hồ sơ khen thưởng của Bộ Quốc phòng Liên Bang Nga. Vì tinh thần anh dũng và lòng quả cảm trong khi thực hiện nhiệm vụ trong thời gian diễn ra các sự kiện ngày mùng 2 và 15/3/1969 tại khu vực đảo Damanski, đã có 300 công dân Xô Viết được khen thưởng, trong số đó có tới 59 người được truy tặng.

Trong số 300 người được khen thưởng có 216 sỹ quan, chiến sỹ Bộ đội biên phòng, 80 người là quân nhân, 4 người còn lại là dân thường.

Bốn cán bộ chiến sỹ biên phòng và một quân nhân Quân đội Liên xô (3 người được truy tặng) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Ba người được tặng Huân chương Lê Nin, 18 người được tặng huân chương Cờ Đỏ (6 người truy tặng).

65 người được tặng Huân chương Sao Đỏ (6 người truy tặng). 29 người được tặng Huân chương Vẻ vang hạng ba (4 người được truy tặng). 118 người được tặng Huy chương “Vì lòng quả cảm” (40 người truy tặng). 62 người được tặng Huy chương “Vì những thành tích trong chiến đấu”.

Các sự kiện trên khu vực Damanski không phải là điều bất ngờ đối với giới lãnh đạo cao nhất của Liên Xô và Trung Quốc lúc bấy giờ. Tình báo (Liên Xô) đã hoạt động rất hiệu quả.

Chính vì thế mà thường xuyên có các báo cáo gửi về Matxcova về việc phía Trung Quốc đang chuẩn bị các hành động tại khu vực đảo. Và các chiến sỹ biên phòng tại khu vực này cũng đã tận mắt nhìn thấy tất cả mọi chuyện.

Hơn nữa, trước đó, các cuộc xô xát bằng tay chân với các binh sỹ Tập đoàn quân kinh tế nông nghiệp Quân đội Trung Quốc cũng đã trở thành chuyện cơm bữa. Các chiến sỹ biên phòng của chúng ta bị cấm sử dụng vũ khí.

Giai đoạn này trong lịch sử Trung Quốc được đặt một cái tên rất đẹp đẽ - Cách mạng văn hóa. Trên thực tế, những gì mà những người trẻ tuổi ủng hộ Mao Trạch Đông - tức Hồng vệ binh (những người bảo vệ đỏ, cận vệ đỏ - tác giả giải nghĩa bằng tiếng Nga - ND) đã làm lúc đó tuyệt đối không liên quan gì đến văn hóa.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/nhan-49-nam-tran-damanski-loi-nhac-cua-mot-nguoi-nga-3355129/