Nhân dân cả nước thương tiếc nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

LTS - Vào hồi 23 giờ 12 phút ngày 1-10-2018, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã vĩnh biệt chúng ta. Từ số báo hôm nay, chúng tôi trân trọng giới thiệu các ý kiến của người dân khắp nơi trên cả nước bày tỏ lòng tiếc thương và tình cảm đối với đồng chí Đỗ Mười.

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1/11/1992. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN

Thương nhớ người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Nghe tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, tôi bồi hồi nhớ lại những ngày tháng gian khổ ở Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) năm xưa. Những ngày bị tù đày, tôi thấu hiểu cảnh sống khó khăn, nghiệt ngã cho nên càng khâm phục ý chí, nghị lực của anh Đỗ Mười và các bạn tù chính trị khi nghe kể về cuộc chiến đấu không cân sức giữa các chiến sĩ cách mạng với bọn cai ngục, mà đỉnh cao là cuộc vượt ngục trở về với Đảng của 200 đồng chí vào tháng 3-1945.

Anh Đỗ Mười tham gia cách mạng từ năm 1936, đến năm 1941 bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở Nhà tù Hà Ðông và Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Trong Nhà tù Hỏa Lò, các chiến sĩ cách mạng phải sống trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt nhưng anh đã cùng tù chính trị tự tổ chức cuộc sống. Anh tham gia Ban Quản lý sinh hoạt nhà tù, Ban này có nhiệm vụ lãnh đạo, điều khiển các tiểu ban trật tự, vệ sinh, giáo dục, kinh tế - tài chính, văn nghệ… Mặc dù bị giam cầm, anh và các bạn tù vẫn tìm mọi cách để nắm bắt tình hình cách mạng bên ngoài và nung nấu ý định vượt ngục. Nhiều phương án chuẩn bị vượt ngục được chuẩn bị, chỉ chờ thời cơ thực hiện. Lợi dụng rối ren khi Nhật, Pháp bắn nhau tháng 3-1945, các chiến sĩ cách mạng Trần Tử Bình, Đỗ Mười, Cao Đàm, Trần Quang Hòa, Nguyễn Tuân, Phan Lang… và nhiều người khác đã vượt ngục thành công qua đường cống ngầm. Ngay sau khi ra khỏi nhà tù, các anh tham gia vào việc chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Ôn lại những ngày tháng ấy, tôi càng thêm cảm phục bản lĩnh kiên trung, ý chí sắt đá và niềm tin vào thắng lợi của anh Đỗ Mười. Trong những ngày tháng tù đày gian nan nhưng anh vẫn giữ bình tĩnh, sáng suốt, tìm ra những con đường sáng trong ngục tối nhà tù. Được rèn luyện trong gian khổ, anh Đỗ Mười càng thương nước, thương dân, thương đồng chí mình và điều đó được thể hiện qua hành động thiết thực sau này. Khi còn đương chức hay lúc đã nghỉ hưu, anh luôn quan tâm đến những người bạn tù Hỏa Lò, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, động viên, tiếp thêm tinh thần và nghị lực cho chúng tôi.

Chúng tôi sẽ luôn nhớ đến anh, hôm nay và mãi mai sau.

NGUYỄN ĐÌNH CẦN

Nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Liên lạc Nhà tù Hỏa Lò

Gắn bó với sự phát triển của Thủ đô

Trong quá trình công tác, tôi có nhiều dịp được gặp, báo cáo trực tiếp với đồng chí Đỗ Mười, được đồng chí trao đổi, chỉ đạo, gợi mở về các công việc chung của thành phố Hà Nội, nhất là những vấn đề như tổ chức không gian, xây dựng và quản lý đô thị ở Thủ đô. Tôi nhớ, có lần khi đi qua những khu nhà tập thể, đồng chí Đỗ Mười nói: Nếu dùng ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng các khu đô thị mới thì không được là bao, thành phố cần phải có giải pháp để thu hút, huy động vốn từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Khi Hà Nội đang xây dựng khu đô thị Linh Đàm, đồng chí Đỗ Mười rất quan tâm, xuống xem tận nơi. Vào từng căn hộ, xem chi tiết từ cái cửa sổ, đồng chí chỉ rõ, không nên xây dựng, thiết kế như nhà ở thời kỳ bao cấp, đất nước đã bước sang thời kỳ đổi mới thì làm phải khác đi, đẹp hơn, hiện đại hơn, phù hợp với sinh hoạt của người dân. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí, những chi tiết này đã được thay đổi và khi đi kiểm tra lại đồng chí đã rất hài lòng.

