Nhận biết rủi ro khi đầu tư vào dự án EB-5

Các trung tâm tư vấn định cư tại Mỹ chưa được Cục Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) cấp phép đang mọc lên như nấm, trong khi nhiều nhà đầu tư lại 'nhẹ dạ cả tin', khiến các khoản đầu tư của họ qua chương trình đầu tư định cư EB-5 (Employment Base Fifth) có thể mất trắng.

 Số lượng đơn I-526 mà doanh nhân từ các nước và vùng lãnh thổ nộp cho USCIS trong giai đoạn 2014 đến tháng 10-2018. Nguồn: USCIS.

Số lượng đơn I-526 mà doanh nhân từ các nước và vùng lãnh thổ nộp cho USCIS trong giai đoạn 2014 đến tháng 10-2018. Nguồn: USCIS.

Đó là thông tin được chia sẻ tại tọa đàm “Giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tài sản khi đầu tư định cư EB5” do Global Residents LLP (một thành viên của American Immigration Group), trung tâm khu vực được cấp phép bởi USCIS, kết hợp cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức tuần trước.

Mất cả chì lẫn chài

EB-5 là chương trình thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 500.000 đô la Mỹ vào một dự án mới được USCIS phê duyệt, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo công ăn việc làm cho lao động Mỹ. Đổi lại, nhà đầu tư nhận được thẻ xanh cho họ và vợ/chồng, con cái của họ để sống và làm việc bất cứ đâu trên nước Mỹ. Con cái được học trường công miễn phí và học phí đại học sẽ chỉ bằng một phần ba chi phí của một sinh viên quốc tế, tiết kiệm được tới 100.000 đô la Mỹ/năm. Sau 5 năm, họ được đăng ký nhập tịch.

Với các lợi ích trên, nhiều nhà đầu tư trong nước đã để mắt tới EB-5 để đến với “giấc mơ Mỹ”. Hàng chục ngàn nhà đầu tư tìm hiểu chương trình này mỗi năm nhưng chỉ có 761 người nộp đơn được duyệt vào năm 2018. Lý do số đơn được duyệt thấp vì nhiều nhà đầu tư bị thông tin sai lệch từ đầy rẫy các trung tâm môi giới chưa được cấp phép.

Theo bà Qendrese Sadriu-Rrustemi, Giám đốc điều hành của American Immigration Group, các trung tâm môi giới hiện nay chưa được USCIS cấp phép mọc ra như nấm. Họ kinh doanh theo dạng đa cấp, chỉ cần quan tâm tới việc bán được suất đầu tư mà không đưa ra thông tin xác thực.

Những trung tâm này không chỉ xuất hiện dưới dạng công ty môi giới mà còn dưới mác công ty luật tại Việt Nam và ở nhiều thị trường khác như Trung Quốc, Ấn Độ, nơi có số lượng nhà đầu tư quan tâm lớn. Những nhân viên trong các công ty môi giới trên thậm chí còn không hiểu rõ về EB-5 và vấn đề của nhà đầu tư.

“Các công ty môi giới đưa ra lãi suất ngất trời 4% trong khi thực chất chỉ có 0,25% cho đến khi họ được hoàn lại khoản đầu tư 500.000 đô la. Các công ty này cũng không giới thiệu được các dự án có chất lượng cao và không chỉ ra được các rủi ro trong việc đầu tư vào các dự án có tính khả thi thấp. Đã có trường hợp nhà đầu tư đổ tiền vào dự án thất bại, vừa mất cả tiền lẫn đặc quyền thẻ xanh vì dự án họ đầu tư không mang lại việc làm cho công dân Mỹ”, bà Qendrese cho hay.

Ngoài ra, theo bà Qendrese Sadriu-Rrustemi, chính sách chuyển và nhận tiền quốc tế giữa Việt Nam và Mỹ khác nhau nên nhà đầu tư rất cần tư vấn của các trung tâm có thẩm quyền để tránh mất trắng tiền. Chỉ có những trung tâm cấp khu vực được cấp phép bởi USCIS mới được cấp phép lựa chọn các dự án và bán các khoản đầu tư EB-5 cho các quốc gia trên thế giới.

Ông Kenneth K.Nguyen, Giám đốc cấp cao của Global Residents LLP, cho hay các nhà đầu tư thường nhận được lời quảng cáo sai sự thật từ các công ty môi giới như chỉ sau 2 năm khi được duyệt đơn I-526 (đơn xin đầu tư) là có visa, trong khi hiện Mỹ có một danh sách dài các nhà đầu tư đang đợi và điều này còn phụ thuộc vào dự án mà họ đầu tư. Hay trẻ em dưới 14 tuổi mới có thể được đảm bảo thẻ xanh với gói đầu tư của cha mẹ nhưng các nơi này lại tự động nới số tuổi thành 21.

