Nhân bản động vật nhìn từ Dubai

Nisar Ahmad Wani thực hiện thành công ca nhân bản lạc đà đầu tiên trên thế giới vào năm 2009, đây được coi là một thành tựu to lớn. Ngày nay, phương pháp nhân bản này dần trở nên phổ biến và có những mục đích khác nhau.

Tái tạo vẻ đẹp

Nisar Ahmad Wani (Giám đốc Khoa học Trung tâm Công nghệ Sinh học Sinh sản, ở Dubai, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất - UAE) và nhóm của ông nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật nhân bản mới cũng như duy trì các ngân hàng tế bào, cho phép họ tạo ra các bản sao của động vật bao gồm cả trâu và cừu. Nhưng trọng tâm của Trung tâm Công nghệ Sinh học Sinh sản là nhân bản lạc đà.

Những con lạc đà nhân bản tại Trung tâm Công nghệ Sinh học ở Dubai. Ảnh: CNN

Những con lạc đà nhân bản tại Trung tâm Công nghệ Sinh học ở Dubai. Ảnh: CNN

Mỗi năm, trung tâm tạo ra hàng chục con lạc đà một bướu nhân bản vô tính, trong đó có bản sao của “nữ hoàng sắc đẹp” lạc đà, với sự kết hợp giữa đôi môi cụp xuống và chiếc cổ dài.

Các cuộc thi sắc đẹp lạc đà rất phổ biến ở các quốc gia vùng Vịnh và tiền thưởng lên tới hàng chục triệu đô la tại một số sự kiện. Trước đây, chủ sở hữu đã bị loại vì sử dụng các kỹ thuật bị cấm như tiêm silicone và chất làm đầy vào lạc đà, đồng thời bơm chất làm đầy vào các bộ phận cơ thể. Nhưng đối với những cuộc thi này, lạc đà nhân bản là hoàn toàn hợp pháp.
Theo báo chí địa phương, việc tạo ra một bản sao chính xác của con lạc đà đẹp nhất của bạn có thể khiến bạn phải trả khoảng 50.000 USD.

Nisar Ahmad Wani và nhóm của anh ấy cũng đã tái tạo các con lạc đà để cạnh tranh trong nhiều cuộc đua lạc đà của UAE (một số trong số đó có thể kiếm được hàng ngàn đô la tiền thưởng cho người chiến thắng). Loại lạc đà khác được nhân bản là loại cho nhiều sữa hoặc sữa của chúng có chứa dạng protein cho các ứng dụng dược phẩm. Hoặc nhân bản những con lạc đà là thú cưng của một ông chủ giàu có nào đó. Công việc này dù ở mục đích nào cũng hái ra bộn tiền.

Hướng mới trong bảo tồn những động vật có nguy cơ tuyệt chủng

Nisar Ahmad Wani làm việc với một quy trình sử dụng DNA từ các tế bào “soma” (tế bào sinh dưỡng) được lấy từ động vật hiến tặng đang được nhân bản. Nhân từ các tế bào hiến tặng này được đưa vào trứng và được kích hoạt bằng hóa chất.

Phòng nhân bản động vật ở Dubai. Ảnh: CNN

Wani nói với CNN: “ADN từ tế bào sinh dưỡng bắt đầu hoạt động giống như ADN của phôi thai. Sau khi được kích hoạt, chúng được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm từ 7 - 8 ngày trước khi được chuyển đến tử cung của người mẹ mang thai hộ".

Theo Wani, quá trình này rất tinh tế, với tỷ lệ thành công của các ca mang thai nhân bản chỉ là 10%, so với 60% ca mang thai tự nhiên của lạc đà được mang đủ tháng.

Những con lạc đà là một phần quan trọng của cuộc sống ở Dubai. Ngoài việc góp mặt trong các cuộc thi và cuộc đua, trong lịch sử, những con lạc đà một bướu còn được sử dụng để vận chuyển qua các sa mạc khắc nghiệt của Bán đảo Ả Rập, đồng thời là nguồn cung cấp thịt và sữa. Chúng cũng là một biểu tượng văn hóa của lối sống truyền thống của người Dubai.

Obaid Al Falasi, người đồng sáng lập Trung tâm cưỡi lạc đà sa mạc Ả Rập, trường dạy cưỡi lạc đà đầu tiên của Dubai, cho biết: “Lạc đà là một yếu tố thiết yếu để đảm bảo cuộc sống ở Bán đảo Ả Rập trước kỷ nguyên dầu khí. Việc đi lại và buôn bán giữa các quốc gia và các khu định cư được tạo điều kiện thuận lợi nhờ lạc đà, loài lạc đà có khả năng chịu đựng khí hậu khắc nghiệt và tồn tại nhờ rất ít thức ăn và nước uống.”

Ông nói thêm, những con lạc đà là kho báu và người bạn đồng hành của mọi người. Đối với nhiều người, chúng còn có ý nghĩa tâm linh.

Trung tâm nhân giống lạc đà của Dubai thay vì nhân bản vô tính tập trung vào chuyển phôi, trong đó phôi được lấy từ một con cái và cấy vào một con lạc đà khác để cải thiện cơ hội và tỷ lệ sinh sản.

Al Falasi nói rằng, nhân bản vô tính quá đắt đối với hầu hết mọi người và việc cấy phôi phổ biến hơn, để đảm bảo rằng một con lạc đà tốt có thể sinh nhiều con (thông qua đẻ thuê), thay vì cứ một hoặc hai năm một lần. Giờ đây, Wani và nhóm của ông đang tìm cách sử dụng công nghệ này để giúp đỡ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Lạc đà Bactrian hoang dã hai bướu là một trong những loài động vật có vú lớn có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên hành tinh, bị đe dọa do mất môi trường sống và giao phối với lạc đà nhà. Để giúp bảo tồn lạc đà Bactrian hoang dã, Wani và nhóm của ông đang nghiên cứu các kỹ thuật liên quan đến chuyển nhân tế bào sinh dưỡng giữa các loài, trong đó một loài vật nuôi có họ hàng gần được sử dụng làm vật hiến trứng cũng như vật mẹ thay thế để mang phôi nhân bản đến kỳ hạn.

Vào năm 2017, con lạc đà Bactrian nhân bản đầu tiên đã được sinh ra tại trung tâm bằng phương pháp này, sau khi phôi được cấy vào một con lạc đà một bướu.

Trong tương lai, Wani hy vọng sẽ sử dụng kỹ thuật nhân bản để bảo tồn các loài động vật đang bị đe dọa nghiêm trọng khác và thậm chí giúp khôi phục các loài đã tuyệt chủng.

Trung tâm của chúng tôi tập trung vào phát triển và áp dụng các kỹ thuật công nghệ sinh học sinh sản mới nhất như nhân bản vô tính, IVF, thụ tinh nhân tạo và chuyển phôi để tăng cường nhân giống các loài động vật khác nhau trong khu vực và cũng để bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Giám đốc Khoa học Trung tâm Công nghệ Sinh học Sinh sản, ở Dubai, Nisar Ahmad Wani

Thế Phong

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhan-ban-dong-vat-nhin-tu-dubai.html