Đồng chí từng căn dặn lãnh đạo thành phố, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, có sức hút rất lớn, dân số tăng nhanh, cho nên khi lập quy hoạch, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn tới, thành phố phải tính toán thật kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Chính vì vậy, đồng chí đã nghe và cho ý kiến rất nhiều lần về Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Tư tưởng của thành phố khi đó là đưa sông Hồng vào giữa lòng Hà Nội, mở rộng khu vực nội thành, thành lập thêm các quận mới như Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, sau đó là Hoàng Mai, Long Biên... được đồng chí Đỗ Mười ủng hộ, khuyến khích làm. Đến nay, những ý tưởng đã thành hiện thực, góp phần tạo nên diện mạo to, đẹp của Thủ đô hôm nay.

HOÀNG VĂN NGHIÊN

Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội

Luôn vì Đảng, vì nước, vì nhân dân

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, tôi cùng đội ngũ cán bộ Đoàn cả nước được tham dự buổi nói chuyện của Tổng Bí thư Đỗ Mười về thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng. Dù là học tập Nghị quyết, nhưng buổi nói chuyện của Tổng Bí thư rất sinh động, giàu thực tế, đi thẳng vào những vấn đề tồn tại thời điểm đó. Ấn tượng nhất về buổi nói chuyện là đến những đoạn cao trào, đồng chí có phong thái, biểu cảm quyết liệt, đanh thép, thẳng thắn nhìn nhận yếu kém, đúng sai và bày tỏ mong mỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên cùng cả bộ máy phải “chuyển” nhanh, hành động ngay khẩn trương đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Chúng tôi cảm nhận được khí chất người cán bộ tâm huyết trong công việc, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, luôn đau đáu trăn trở về tình hình của đất nước. Tấm lòng của đồng chí Tổng Bí thư là ngọn lửa truyền cảm hứng mạnh mẽ cho đội ngũ cán bộ Đoàn chúng tôi lúc đó, thúc đẩy mỗi người có ý thức gương mẫu đi đầu, học hỏi, nỗ lực, xung kích, phát huy vai trò sức trẻ vì nước, vì dân.

Thêm một câu chuyện làm tôi xúc động là cách đây nhiều năm, đồng chí Đỗ Mười lúc tuổi cao, sức yếu vẫn quan tâm, gửi gắm lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh hỗ trợ đoàn y, bác sĩ khoảng 20 người, là những người luôn bên cạnh chăm lo sức khỏe cho đồng chí, được vào thành phố tham quan, nghỉ ngơi. Thực hiện nguyện vọng giản dị này, chúng tôi vui mừng tiếp đoàn y, bác sĩ lần đầu đặt chân vào thành phố với tình cảm hết sức gần gũi. Hai câu chuyện về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười như một triết lý, một lời nhắc nhở tôi và thế hệ sau này: Dù ở cương vị hay hoàn cảnh nào, người lãnh đạo phải luôn ở tâm thế truyền cảm hứng cho mọi người, luôn đặt mình vào vị trí người khác, gần gũi với quần chúng, để hiểu và chia sẻ cùng mọi người.

TRẦN VĨNH TUYẾN

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh

Người lãnh đạo gần gũi và thấu hiểu nguyện vọng của dân

Năm 1995, bác Đỗ Mười về xã Tân Trào dự Lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Khi đó tôi là Bí thư Chi đoàn thôn Tân Lập, xã Tân Trào. Ngay khi đến nơi, bác Đỗ Mười đã đi bộ tới thăm các gia đình có công với nước, hỏi thăm sức khỏe người già, chuyện học hành của trẻ nhỏ và thăm nhiều hộ dân trong thôn để tìm hiểu đời sống của bà con. Những năm đó, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn rất khó khăn. Bác Đỗ Mười đã chỉ đạo cán bộ tỉnh, huyện và các bộ, ngành cùng đi phải quan tâm chăm lo hơn nữa cuộc sống người dân đồng bào miền núi nói chung và vùng chiến khu kháng chiến nói riêng. Thấy các cháu học sinh mẫu giáo trong thôn đi học xa mà trường học vẫn làm bằng tranh tre, mái lá không bảo đảm an toàn khi mưa bão, bác Đỗ Mười đã tặng cho thôn một lớp học mầm non và được xây ngay tại trung tâm thôn Tân Lập, gần gốc đa Tân Trào lịch sử. Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm năm đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười nhấn mạnh, đồng bào và núi rừng Tuyên Quang đã từng che chở cho lãnh tụ và các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và quân đội ta trong những năm tháng đầy khó khăn, gian khổ từ khi cách mạng còn trong trứng nước thì nay cần tiếp tục nêu tấm gương xây dựng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc… Người dân thôn Tân Lập sẽ giữ mãi ấn tượng về người Tổng Bí thư dung dị, gần gũi và thấu hiểu nguyện vọng của dân.

TRƯƠNG VĂN TRÌNH

Bí thư Chi bộ thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37831402-nhan-dan-ca-nuoc-thuong-tiec-nguyen-tong-bi-thu-do-muoi.html