Nhận biết người bệnh kém kiểm soát đái tháo đường như thế nào?

Mục tiêu chủ yếu của người mắc đái tháo đường type 2 là kiểm soát tốt đường huyết. Nếu không, người bệnh sẽ có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, tim mạch, tổn thương thần kinh

Bạn khát nước và thường xuyên đi tiểu: Dấu hiệu phổ biến của lượng đường tăng cao trong máu là cảm giác khát bất thường, uống nhiều nước rồi đi tiểu một cách thường xuyên. Thận làm việc một cách chăm chỉ khi đường bị tích tụ trong máu. Đến một mức nào đó, thận không thể duy trì nồng độ đường trong máu, lượng đường dư thừa sẽ được bài tiết ra ngoài thông qua nước tiểu. Người bệnh sẽ bị mất nước và nhiều khi cảm thấy chóng mặt.

Luôn thấy đói, ăn nhiều nhưng cân nặng lại giảm: Những bệnh nhân không kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ đặc biệt có cảm giác đói và thèm ăn. Ngay cả khi họ ăn nhiều hơn, trọng lượng của họ vẫn có thể giảm đi. Khi cơ thể không nhận được năng lượng từ đường, nó sẽ chuyển nguồn khai thác sang cơ cùng chất béo để chuyển hóa chúng thành năng lượng sử dụng. Đó là lý do khiến cân nặng bị giảm. Ngoài những thay đổi về trọng lượng và sự thèm ăn, bệnh nhân có thể nhận thấy sự suy giảm sức mạnh và độ căng ở cơ bắp.

Mệt mỏi: Khi cơ thể không sản xuất đủ hormone insulin hoặc chức năng insulin suy giảm, các tế bào không nhận được đủ đường để chuyển hóa nó thành năng lượng sử dụng cho các hoạt động sống hàng ngày. Thiếu năng lượng gây ra mệt mỏi.

Mắt mờ: Lượng đường tăng cao trong máu có thể khiến điểm vàng sưng lên làm mờ tầm nhìn. Người bệnh cũng có thể bị đau đầu thường xuyên.

Những vết thương lâu lành: Vết cắt, vết xước, vết bầm tím cùng nhiều vết thương khác trên cơ thể sẽ chậm lành hơn nếu lượng đường trong máu tăng cao. Đái tháo đường type 2gây tổn thương thần kinh, ảnh hưởng đến lưu thông của các mạch máu (đặc biệt là ở cẳng chân và bàn chân) nên có thể khiến vết thương lành chậm vì không đủ lưu lượng máu đến khu vực này. Những vết thương nhỏ thậm chí sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn, có thể trở nên rất nghiêm trọng mà phải cắt cụt chi. Loét chân là tình trạng rất phổ biến ở người kém kiểm soát bệnh.

Da sạm và có nếp nhăn: Còn được gọi là "Acanthosis nigricans". Là một tình trạng da đặc trưng bởi da dày, sạm, mượt như nhung, có vết nhăn, thường xuất hiện khi người bệnh kém kiểm soát đường huyết. Chúng có thể xuất hiện ở mặt sau của cổ hoặc tay, nách, mặt...

Ngứa ran và tê: Lượng đường tăng cao trong máu gây tổn thương thần kinh và triệu chứng biểu hiện ra bên ngoài là cảm giác ngứa ran toàn thân, gây tê ở bàn tay, bàn chân của người bệnh.

Để kiểm soát đái tháo đường, người bệnh cần uống thuốc theo hướng dẫn bác sỹ. Nếu đường huyết vẫn tăng cao sau uống thuốc, bệnh nhân vẫn cần duy trì một chế độ dinh dưỡng và tập thể dục hợp lý, cần đi khám để được bác sỹ kiểm tra và điều chỉnh lượng hoặc thay đổi loại thuốc đang sử dụng.

Theo Healthplus

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/nhan-biet-nguoi-benh-kem-kiem-soat-dai-thao-duong-nhu-the-nao-270378.html