Nhân chuyện 'ăn cỗ lấy phần', Tây ăn không hết mang về là chuyện thường!

Mấy ngày nay câu chuyện ăn cỗ lấy phần mang về ở Nam Định bỗng trở thành đề tài gây tranh cãi: Nên hay không nên mang đồ ăn thừa về? Không mang về có phải thể hiện nếp sống có văn hóa cao?

Tục "ăn cỗ lấy phần" thể hiện nét đẹp của người dân quê, miếng ngon muốn dành cho người thân cũng được hưởng (Ảnh: VTC).

Tục "ăn cỗ lấy phần" thể hiện nét đẹp của người dân quê, miếng ngon muốn dành cho người thân cũng được hưởng (Ảnh: VTC).

Câu chuyện nên giữ hay nên bỏ tục "ăn cỗ lấy phần" bỗng xôn xao khi có thông tin một số xã thuộc huyện Giao Thủy (Nam Định) đang thực hiện cuộc vận động văn minh văn hóa ở địa phương, làm cỗ đủ ăn, ăn cỗ không lấy phần. Theo đó, nếu chủ nhà để khách ăn cỗ lấy phần về thì sẽ bị xử phạt tiền.

Ông Trần Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Giao Long (Giao Thủy, Nam Định) xác nhận với báo Người đưa tin rằng địa phương đang thực hiện cuộc vận động văn minh trong cưới xin và sẽ xử phạt nếu gia đình nào để khách đến ăn cỗ lấy phần.

Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ, kể cả những người dân ở vùng miền khác, không có tục "ăn cỗ lấy phần".

Xung quanh cuộc vận động này có nhiều điều cần bàn, Ông Nguyễn Văn Then- Chủ tịch UBND xã Hải Phúc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trả lời trên Báo Đất Việt ngày 30/3 cũng cho biết: "Trước đây, người dân xã này vẫn giữ tục đến ăn cỗ và lấy phần mang về. Nhưng xét thấy xã hội phát triển, đời sống sinh hoạt đã cao hơn trước, nếu ăn cỗ lấy phần thì không được lịch sự, chúng tôi đưa việc này ra họp bàn nhiều rồi thống nhất tuyên truyền ở xã thường xuyên, các đoàn thể họp triển khai, ghi trong hương ước.

Thực ra, bây giờ nếu làm cỗ to quá thì ăn không hết, để lại rất lãng phí, mà khách lấy phần về có khi cũng không ăn, lại bỏ cho chó mèo rất phí. Vì thế, bà con thống nhất không ăn cỗ lấy phần nữa, làm cỗ cũng đỡ tốn kém hơn mà vẫn thể hiện long trọng, lịch sự".

Theo như lời của vị chức sắc trong xã thì việc "ăn cỗ lấy phần" của người dân là không phù hợp với nếp sống mới và cần được vận động để loại bỏ.

Tục "ăn cỗ lấy phần" ở Nam Định ra sao?

Theo tìm hiểu, tục ăn cỗ lấy phần đã có từ lâu ở Nam Định và trở thành một nét đẹp văn hóa, dù thời nay cuộc sống của người dân đã cải thiện và giàu có hơn. Xưa kia thiếu thốn, đói nghèo, ăn bữa nay phải lo bữa mai, bữa cơm chỉ có độn khoai độn sắn, ăn no là phúc chứ nào nghĩ đến ăn ngon. Vì thế, mỗi khi được mời đi ăn cỗ, những người cha người mẹ lại nghĩ đến đám trẻ ở nhà, mình thân làm cha mẹ được miếng ngon, còn con cái ở nhà thì không. Hành động "gói mang về" cho người thân là một hành động đẹp, nhân văn, thể hiện lòng yêu thương san sẻ và tình cảm cao thượng của cha mẹ với con cái, với người thân.

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà tập tục này được gìn giữ lâu đến thế.

"Ăn cỗ lấy phần" là một nét đẹp lâu đời của người dân Nam Định.

Nhìn Ta, ngó Tây

Chúng ta vẫn luôn mặc định rằng, nếp sống phương Tây là văn minh, tiến bộ, hiện tại người Việt ngoài việc giữ gìn bản sắc thì cũng đã du nhập và hòa nhập lối sống của phương Tây, trong đó có chuyện ăn uống.

Tây ăn xong có mang về không? Đây là câu hỏi nhiều người thắc mắc. Xin thưa, họ có mang về khi ăn không hết. Tôi từng đi ăn tối với một thầy giáo người Ý, tại một nhà hàng ở phố Thợ Nhuộm (Hà Nội), sau khi ăn xong, chỉ còn một miếng pizza nhỏ nhưng anh Tây vẫn gọi nhân viên bỏ vào hộp và mang về. Anh Tây nhìn tôi một cách bình thản và không bình luận về hành động đó như một lẽ dĩ nhiên phải thế, mặc kệ xung quanh bao nhiêu người Việt bỏ thừa thức ăn ở lại.

Hiện tại, ở các nhà hàng buffet hay lẩu băng chuyền, nhiều chủ nhà hàng còn khuyến cáo khách hàng không được bỏ thừa, nếu bỏ thừa sẽ bị tính cân và phạt tiền. Một nhân viên của nhà hàng cho biết: "Cảm thấy rất phí phạm khi ăn không hết mà bỏ thừa đi, nhiều người muốn ăn cũng không có mà ăn, thức ăn thừa lại bị nhúng vào nước lẩu nên cũng không sửa soạn đem đi cho, chỉ còn cách là đổ đi, rất lãng phí!".

Như vậy, chuyện "ăn cỗ lấy phần" và chuyện ăn không hết thì mang về là điều mà ai cũng nhận ra chuyện đó đúng đắn. Trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, nên hạn chế làm thức ăn thừa mứa để không phải bị đổ đi, người sĩ diện lại không dám cầm về. Trên tinh thần gia đình, việc ăn miếng ngon nhớ đến gia đình, thân tộc là một nét văn hóa đẹp, mà đã là nét văn hóa đẹp, thì chẳng có gì phải bàn nữa.

Chu Anh

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/nhan-chuyen-an-co-lay-phan-tay-an-khong-het-mang-ve-la-chuyen-thuong-74445.html