Nhận biết dị tật 'lún dương vật' ở trẻ nhỏ

Nếu chẩn đoán không chính xác, dị tật 'lún dương vật' có thể bị điều trị sai, khiến chức năng của dương vật sẽ khó được 'phục hồi' toàn diện.

Các bác phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhân Đ.V.N.L bị lún dương vật - Ảnh: Thúy Ninh

Cần chẩn đoán chính xác bệnh

Các bác sĩ Khoa Ngoại thận - tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, Hà Nội vừa phẫu thuật và tạo hình thành công cho bé trai bị lún dương vật và tinh hoàn ẩn.

Bé Đ.V.N.L (2 tuổi, trú Q.Long Biên, Hà Nội) được nhập viện mới đây trong tình trạng tiểu tiện khó, viêm nhiễm đường tiểu nhiều lần, không thấy dương vật. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé L. bị lún dương vật, tinh hoàn sai vị trí (nằm ở lỗ bẹn nông). Các bác sĩ chỉ định, bé trai cần phải phẫu thuật để tạo hình dựng lại, kéo dài dương vật và đưa tinh hoàn trở về đúng vị trí.

Mẹ của bé cho biết: “Tôi có thấy dương vật của con bị ngắn nhưng nghĩ cháu còn nhỏ, chưa phát triển hết. Thời gian gần đây thấy tình hình sức khỏe của cháu không tốt nên đưa con đi khám”.

Do dương vật bị vùi lấp nên khi tiểu tiện bệnh nhân phải ấn vào vùng mu để lộ dương vật mới có thể tiểu được. Lún dương vật ảnh hưởng xấu đến chức năng tiểu tiện, thẩm mỹ và chức năng sinh dục. Dị tật này cũng dễ gây viêm nhiễm bao quy đầu và đường tiểu.

Với trường hợp của bé trai, kíp phẫu thuật do bác sĩ Bùi Trường Giang (Khoa Ngoại thận - tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Đức Giang) đã phẫu thuật tạo hình dương vật cho bé L., đồng thời chuyển tinh hoàn về đúng chỗ.

Bác sĩ Bùi Trường Giang cho biết: “Lún dương vật” hay còn gọi là “vùi dương vật” (verge enfouie) là dị tật bẩm sinh với biểu hiện dương vật nhỏ, ngắn do bị lún sâu vào vùng mu, thân dương vật bị tụt ra phía sau chỉ còn ống da bọc dương vật. Điều trị dị tật này luôn phối hợp với điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ em.

“Nếu việc chẩn đoán không toàn diện do chỉ nhận thấy biểu hiện hẹp bao quy đầu mà không hiểu biết về bệnh “lún dương vật” sẽ đưa đến quyết định sai lầm không thể sửa chữa được. Bởi khi đã lỡ cắt bỏ bao quy đầu (chỉ để điều trị hẹp bao quy đầu) thì sẽ thiếu hụt da để tạo hình dương vật cho bệnh nhân. Vì da bao quy đầu (ngay cả khi hẹp) là vật liệu vô giá để che phủ thân dương vật khi tiến hành phẫu thuật tạo hình dựng lại và kéo dài dương vật trong điều trị dị tật lún dương vật”, bác sĩ Giang chia sẻ.

Nhận biết dị tật

Theo bác sĩ Bùi Trường Giang, việc chẩn đoán xác định dị tật “lún dương vật” sẽ dựa vào lâm sàng và cha mẹ có thể quan sát: khi dương vật không cương sẽ thấy được ống da dương vật từ bờ trên xương mu trở lên. Khi da quy đầu được kéo về phía xương mu thì mới xác định được dương vật, nhưng buông ra dương vật sẽ bị kéo tuột vào. Khi dương vật cương: có thể nắn được một phần dương vật nhô lên khỏi xương mu nhưng ngắn, ống da dương vật hình dạng nón lùng nhùng.

Như vậy, bố mẹ ở nhà có thể khám sơ bộ cho con, nếu nghi ngờ thì đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám, điều trị sớm tránh biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Thông thường, vùi dương vật bao giờ cũng đi kèm với hẹp bao quy đầu, hẹp và ngắn ống da dương vật, khiến dị tật này có thể bị chẩn đoán nhầm với bệnh lý chít hẹp bao quy đầu bình thường, dẫn đến sai lầm trong điều trị. Chẩn đoán vùi dương vật cũng cần phân biệt với bệnh dương vật nhỏ (hình dạng dương vật bình thường nhưng chiều dài dương vật ngắn hơn 2 lần chuẩn…). Với mỗi bệnh lý, cần được chẩn đoán chính xác để điều trị thành công, giúp bệnh nhân có được chức năng hoàn thiện.

Nguồn: Bệnh viện đa khoa Đức Giang

Nam Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/suc-khoe/nhan-biet-di-tat-lun-duong-vat-o-tre-nho-1079182.html