Nhân bản tế bào - lời giải cho bài toán bảo tồn

QĐND - Đầu năm 2009, lần đầu tiên ý tưởng phục sinh động vật đã tuyệt chủng trở thành hiện thực. Các nhà khoa học Tây Ban Nha đã phục sinh một một con dê rừng vốn đã tuyệt chủng trong một khoảng thời gian ngắn kéo dài 7 phút.

Sinh vật được phục sinh là một con dê rừng vùng núi Pai-ren, Tây Ban Nha. Vào năm 2000, con dê núi cuối cùng đã chết do bị cây đổ và đè lên. Tại thời điểm đó, các nhà khoa học đã kịp lấy mẫu da của nó và bảo quản trong khí ni-tơ dạng lỏng. Và sau đó, họ đã sử dụng DNA từ mẫu da này cấy vào trứng của dê nuôi và nhân bản thành một con dê núi.

Dê rừng vùng núi Pai-ren, Tây Ban Nha, sinh vật đầu tiên được phục sinh. Ảnh: AFP

Sau sự kiện nhân bản dê núi thành công, một câu hỏi được đặt ra là, liệu kỹ thuật nhân bản tế bào có khả thi trong việc bảo vệ mọi loài động vật khỏi bóng ma tuyệt chủng?

Tuy đã phần nào thành công nhưng quy trình nhân bản vẫn chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn. Con dê núi được nhân bản ở Tây Ban Nha có khiếm khuyết ở phổi và chỉ sống vỏn vẹn 7 phút sau khi sinh. Nguyên nhân do quy trình nhân bản hoặc DNA được bảo quản không còn nguyên vẹn.

Được khích lệ bởi sự kiện nhân bản thành công dê núi, tháng 1-2011, các nhà khoa học tại Đại học Ki-ô-tô, Nhật Bản, tuyên bố rằng, họ dự định nhân bản một con voi ma mút trong vòng 5 năm. Nỗ lực nhân bản voi ma mút bằng DNA từ những mẫu được bảo quản trong tầng đất phủ băng vĩnh cửu từng được nêu ra vào thập kỷ 90 nhưng thất bại, bởi không thể tìm được một mô sống. Tuy nhiên, vào năm 2008, các chuyên gia tại một học viện của Nhật đã tiên phong áp dụng một kỹ thuật mới để tách các tế bào nguyên vẹn từ một mô được bảo quản lạnh và sử dụng phương pháp này để nhân bản một con chuột từ mô đã chôn vùi dưới lớp băng trong 16 năm.

Hiện những nỗ lực nhân bản các loài động vật đã tuyệt chủng có nhiều cơ may thành công nhưng vẫn còn những rào cản. Theo ông An-đrây Pát, nhà di truyền học tại Đại học Con-nếch-ti-cớt, Mỹ, trường hợp nhân bản dê núi có nhiều điều kiện thuận lợi như các tế bào được bảo quản đông lạnh còn nguyên vẹn và trứng được tái tạo có thể cấy vào tử cung của loài vật nuôi mà các yếu tố sinh sản đã được xác định. Thế nhưng, đối với nhiều loài động vật tuyệt chủng khác, các nhà nghiên cứu thiếu các tế bào còn nguyên vẹn cũng như công nghệ sinh sản. Họ không thể dùng hormone để kích thích hiện tượng mang thai ở loài vật liên quan có thể mang thai hộ.

Hiện có rất nhiều câu hỏi cần lời giải đáp như các nhà khoa học đã nắm rõ đặc điểm hành vi của động vật chưa và DNA có được kiểm soát hay không? Những rào cản trong hệ sinh thái ngăn việc phục sinh động vật là gì? Môi trường sống của loài đó có còn tồn tại hay không? Những động vật được nhân bản sẽ tránh giao phối gần ra sao?

Trong trường hợp các loài động vật mới tuyệt chủng như dê núi vùng Pai-ren, môi trường sống vẫn đang tồn tại. Khi các mối đe dọa tuyệt chủng như hoạt động săn bắn bất hợp pháp bị đẩy lùi, chúng vẫn có cơ hội tồn tại cao. Với voi ma mút, vấn đề phức tạp hơn nhiều. Nguyên nhân dẫn đến tuyệt chủng của loài voi này là hiện tượng khí hậu ấm lên sau thời kỳ băng hà.

Hoàng Sương

Theo Telegraph

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/77/77/77/167057/Default.aspx