Nhận biết về vi khuẩn Whitmore

Thời gian gần đây, ở một số tỉnh, thành phố trong nước xuất hiện bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore mà nhiều người còn gọi tên là vi khuẩn 'ăn thịt người'. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã trao đổi cùng bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về loại vi khuẩn này cũng như những biến chứng do vi khuẩn gây ra.

- Xin bác sĩ cho biết, nguyên nhân gây nhiễm vi khuẩn Whitmore và tình hình bệnh này tại Quảng Ninh?

+ Người bị bệnh Whitmore là do nhiễm vi khuẩn Whitmore. Đây là loại vi khuẩn có khả năng sinh ra nội độc tố, gây tán huyết và gây độc tế bào. Vi khuẩn này cư trú ở môi trường bùn, nước, phân bố khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, có thể tìm thấy vi khuẩn này trong nước ao hồ, sông ngòi tự nhiên, trong đất ẩm...

Bệnh nhân Whimore cần được điều trị kịp thời (trong ảnh: Điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Bệnh nhân Whimore cần được điều trị kịp thời (trong ảnh: Điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Một số trường hợp còn bị lây nhiễm qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy. Bên cạnh đó, người có thể bị vi khuẩn xâm nhập do ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn như thịt, bơ, sữa, tôm, cá... hoặc uống phải nước bị nhiễm phân động vật có vi khuẩn. Bệnh còn có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với phân hoặc máu người bệnh.

Tại Quảng Ninh, nhiều năm nay chưa xuất hiện bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore nên người dân cũng không nên quá hoang mang, tuy nhiên cũng không được chủ quan với bệnh.

- Bệnh Whitmore nguy hiểm như thế nào, thưa bác sĩ

+ Bệnh Whitmore thường xuất hiện nhiều vào mùa mưa. Khi mới nhiễm vi khuẩn, người bệnh thường không có triệu chứng.

Tuy nhiên sau 2-4 tuần, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Lúc này, bệnh có thể biểu hiện khu trú, như: Một vết loét, nốt trên da do quá trình mầm bệnh xuyên qua da vào các vết thương sẵn có. Sau đó, bệnh nhân thường sốt và đau cơ toàn thân do vi khuẩn xâm nhập diễn tiến nhanh chóng gây áp xe tại nhiều vị trí tạo nhiễm trùng huyết và các bệnh cảnh khác nhau như: Viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm khuẩn da, viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc viêm xương tủy và liên quan đến thần kinh.

Để chẩn đoán bệnh Whitmore, các bác sĩ phải thực hiện phân lập vi khuẩn từ máu, đờm, nước tiểu, dịch áp xe của bệnh nhân (trong ảnh: Phân lập xác định loại vi khuẩn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Cụ thể, bệnh thường gây:

* Nhiễm trùng tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy, tiêu toàn nước hoặc tiêu lỏng có máu.

* Nhiễm trùng phổi: Sốt cao, đau đầu, đau ngực kèm ho, chán ăn...

* Nhiễm trùng máu: Sốt, đau đầu, suy hô hấp, đau khớp, khó chịu ở bụng.

* Nhiễm trùng lan tỏa: Sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ hoặc khớp, đau đầu, co giật hoặc có các cơn động kinh...

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, bệnh nhân ở nước ta hay gặp biểu hiện đặc trưng là hoại tử vùng cổ, ngực, chân tay.

Để chẩn đoán bệnh Whitmore, các bác sĩ phải thực hiện phân lập vi khuẩn từ máu, đờm, nước tiểu, dịch áp xe của bệnh nhân.

+ Để phòng bệnh này, cần thực hiện các biện pháp gì, thưa bác sĩ?

- Điều may mắn là hiện nay vẫn còn nhiều loại kháng sinh để điều trị bệnh Whitmore. Tuy nhiên, đây là loại bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao, do đó, khi có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, người dân nên đến các bệnh viện có chuyên khoa để được khám, xét nghiệm, điều trị kịp thời. Bệnh phải điều trị thời gian dài, thường có khả năng tái phát và hay bị kháng thuốc, do đó người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt việc thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh này hiện nay chưa có vắc xin tiêm phòng, do đó, mọi người cần chủ động phòng bệnh bằng cách giữ gìn vệ sinh, ăn thực phẩm sạch, ăn thức ăn đã nấu chín; uống nước đã đun sôi... để tránh vi khuẩn lây qua thức ăn, nước uống.

Những người làm việc, sinh hoạt phải tiếp xúc với môi trường đất và nước, đặc biệt môi trường sau mưa lũ cần có phương tiện bảo hộ lao động phù hợp. Trường hợp có các vết thương, mụn nhọt… nên tránh tiếp xúc trực tiếp với bùn, đất, nguồn nước ô nhiễm. Nếu không may bị bẩn cần phải được rửa sạch bằng xà phòng kháng khuẩn và lau khô... Nếu có sốt, tiêu chảy... nên đến cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán kịp thời.

+ Xin cám ơn bác sĩ!

Thu Nguyệt (thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201910/nhan-biet-ve-vi-khuan-whitmore-2455971/