'Nhận chìm vật chất', cũ người mới ta

Sau khi TBKTSG Online đăng bài Bình Thuận không 'nhận chìm vật, chất' nạo vét ở dự án nhiệt điện Vĩnh Tân xuống biển ngày 17-9-2018, bạn đọc có tên Chuyên gia Hải dương học đã để lại bình luận dài phản biện trường hợp này. Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin phép được biên tập lại thành bài viết hoàn chỉnh với tựa đề tự đặt 'Nhận chìm vật chất', cũ người mới ta'.

Ảnh: Quang Đức

Vào tháng 11-1972, tại Hội nghị Liên chính phủ tổ chức tại thành phố London (Vương quốc Anh), Công ước về phòng ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác ở biển (Công ước London 1972) được thông qua. Hiện nay đã có 89 nước phê chuẩn công ước này.

Để hiện thực hóa Chương trình Nghị sự 21, tăng cường bảo vệ môi trường biển phục vụ phát triển bền vững, tại cuộc họp đặc biệt của các nước thành viên Công ước London 1972 vào năm 1996 tại London, Nghị định thư về Công ước phòng ngừa ô nhiễm biển do đổ chất thải và các chất khác ở biển (Nghị định thư London 1996) được thông qua (và sửa đổi, bổ sung năm 2006, 2009, 2013).

Trong Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996 đều quy định chất nạo vét ở đáy biển là chất được phép đổ xuống biển.

Cơ sở của quy định này là chất nạo vét là chất được đưa lên từ đáy biển và việc đưa nó trở lại biển là một việc rất tự nhiên nếu nó không chứa những chất độc hại có khả năng làm môi trường biển thay đổi theo chiều hướng xấu đi.

Nhiều luật pháp quốc tế về môi trường, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, các Nghị quyết Đại hội đồng Liên Hợp quốc về Đại dương và Luật biển cũng luôn đề cập tới các hoạt động nhận chìm xuống biển.

Đặc biệt, các nước Bắc Âu và Tây Âu đã cùng nhau xây dựng Công ước về bảo vệ môi trường biển Đông Bắc Đại Tây dương (Công ước OSPAR) quy định rất rõ những điều kiện nhận chìm. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (bản dịch do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2012), sự nhận chìm là:

(i) mọi sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải, hoặc các chất khác từ tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc công trình bố trí ở biển.

(ii) mọi sự đánh chìm tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi, hoặc công trình khác được bố trí ở biển.

Việc nhận chìm chất nạo vét xuống biển được luật pháp nhiều nước trên thế giới cho phép và thực hiện rất phổ biến.

Chẳng hạn, Cục Khí tượng và Đại dương Mỹ (NOAA), Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), Ủy ban Công ước OSPAR (khu vực Đông Bắc Đại Tây dương),... đều viết rõ rằng hầu hết chất nạo vét yêu cầu được nhận chìm ở biển.

Báo cáo đánh giá đại dương thế giới lần 1 do Liên hợp quốc ban hành năm 2016, nêu rõ vào năm 2010, riêng nước Bỉ đã nhận chìm khoảng 52 triệu tấn chất nạo vét (tính theo khối lượng khô) xuống biển.

Báo cáo của Ủy ban Công ước OSPAR năm 2010 cho thấy từ năm 1990 tới 2010, các nước ở khu vực Đông Bắc Đại Tây dương đã nhận chìm hàng năm từ 80 đến 150 triệu tấn chất nạo vét tính theo khối lượng khô xuống biển.

Theo báo cáo đánh giá Đại dương Thế giới do Liên Hợp quốc (năm 2016), chỉ có ít hơn 50% thành viên Công ước London 1972 báo cáo nhận chìm. Tuy vậy, trong báo cáo về nhận chìm năm 2016 thì vào năm 2012, các nước trên thế giới đã cấp phép và nhận chìm khoảng 650 triệu tấn chất nạo vét tính theo khối lượng khô xuống biển.

Với con số hơn 50% các nước thành viên Công ước London 1972 (87 nước vào năm 2012) không báo cáo như nêu ở trên và những nước không tham gia công ước cũng không báo cáo, có thể ước tính rằng số lượng thực của chất nạo vét được nhận chìm xuống biển vào năm 2012 nằm trong khoảng từ 800 triệu tấn đến 1 tỉ tấn.

Một ví dụ rất điển hình về nhận chìm cát nạo vét là bãi biển Palm, Florida, Mỹ. Đây là bãi biển đẹp và đắt giá nhất Mỹ. Bãi này bị xói lở do cát bị vận chuyển dọc bờ theo hướng sóng thịnh hành và lắng đọng ở phía cuối của bãi. Để duy trì bãi, người ta đã nạo vét cát ở cuối bãi, chở lên “nhận chìm” ở đầu bãi.

Tại Việt Nam, Luật bảo vệ môi trường 2014 đã cho phép nhận chìm, đổ thải ở biển. Việc nhận chìm ở biển đã được quy định chi tiết trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Danh mục các chất được phép nhận chìm ở biển quy định trong Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ hoàn toàn trùng khớp với danh mục các chất, bao gồm cả chất nạo vét được đổ xuống biển quy định trong Công ước London 1972 và Nghị định thư London 1996.

Như vậy, luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam đều cho phép nhận chìm ở biển. Mục đích là để quản lý tốt hơn và giảm thiểu tác động môi trường do nhận chìm ở biển, đồng thời giảm chi phí nhận chìm, đổ thải, tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả nhất.

Một quy định rất chặt chẽ trong luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về nhận chìm ở biển là phải thực hiện thẩm định và cấp phép để đảm bảo kiểm soát và hạn chế thấp nhất những thiệt hại về môi trường sinh thái do các hoạt động nhận chìm gây ra.

Theo đó, phải đảm bảo khu vực nhận chìm không phải là khu vực có tầm quan trọng cao về môi trường sinh thái và hoạt động nhận chìm ở biển không được gây ra những tác động có hại tới các khu vực biển có tầm quan trọng cao về môi trường sinh thái ở xung quanh khu vực nhận chìm.

GV

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278963/nhan-chim-vat-chat-cu-nguoi-moi-ta-.html