Nhân chuyện cầu thủ Quang Hải 'ngã xuống' do chấn thương, nói về chuyện không nên làm việc quá sức

Con người không phải cỗ máy. Dù ý chí mạnh mẽ và kiên cường đến cỡ nào và thể lực bền bỉ đến đâu, rồi cũng đến lúc kiệt sức.

Hôm 3/12 vừa qua, cầu thủ Quang Hải đã buộc phải rời sân phút 22 trong trận đấu với Singapore. Anh dính chấn thương sau pha va chạm với trung vệ của đội bạn. Ngay sau đó, Quang Hải phải đi thẳng vào trong phòng, nhờ bác sĩ chăm sóc.

Việc Quang Hải bị chấn thương, không thể tham gia thi đấu tiếp cùng đội tuyển bóng đá nam Việt Nam được nhiều người cho rằng đây là kết quả tất yếu của việ thi đấu quá nhiều trận và giải. Tính đến trận gặp Indonesia tại Sea Game 30 vừa qua, Quang Hải đã cán mốc 10.000 phút thi đấu trong vòng 2 năm, trải qua 124 trận đấu từ câu lạc bộ tới đội tuyển quốc gia. Tính riêng trong năm 2019, tiền vệ nhỏ con người Đông Anh, Hà Nội đã chơi 60 trận, hầu hết là các trận chính thức. Nếu tính bình quân, trung bình cứ 5,6 ngày Quang Hải lại xỏ giày ra sân thi đấu.

Bác sỹ Trần Anh Tuấn – người đang phụ trách mảng y tế cho đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 30 cho biết: "Quang Hải bị chấn thương trong trận đấu với U22 Singapore hôm 3/12. Ngay sau trận đấu, chúng tôi đã đưa Hải đi chụp chiếu và làm các xét nghiệm. Quang Hải cần uống thuốc, kết hợp với vật lý trị liệu như laser điện phân, tập các bài hồi phục".

Cầu thủ Quang Hải buộc phải rời sân cỏ hôm 3/12 sau chấn thương.

Cầu thủ Quang Hải buộc phải rời sân cỏ hôm 3/12 sau chấn thương.

"Tại sao một trận bóng đá lại giới hạn 90 phút?"

Đây là câu hỏi chung của nhiều người mới tìm hiểu về bóng đá. Theo Ths.BS Nguyễn Ngọc Tuấn – Giảng viên bộ môn Chấn thương chỉnh hình, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh thì theo nghiên cứu của giới y khoa thể thao, 90 phút là mức chịu đựng vừa phải để các cầu thủ thi đấu.

Về nguồn gốc giới hạn 90 phút cho một trận bóng đá chuyên nghiệp là do năm 1866, đội London đối đầu với Shefffield, hai đội quyết định thi đấu trong vòng 90 phút. Tất cả mọi người đều nghĩ đây là thời gian lý tưởng cho một trận đấu. Đó cũng là khoảng thời gian phù hợp về thể lực với các cầu thủ khi hết trận. Từ đó người ta lấy 90 phút làm tiêu chuẩn cho một trận đấu. Quy chuẩn đó trở thành quy định được thực thi từ năm 1897. Hội đồng bóng đá quốc tế đã chính thức áp dụng luật 90 phút cho một trận đấu, nội dung của luật cũng quyết định chốt số cầu thủ thi đấu cho mỗi đội là 11 người. Và luật 90 phút cho một trận đấu không thay đổi suốt từ năm 1897 đến nay.

Vì sao lại quy định làm việc 8 giờ mỗi ngày?

Nhiều người thắc mắc tại sao các công ty trên khắp thế giới lại quy định thời gian làm việc là 8h/ngày, 40 giờ mỗi tuần? Nguyên nhân là do quy định trong đạo luật liên bang mang tên "Tiêu chuẩn lao động công bằng" của Mỹ. Đạo luật này được thông qua năm 1938, sau hàng chục năm đấu tranh của giới lao động và những thay đổi về ý thức của giới chủ. Ngày nay, đạo luật này vẫn còn hiệu lực và được nhiều nơi trên thế giới áp dụng tương tự.

Dù làm bất cứ công việc gì, bạn cũng cần phải lưu tâm đến việc không được làm quá sức. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo Ths.BS Nguyễn Ngọc Tuấn – Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì đây là vấn đề quy định chung của xã hội chứ không áp dụng cho tất cả mọi người và ngành nghề, tùy theo môi trường và tính chất công việc. Ví dụ nhà báo có thể làm việc 8h/ngày nhưng bác sĩ có thể phải đứng thực hiện ca mổ đến 14h/ngày, công nhân làm trong hầm mỏ hay các thợ lặn có thể làm dưới 8h/ngày.

Có điều là, dù làm bất cứ công việc gì, bạn cũng cần phải lưu tâm đến việc không được làm quá sức bởi càng làm việc chăm chỉ thì bạn càng có động lực rằng mình sẽ thành công và càng dễ khiến bạn ngập đầu. Làm việc quá sức có thể "đánh bại" bạn ngay cả khi bạn thực sự đam mê công việc của mình, nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực sâu rộng tới sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần, gây căng thẳng, mất ngủ, suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề tim mạch, phổi và dẫn đến đột quỵ.

K.Vân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/nhan-chuyen-cau-thu-quang-hai-nga-xuong-do-chan-thuong-noi-ve-chuyen-khong-nen-lam-viec-qua-suc-20191209145533366.htm