Nhân chuyện say xỉn, nói về vài điểm giống và khác nhau giữa Hungary và Việt Nam

Giữa Hungary và Việt Nam là khoảng cách hơn vạn dặm (11000 km), một đất nước ở Trung Âu và một đất nước ở Đông Nam Á, tất nhiên hai dân tộc có nhiều điểm khác nhau, nhưng lại có những điểm giống nhau thật thú vị.

Trong lịch sử, cả Việt Nam và Hungary là dân tộc yêu hòa bình, không thích chiến tranh, nhưng đều bị cuốn vào những cuộc chiến liên miên, để rồi bằng cách nào đó, chúng ta đều thoát ra, có được nền độc lập, và tự chủ xây dựng đất nước theo cách riêng của mình, khẳng định được cá tính của mình, độc đáo, không kém phần hấp dẫn.

Bìa sách “Say xỉn học toàn thư”

Bìa sách “Say xỉn học toàn thư”

Về tính cách, chúng ta có những điểm tương đồng, tiêu biểu nhất là sự nồng nhiệt, cởi mở, thích tụ họp để chia sẻ cảm xúc, nói lên ý kiến riêng, thích cả trào lộng và trào phúng. Chúng ta đều yêu thích việc dùng tiếng cười để khéo léo “phê” người khác, thậm chí phê chính mình. Tiếng cười tự trào xuất hiện nhiều trong đời sống ở cả hai nước, và trong các quán trà, quán rượu, nơi các hành lang khu tập thể, hành lang cuộc họp. Tiếng cười trào phúng chung của cả người Hungary và người Việt đều thể hiện rằng, chúng ta là những người sống vui, kết nối với nhau bằng tiếng cười, và thông qua đó giáo dục nhau cũng bằng tiếng cười. Chẳng thế mà dân gian Việt Nam tổng kết rằng người Việt có 36 kiểu cười, và người Hung, chắc cũng chẳng kém cạnh!

Nói về rượu và vấn đề say xỉn, chúng ta cũng có nhiều chuyện để kể. Người Hung thì nổi tiếng vì chế ra được các loại rượu vang ngon, từ trái cây đặc trưng như nho, đào, mận, còn người Việt thì có thể tự hào về những loại rượu chế từ ngũ cốc bản địa như rượu ngô, rượu gạo, rượu sắn. Như vậy, cả hai nước chúng ta đều có “căn cước” rượu rõ ràng.

Còn về vấn đề uống rượu, chúng ta đều bí tỉ như nhau. Từ người dân thường tới các vĩ nhân, đều không thể bỏ qua thú vui này. Các nhà soạn nhạc khi say thì cho ra những tác phẩm âm nhạc để đời, Việt Nam có Văn Cao là một tửu sĩ đáng yêu, người viết ra quốc ca cho đất nước, còn Hungary có Ferenc Kolcsey, nhà thơ lớn và đồng thời là người viết quốc ca Hungary, cũng bị khoe là có tính “nát rượu” trong cuốn sách “Say xỉn học toàn thư” của hai tác giả Cserna Szabó András và Daria Benedek - một trong những tác phẩm văn học hay nhất của Hungary vừa ra mắt độc giả Việt Nam tháng 5/2019.

Những doanh nhân sau khi uống với nhau đến cạn ly cuối cùng thì tin tưởng ký hợp đồng hợp tác làm ăn. Nhưng cũng có những vĩ nhân say xỉn rồi về đốt tóc vợ như nhà thơ Pháp Paul Verlaine (bị “tố giác” trong sách “Say xỉn học toàn thư”), hoặc một tên con nhà giàu nào đó ở Việt Nam chúng ta khi say xỉn vẫn leo lên xe lái điên loạn và bỗng chốc trở thành kẻ giết người trên đường thì hẳn bạn cũng đã biết… Rượu cũng có tính hai mặt. Muốn trải nghiệm khoái cảm khi say thì bạn phải trả giá. Quan trọng là ai uống rượu, uống để làm gì, và sau đó dẫn đến kết quả nào, hành động nào.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà văn DiLi luận bàn về say xỉn trong sách “Say xỉn học toàn thư” và trong đời sống.

Người Việt Nam nói "rượu vào lời ra", người Hungary nói "trong rượu có sự thật", cuốn sách giễu nhại "Ông già trăm tuổi leo cửa sổ biến mất" có câu "tuyên ngôn" xanh rờn "không tin những thằng không uống rượu". Còn truyền thông thì mới đưa ra tin rụng rời: Việt Nam lọt Top 5 nước có tỷ lệ tiêu thụ rượu cao nhất thế giới.

Vậy căn cứ vào những thông tin trên, liệu có thể hy vọng rằng chúng ta (người Việt) sẽ được hưởng thụ nhiều sự thật hơn không? Bởi chỉ có sự thật mới cứu được con người. Và cũng cần nhấn lại câu hỏi, say để làm gì? Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên thì ung dung vuốt chòm râu dài mà rằng: “Say để tỉnh và nhìn mình rõ hơn.”

Và cũng chính nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, người nhận mình là kẻ thích rượu và thỉnh thoảng say, đã chỉ ra điều khác nhau cơ bản giữa người Việt và người Hungary, đó là trong khi người Hung đưa tính trào phúng, tiếng cười trào lộng của mình vào văn học một cách tài tình, thì các tác giả Việt lại quá nghiêm túc trong văn chương, nghiêm túc đến không thể cười được dù trong đời thường chúng ta cười nhiều và giỏi chuyện tiếu lâm.

Cũng đồng tình với nhận định này, nhà văn DiLi cho rằng trong mỗi tác giả Việt đã có sẵn một cây kéo biên tập, nên mỗi điều họ viết ra đã được tự biên tập kỹ lưỡng, và do đó tác phẩm văn học Việt Nam hiện nay quá đạo mạo, khó mà cười cho được. Trong khi, chỉ cần cầm một cuốn như “Say xỉn học toàn thư” của Hungary lên đọc, thì ở một trang nào đó, bạn cũng sẽ cười nghiêng ngả, cười sằng sặc đến rơi cả sách trên tay.

Kiều Bích Hậu

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhan-chuyen-say-xin-noi-ve-vai-diem-giong-va-khac-nhau-giua-hungary-va-viet-nam-537173.html