Nhận diện các 'điểm khó' để cải thiện thủ tục trên hệ thống một cửa quốc gia

Một khảo sát được công bố mới đây về việc thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin một cửa quốc gia cho thấy, việc cải cách của các ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh nỗ lực của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), việc kết nối, cũng như thực hiện một số thủ tục của các bộ, ngành liên quan vẫn bị doanh nghiệp cho là khó. Những 'điểm khó' này đã tạo ra khoảng cách giữa việc triển khai thực tế với yêu cầu, mục tiêu đặt ra.

Vẫn còn thủ tục khó thực hiện

Tính tới nay, Cổng thông tin một cửa quốc gia đã tích hợp được 249/261 thủ tục hành chính (TTHC) của 13 bộ, ngành kết nối, xử lý gần 4,95 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn doanh nghiệp.

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các TTHC theo Cơ chế một cửa quốc gia. Cụ thể: hoàn thành triển khai chính thức 42 thủ tục; nâng cấp/cập nhật 2 thủ tục; đang chuẩn bị triển khai chính thức (hoàn thành kiểm tra kết nối) 1 thủ tục mới của Bộ Quốc phòng, 6 thủ tục mới của Bộ Công thương, 1 thủ tục mới của Bộ Giao thông vận tải và 1 thủ tục mới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Vừa qua, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố một báo cáo về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Trong đó, VCCI tập trung khảo sát vào 12 TTHC trên Cổng thông tin một cửa quốc gia có tần suất doanh nghiệp thực hiện nhiều nhất gồm: 3 TTHC của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); các Bộ Công thương, Giao thông vận tải, Y tế, mỗi bộ có 2 thủ tục hành chính và 1 thủ tục của Bộ Khoa học và công nghệ.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp dễ dàng thực hiện thủ tục tương đối khác nhau, phân bố trong khoảng 45% - 81%. Mức độ thuận lợi thực hiện TTHC tập trung theo nhóm bộ, ngành giải quyết.

Nguồn: VCCI.

Nguồn: VCCI.

Các thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của NN&PTNT, Bộ Công thương là những thủ tục có tỷ lệ đánh giá dễ/tương đối dễ cao nhất. Trong khi đó, nhóm thủ tục thuộc Bộ Y tế được đánh giá khó khăn hơn cả.

Cụ thể, dù số lượng doanh nghiệp thực hiện thủ tục “Cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” chỉ ở mức trung bình so với các thủ tục khác và mỗi doanh nghiệp chỉ tiến hành thủ tục này khoảng 3 lần/năm, nhưng có đến 55% doanh nghiệp gặp khó khăn, cao nhất trong số 12 thủ tục được khảo sát.

Tương tự, cũng có đến 49% doanh nghiệp đánh giá chưa tích cực về thủ tục “Cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu”. Xếp ngay sau 2 thủ tục của Bộ Y tế là 2 TTHC liên ngành, với 31% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế.

Có 27% ý kiến đánh giá "khó thực hiện" thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh vào cảng biển quốc tế. Có thể thấy, mặc dù là 2 nhóm thủ tục có số lần thực hiện nhiều nhất, có khoảng 1/3 doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tỷ lệ tương ứng với thủ tục “Kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu” của Bộ Khoa học và công nghệ là 30%.

Các thủ tục có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn tăng đáng kể là “Cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế”, thủ tục “Cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu” thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, với mức tăng lần lượt là 21% và 20%.

Công khai, minh bạch hơn nữa

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA), qua báo cáo nói trên có thể thấy, doanh nghiệp được khảo sát năm 2022 đánh giá thực hiện thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia phần lớn khó khăn hơn so với khảo sát năm 2019 với 10/12 thủ tục.

Điều này có thể được lý giải bởi từ tháng 1/2020 cho đến hết quý I/2022, Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, với việc áp dụng giãn cách xã hội xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước. Do vậy, việc thực hiện các TTHC nói chung, trong đó có thủ tục xuất nhập khẩu, cũng chịu tác động lớn.

Doanh nghiệp mong muốn có sự phối hợp nhịp nhàng

"Khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng thông tin một cửa quốc gia và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại hơn nữa. Doanh nghiệp mong muốn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành và tích hợp các thủ tục qua Cổng thông tin một cửa quốc gia để giảm thiểu chi phí, thời gian của doanh nghiệp, trên cơ sở số hóa bộ thủ tục, quy trình xử lý thủ tục hành chính" - Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.

Bà Cúc cho rằng, dù còn nhiều tồn tại thách thức, song phải thừa nhận tổng thể chung việc cải cách của các ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực từ năm 2019 đến nay. Có điều, so với yêu cầu của Chính phủ, của Bộ Tài chính, của Tổng cục Hải quan, việc thực hiện thực tế vẫn còn khoảng cách mới đạt được. “Mong rằng, với kết quả khảo sát lần này, các bộ, ngành sẽ nhìn nhận rõ hơn khoảng cách đó để việc thực hiện ngày càng tốt hơn, thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển” - bà Cúc nói.

Đưa ra kiến nghị, Chủ tịch VTCA cho rằng, điều cần nhất chính là phải số hóa tối đa các giao dịch, thủ tục để người dân, doanh nghiệp không cần phải sử dụng tới hồ sơ giấy trong quá trình hoạt động. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần phải công khai, minh bạch hơn nữa. Các cán bộ thi hành công vụ cần thực hiện nghiêm túc hơn. Thủ trưởng các cơ quan cũng cần nghiêm minh hơn nữa trong xử lý các trường hợp gây phiền hà, nhũng nhiễu song song với tôn vinh, tặng thưởng xứng đáng cho những người làm tốt để cán bộ, công chức phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhan-dien-cac-diem-kho-de-cai-thien-thu-tuc-tren-he-thong-mot-cua-quoc-gia-116338.html