Nhận diện chân dung văn học nước nhà

Ngày 2-2, tại Hà Nội đã diễn ra lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015 và Giải thưởng Tiểu thuyết giai đoạn 2011 - 2015.

Từ hàng trăm tác phẩm được xuất bản trong năm 2015, Hội đồng xét giải thưởng đã chọn ra 7 tác phẩm xuất sắc của 7 tác giả ở các thể loại: văn xuôi, thơ, lý luận phê bình và dịch thuật để trao giải. Đây được coi là năm “bội thu” của văn chương khi giải thưởng đã có mặt ở các thể loại, đặc biệt là ở thể loại thơ sau nhiều năm vắng bóng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, việc lựa chọn các tác phẩm của giải thưởng năm nay của Hội đồng chuyên môn (Hội đồng sơ khảo) đã được thực hiện rất nghiêm túc và chất lượng. Số lượng tác phẩm đưa vào chung khảo và tác phẩm được giải cho thấy một cái nhìn khá đồng nhất giữa Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo. Mỗi tác phẩm được giải đã mang lại một thi pháp riêng, một ngôn ngữ riêng và những vấn đề riêng của con người và xã hội.

“Kỳ nhân làng Ngọc” của tác giả Trần Thanh Cảnh cho người đọc một cái nhìn cận cảnh số phận của những con người nhỏ bé và bình dị ở một vùng nông thôn. Một cái nhìn cận cảnh nhưng lại chứa đựng một thông điệp sâu sắc về những biến động của văn hóa làng Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử đất nước và cho người đọc tham dự vào một dự báo về nông thôn Việt Nam trong thời gian tới. Chi tiết ám ảnh, ngôn ngữ sống động, cấu trúc hiện đại cùng với tính nhân văn sâu sắc ở trong mọi điều kiện của đời sống đã làm nên giá trị cho tác phẩm này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trao giải cho các tác giả.

Tác giả Nguyễn Thế Quang là một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Trong mỗi tác phẩm của mình, ông luôn đắm chìm vào nhân vật lịch sử và thời đại lịch sử của nhân vật ông viết. Chính vì vậy mà người đọc thấy ông như chính là một nhân vật của thời đại đó. Người đọc như thấy ông khóc cười cùng nhân vật. Vì thế mà ông làm cho những nhân vật lịch sử cùng với thời đại của họ hiện lên như mới hôm qua. “Thông reo ngàn hống” chứa đựng những phẩm chất vô cùng quan trọng đó cùng với một tư duy trầm tĩnh đầy trách nhiệm về lịch sử đã mang tới thành công cho ông. Một điều quan trọng là, cho dù tác giả Nguyễn Thế Quang viết về một câu chuyện lịch sử cách đây vài trăm năm hoặc xa hơn nữa, nhưng nó vẫn mang đến những bài học giá trị cho đời sống hiện nay.

Giải thưởng Hội Nhà văn 2015 trao cho hai tập thơ: “Vườn khuya” của tác giả Trần Hùng và “Long mạch” của tác giả Hoàng Trần Cương. Theo đánh giá của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “Vườn khuya” mở ra những khoảng tĩnh lặng của tâm hồn. Từ những khoảng tĩnh lặng ấy hiện dần ra những vẻ đẹp rất đỗi mong manh, trong suốt, ấm nóng và tinh tế. Và những vẻ đẹp mong manh ấy đã hiện ra với một nỗ lực và bền bỉ không ngưng nghỉ để chống lại những ô trọc có thể làm nó biến mất. Những câu thơ, những bài thơ của Trần Hùng luôn mang cho người đọc cảm giác mong manh nhưng sự mong manh ấy là mong manh của những cánh hoa đang mở ra vẻ đẹp của nó trong tĩnh lặng.

Vẫn theo Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trường ca “Long mạch” của Hoàng Trần Cương lại vang lên nhịp chảy khỏe khoắn với những tầng những lớp của đời sống và văn hóa. Hồn dân gian và cách nói hiện đại quyện vào nhau đã thống lĩnh ngôn ngữ của trường ca này. Tác giả Hoàng Trần Cương vẫn tiếp tục cảm hứng có từ trường ca “Trầm tích” nhưng ở một chiều đa dạng hơn, sâu hơn, nhiều câu thơ, nhiều đoạn thơ thăng hoa hơn về lịch sử và những vấn đề đương đại.

Giải thưởng cho Lý luận phê bình năm nay được trao cho tập lý luận “Các lý thuyết nghiên cứu văn học, ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay” của tác giả Nguyễn Văn Dân được đánh giá là một công trình nghiên cứu lý luận công phu, sâu sắc và cần thiết. Còn tập phê bình thơ “Âm thanh của tưởng tượng” của tác giả Lê Hồ Quang lại hiện ra với một phong cách phê bình mới mẻ và đầy quyến rũ.

Bản dịch tiểu thuyết “Người đàn ông đến từ Bắc Kinh” của nhà văn Hanning Mankell đã mang đến cho dịch giả Nguyễn Minh Châu Giải thưởng Hội Nhà văn một cách xứng đáng. Theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Minh Châu đã chính xác trong chọn lựa tác phẩm để dịch, chính xác trong sự nắm bắt cấu trúc, ngôn ngữ và các vỉa tầng của tâm lý con người, của ý nghĩa xã hội và văn hóa mà cuốn sách thể hiện để đưa tới cho người đọc một bản dịch rất hấp dẫn và khó có thể tốt hơn.

Cũng tại buổi lễ, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV (2011-2015) cho 10 tác phẩm, trong đó có ba giải B, bảy giải C; không có giải A. Ba giải B thuộc về các tác phẩm “Người thứ hai” của Tô Hải Vân, “Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ và “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” của Vĩnh Quyền.

Tác giả Trần Hùng: “Hướng thiện luôn là đích đến cuối cùng”

“Tôi là người làm quản lý (Tác giả Trần Hùng hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng - PV) nên thời gian dành cho thi ca không được nhiều. Cuốn sách là tập hợp những bài thơ tôi sáng tác trong khoảng 8 năm. Nhân vật trong các tác phẩm của tôi bộc lộ sự thiếu hụt, nỗi đau, khát vọng, ám ảnh với cuộc sống.

Tôi quan niệm rằng, con người như hạt bụi, quyền chức, sự bon chen, đố kỵ rồi cũng trở nên vô nghĩa. Cho nên trong các tác phẩm của tôi, sự hướng thiện được thể hiện qua cách riêng của bản thân mình, luôn là đích đến cuối cùng”.

Tác giả Nguyễn Thế Quang, “Viết tiểu thuyết lịch sử là để khám phá lịch sử”

“Tôi quan niệm, viết tiểu thuyết lịch sử là để khám phá lịch sử, chứ không đơn thuần là chép lại lịch sử. Bên cạnh đó, khi phát hiện ra vấn đề, thì tiểu thuyết lịch sử cũng có trách nhiệm phải đặt ra để đối thoại, để tìm hướng giải quyết. Vì vậy, khi viết cuốn sách này, tôi phải mất khoảng 6 tháng liên tục để đọc tài liệu, nhưng tài liệu chỉ là một phần công việc rất nhỏ để tạo ra cuốn sách. Sau đó, tôi phải tập trung viết trong khoảng thời gian 3 năm để hoàn thành cuốn tiểu thuyết”.

Cảnh Vũ

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/giai-thuong-hoi-nha-van-viet-nam-nam-2015-nhan-dien-chan-dung-van-hoc-nuoc-nha-381967/