Nhận biết và xử trí viêm đại tràng giả mạc

Viêm đại tràng giả mạc là bệnh viêm đại tràng xảy ra ở một số người sau dùng kháng sinh do sự phát triển quá mức của một loại vi khuẩn có tên là Clostridium difficle (C.difficile).

Bệnh có thể gây đau bụng nhiều, tiêu chảy, sốt, phân nhầy, thậm chí một số trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, điều trị cho hầu hết các trường hợp viêm đại tràng giả mạc là thành công.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chủ yếu là loạn khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh, hoặc bị suy giảm miễn dịch vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là ở người cao tuổi. Hầu như bất kỳ loại kháng sinh nào cũng có thể gây viêm đại tràng giả mạc ngay cả những loại kháng sinh dùng để điều trị bệnh lý này. Ở những người bị bệnh ung thư, hóa trị đôi khi có thể phá hoại các vi khuẩn trong ruột và kích hoạt sự phát triển của viêm đại tràng giả mạc. Viêm đại tràng giả mạc cũng có thể phát triển ở những người bị bệnh có ảnh hưởng đến đại tràng như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn.

Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng viêm đại tràng giả mạc trong đó phải kể đến tuổi tác, đặc biệt là trên 65 tuổi, đối với người có hệ thống miễn dịch suy yếu. Có một căn bệnh đại tràng, chẳng hạn như bệnh viêm ruột và ung thư đại trực tràng hoặc trải qua phẫu thuật đường ruột cũng có thể mắc viêm đại tràng giả mạc.

Hình ảnh viêm đại tràng giả mạc.

Dấu hiệu nhận biết

Triệu chứng chung của bệnh là đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, đây là biểu hiện thường gặp nhất. Phân hầu như không có máu, thay đổi từ mềm, sệt đến tóe nước hay nhầy mũi với một mùi đặc trưng. Bệnh nhân có thể đi đại tiện 20 lần mỗi ngày. Người bệnh có thể sốt, có khi lên tới 38-39oC. Theo thống kê, có khoảng 28% bệnh nhân bị sốt và 22% đau bụng. Đôi khi có nôn hoặc buồn nôn, phân có khi lỏng, có thể có máu hoặc có chất nhầy và mủ kèm theo. Tuy nhiên, các triệu chứng của viêm đại tràng màng giả có thể bắt đầu trong vòng 1-2 ngày sau khi bắt đầu dùng một loại kháng sinh, hoặc có thể không xảy ra cho đến vài tuần sau khi ngừng kháng sinh... do đó khi có các biểu hiện nghi ngờ trên cần nghĩ đến viêm đại tràng giả mạc.

Biến chứng nguy hiểm

Bệnh viêm đại tràng giả mạc là bệnh liên quan đến kháng sinh do sự phát triển quá mức của Clostridium diffcile (C.diffcile). Loại vi khuẩn này tạo ra các độc tố mạnh làm kích ứng ruột và gây các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc. C.difficile là vi khuẩn bất thường trong đường ruột khỏe mạnh được tìm thấy trong 3-5% người lớn khỏe mạnh; tuy nhiên, 50% trẻ sơ sinh và trẻ em là nơi khu trú cho vi khuẩn và độc tố của nó. Viêm ruột giả mạc là một căn bệnh hiếm đáng ngạc nhiên ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ - dân số được xem là thường không có triệu chứng. Một số kháng sinh có liên quan đến bệnh viêm đại tràng giả mạc như cephalosforin, cefotaxim, nhóm quinolone.

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đã nặng, cơ thể suy kiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Vì viêm đại tràng giả mạc gây ra những biến chứng như: mức thấp bất thường của kali trong máu (hạ kali máu), do sự mất kali trong quá trình tiêu chảy quá nhiều. Mất nước dẫn đến huyết áp thấp bất thường (hạ huyết áp), liên quan đến thiệt hại đáng kể của chất lỏng và chất điện giải, suy thận do tiêu chảy. Thủng ruột kết có thể dẫn đến nhiễm khuẩn ổ bụng. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, cấp cứu đúng đa số trường hợp đáp ứng tốt với điều trị. Điều đáng lưu ý, phần lớn bệnh nhân hồi phục, nhưng tái phát khoảng 15-30%.

Chẩn đoán và điều trị

Ngoài việc khám lâm sàng thì viêm đại tràng giả mạc là một hình thức nặng hơn của nhiễm C.difficile, được nhìn thấy qua nội soi chỉ khoảng 50% bệnh nhân tiêu chảy có cấy phân dương tính và phát hiện thấy độc tố C.difficile. Nội soi là công cụ chẩn đoán nhanh ở những bệnh nhân nặng nghi ngờ bị viêm đại tràng giả mạc và đau bụng cấp tính, nhưng một kết quả âm tính trong kiểm tra này không loại trừ nhiễm C.difficile.

Về điều trị, tùy từng trường hợp bệnh nhân và mức độ bệnh mà các bác sĩ có hướng điều trị tích cực như: ngừng thuốc kháng sinh hiện tại và bắt đầu một kháng sinh hiệu quả đối với C.difficile. Trong một số trường hợp vỡ đại tràng và viêm niêm mạc của thành bụng (viêm phúc mạc) có thể cần phẫu thuật.

BS. Hoàng Văn Long

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-va-xu-tri-viem-dai-trang-gia-mac-n136103.html