Nhiều nhà đầu tư đến nhiều đại lý môi giới để tìm hiểu nhưng đến mỗi nơi, họ lại nhận được thông tin khác nhau. Nhiều nơi còn vẽ ra viễn cảnh đẹp như trong mơ rằng người đầu tư vào Mỹ qua chương trình EB-5 là đã có nhà ở; hoặc có nơi giới thiệu những dự án để đầu tư với hứa hẹn chỉ cần chi số tiền ít hơn Chính phủ Mỹ công bố; có nơi còn mồi chài thêm tiền để nhà đầu tư có kết quả xét duyệt thẻ xanh sớm hơn.

Đáng chú ý, ông Kenneth K.Nguyen cho biết EB-5 chỉ là chương trình thí điểm, các quy định trong chương trình được thay đổi trước ngày 30-9 hàng năm. Thậm chí, Chính phủ Mỹ cũng có thể chấm dứt chương trình này trước ngày 30-9 bất kỳ năm nào. Khi đó, chỉ đơn đăng ký đầu tư nào được duyệt trước ngày đó mới hợp pháp. Nếu nhà đầu tư tìm đến sai địa chỉ tư vấn thì khoản đầu tư của họ đã rơi vào rủi ro.

Nên chuẩn bị khoảng 3 triệu đô la

Ông Ken D. Duong, Managing Partner tại Duong Glogal Business Consulting, cho rằng để tránh tình trạng bát nháo hiện nay của các công ty môi giới thì Chính phủ nên có các biện pháp quy định chặt chẽ hơn đối với các công ty có thẩm quyền tư vấn về di trú định cư quốc tế.

Phía Chính phủ Mỹ chỉ có thể ngăn chặn các trường hợp lừa đảo này bằng cách siết chặt việc chuyển tiền và yêu cầu nguồn gốc tiền chặt chẽ hơn. Nhà đầu tư mất tiền có thể báo với chính quyền để kiểm tra những công ty môi giới lừa đảo, tuy nhiên, để lấy lại số tiền mình đã đầu tư lại là một chuyện khác.

Đối với nhà đầu tư gặp phải trường hợp dự án lừa đảo hoặc kém năng lực thì trước tiên nên xem lại hợp đồng và báo cáo sự việc với trung tâm vùng. Họ cũng nên liên hệ với luật sư, cơ quan di trú và nhập tịch để khiếu nại.

“Nhà đầu tư cũng có thể kiện lên tòa án tại Mỹ nhưng chi phí rất tốn kém. Đã có trường hợp một nhóm 400 nhà đầu tư Trung Quốc đã kiện chung một dự án và đã thắng kiện. Tuy nhiên, số lượng nhà đầu tư Việt Nam chung một dự án còn quá nhỏ nên có thể lép vế trong các vụ kiện tụng”, ông Ken D. Duong chia sẻ.

Đặc biệt, theo ông Ken D. Duong, khi đầu tư và nhận thẻ xanh, họ cần nhiều hơn 500.000 đô la. Ngoài 85.000 đô la ước tính cho các loại thuế phí, họ cần nhiều tiền hơn nữa để có thể đi lại giữa Việt Nam và Mỹ. Họ cũng phải tốn chi phí mua hoặc thuê nhà để ở lại nếu muốn có được thẻ thường trú nhân hoặc quyền công dân.

“Tuy có nhiều việc làm cơ bản để họ chọn lựa theo mức lương tối thiểu và chương trình an sinh xã hội, nhưng đối với gia đình muốn sống an nhàn tại Mỹ sau khi được nhập cư thì nên có tầm 3 triệu đô la để mua nhà và kinh doanh bất động sản hoặc kinh doanh nhượng quyền một nhãn hàng nào đó, chứ không nên tính sát mức 500.000 đô la. Đa số nhà đầu tư qua EB-5 vẫn còn giữ việc kinh doanh ở Việt Nam, dù đã định cư ở Mỹ”, ông Ken D.Duong nói thêm.

Danh sách các trang web của Chính phủ Mỹ về chương trình EB-5:

www.USCIS.gov/EB-5

Link thông tin và cấp phép EB-5: https://www.uscis.gov/eb-5

Link về EB-5 và các yêu cầu của EB-5: https://www.uscis.gov/working-united-states/permanent-workers/employment-based-immigration-fifth-preference-eb-5/about-eb-5-visa-classification

Link thông tin về thời gian xử lý hồ sơ: https://egov.uscis.gov/processing-times/

Link thông tin quy định về Visa: https://travel.state.gov/content/travel/en/legal/visa-law0/visa-bulletin.html

Mỹ Huyền

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/289407/nhan-biet-rui-ro-khi-dau-tu-vao-du-an-eb-5-.html