Nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới ở Đại Từ

Ngày 4-5 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 371/QĐ-TTg công nhận huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2023.

Đây là kết quả của sự điều hành tập trung, sáng tạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội huyện Đại Từ nói chung và các xã, thị trấn cũng như sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn nói riêng. Báo Quân đội nhân dân có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm Duy Hùng, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Từ về kết quả nêu trên.

Phóng viên (PV): Với việc đạt các tiêu chí chuẩn huyện NTM, Đại Từ đã "về đích" trước một năm so với kế hoạch. Đồng chí cho biết nỗ lực của cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương để có được kết quả trên?

Đồng chí Phạm Duy Hùng.

Đồng chí Phạm Duy Hùng.

Đồng chí Phạm Duy Hùng: Trên cơ sở rà soát, đánh giá chất lượng các tiêu chí, huyện Đại Từ đã xây dựng lộ trình cụ thể để hoàn thành các tiêu chí, đồng thời tập trung quán triệt, vận động, tuyên truyền để nhân dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình; khơi dậy sự quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đạt được kết quả như trên phải kể đến vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM.

Trong đó, cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Đại Từ không chỉ gương mẫu chấp hành các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng NTM mà thực sự trở thành những người nòng cốt, đi đầu, gương mẫu, nói đi đôi với làm để dân tin, dân ủng hộ, nhất là trong những việc khó như: Giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường, làm công trình hạ tầng nông thôn, đóng góp tiền của, công sức...; thực hiện tốt công tác dân vận, giải thích rõ nội dung, ý nghĩa của phong trào, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực Nhà nước trong xây dựng NTM.

Sau khi được triển khai, tuyên truyền, nhận thức của nhân dân Đại Từ về xây dựng NTM ngày càng được nâng lên. Người dân đã chủ động học tập, nâng cao tay nghề, phát triển kinh tế nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất và văn hóa-tinh thần, từ đó tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đóng góp tiền của, tài sản, ngày công lao động... để xây dựng NTM. Từ khi thực hiện chương trình đến nay, nhân dân huyện Đại Từ đã đóng góp hơn 320 tỷ đồng để xây dựng NTM.

PV: Được biết, Đảng bộ huyện Đại Từ đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. Nét khác biệt từ các nghị quyết chuyên đề này như thế nào thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Duy Hùng: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 9-8-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn NTM và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 18-1-2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Từ đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU - nghị quyết chuyên đề về xây dựng huyện Đại Từ đạt chuẩn NTM năm 2023.

Nghị quyết đã đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào các nội dung: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện; phát động đợt thi đua cao điểm “Đại Từ quyết tâm chung sức xây dựng huyện NTM” năm 2023; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của nhân dân trong xây dựng NTM; tập trung huy động và bố trí sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng NTM; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh phát triển cây chè, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

PV: Kết quả trên thể hiện sự điều hành tập trung, sáng tạo của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội... và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn. Cụ thể ra sao, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Duy Hùng: Cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quyết liệt chỉ đạo, thường xuyên sâu sát cơ sở, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Ngay sau khi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai, Huyện ủy, UBND huyện Đại Từ đã phát động các phong trào có hiệu quả đến các cấp, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân như đợt thi đua cao điểm “Đại Từ quyết tâm chung sức xây dựng huyện NTM” năm 2023; “Đại Từ quyết tâm chung sức xây dựng huyện NTM nâng cao” năm 2024; Phong trào “Mở rộng đường xóm 6m”... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã đã tích cực vận động nhân dân trên địa bàn hiến hơn 248ha đất, tài sản trên đất, ngày công lao động để xây dựng, cải tạo, nâng cấp 916km đường giao thông nông thôn các loại, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 398 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố...

 Đường hoa dọc Quốc lộ 37, đoạn qua xã Cù Vân, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Đại Nguyên

Đường hoa dọc Quốc lộ 37, đoạn qua xã Cù Vân, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Ảnh: Đại Nguyên

PV: Thưa đồng chí, Đảng bộ huyện Đại Từ có quan điểm là xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Huyện Đại Từ đã cụ thể hóa quan điểm đó như thế nào?

Đồng chí Phạm Duy Hùng: Những năm qua, huyện Đại Từ xác định, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM cần tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiếp tục xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; huyện tiếp tục giữ vững các tiêu chí huyện NTM, từng bước nâng cao chất lượng tiêu chí và phấn đấu đạt huyện NTM nâng cao năm 2025, làm cơ sở để huyện phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2030.

Trên cơ sở kết quả đạt được, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Đại Từ đã ban hành nghị quyết với mục tiêu: Những tháng còn lại của năm 2024 phấn đấu có thêm 15 xã NTM nâng cao, nâng tổng số xã NTM nâng cao lên 20/27 xã; năm 2025, huyện tiếp tục phấn đấu có thêm 5 xã đạt NTM nâng cao, dự kiến đến hết năm 2025, huyện có 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện Đại Từ đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

MINH DUY (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhan-dan-la-chu-the-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-dai-tu-777077