Nhận diện chiêu trò dịch vụ diệt mối tận gốc

Chuyên gia khẳng định không thể diệt mối tận gốc và cũng không nên diệt mối tận gốc. Việc quảng cáo dịch vụ này chỉ nhằm cố ý tạo sự tin tưởng cho người dùng, cần tỉnh táo tránh bị lừa.

"Căn" đúng hết hạn bảo hành thì mối xuất hiện

Bà Lê Thị Thơm (Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ với phóng viên về câu chuyện thuê dịch vụ diệt mối tận gốc. Bà cho biết, năm 2021, nhà bà bỗng xuất hiện rất nhiều mối. Chúng bay như những đàn ruồi hàng nghìn con mỗi khi thời tiết thay đổi, bám đen kín những chiếc bóng điện đang bật sáng. Tá hỏa kiểm tra thì bà nhận thấy, gần như tất cả các cửa gỗ trong nhà đang bị mối phá hoại. Nền nhà bằng gỗ, cầu thang, tủ bếp… đã bị chúng gặm rỗng bên trong.

Lên mạng tìm hiểu, bà thấy có hàng trăm dịch vụ diệt mối tận gốc, chỗ nào cũng quảng cáo uy tín, bảo hành lâu dài, diệt nhanh, gọn. Bà gọi điện cho một công ty trong số đó và ký hợp đồng diệt mối. Với số tiền 2.500.000 đồng, công ty cam kết sẽ diệt mối tận gốc, bảo hành 2 năm. Sau khi hợp đồng được ký kết, nhân viên diệt mối tiến hành đặt các hộp nhử mối ở những vị trí mối thường xuyên xuất hiện.

Dùng hộp nhử mối có chứa bả để dẫn dụ mối.

Dùng hộp nhử mối có chứa bả để dẫn dụ mối.

Nhân viên có tên Nguyễn Văn Hoàng tư vấn, mối có khả năng phát hiện nguồn thức ăn từ xa, đặc biệt mối thợ có những tín hiệu hóa học để báo động, phát hiện mồi… do đó chúng có thể nhanh chóng hướng dẫn đàn đến nguồn thức ăn. Hộp nhử mối gồm các miếng gỗ thông có tẩm chất dẫn dụ để nhử mối thợ xuất hiện nhiều và tập trung. Sau khi một lượng mối lớn tập trung trong hộp thì kỹ thuật viên sẽ phun một lớp thuốc dạng bột vào những con mối trong hộp.

Loại thuốc đặc trị này không làm mối chết ngay tại chỗ, mà chúng trở thành những cá thể truyền nhiễm, khi rút chạy về tổ sẽ lây nhiễm và tiêu diệt toàn bộ tổ mối. Nhân viên này lưu ý trong quá trình nhử cần chú ý không được dịch chuyển hộp nhử, không bóc hộp ra xem, vì đối với loài mối ngoài yêu cầu thức ăn còn yêu cầu về mặt sinh thái ổn định, an toàn".

Sau 3 tuần nhử mối, nhân viên đến lấy các hộp nhử mối và khẳng định đã diệt xong, đảm bảo mối sẽ không quay trở lại. Bà Thơm cho biết, đến đúng thời điểm 2 năm hết bảo hành thì nhà bà lại xuất hiện mối trở lại. Ban đầu là vài con bay ra mỗi khi thay đổi thời tiết, dần dần nhiều lên thành cả đàn. Liên hệ lại với đơn vị diệt mối thì họ bảo, nếu muốn tiếp tục dùng dịch vụ thì lại phải ký hợp đồng, trả phí giống như lần trước.

"Tôi không hiểu làm sao mà họ "căn" đúng thời gian mối sẽ trở lại để ghi vào trong hợp đồng diệt mối như thế. Trong khi nhân viên chắc nịch mối sẽ bị diệt tận gốc thì họ lại chỉ bảo hành 2 năm. Mà đây là công ty nhận được nhiều đánh giá tốt trên mạng theo tìm hiểu của tôi", bà Thơm chia sẻ.

Nở rộ công ty diệt mối "tự đào tạo"

GS.TS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, trong khoảng 20 năm gần đây, ở Việt Nam, các công ty diệt Mối tận gốc mọc lên như nấm sau mưa. "Tôi đã từng gặp một giám đốc công ty mối là luật sư hay một giám đốc khác là kỹ sư nông nghiệp. Khi hỏi về mối, họ đều bảo là "tự đào tạo". Những năm gần đây, một vài ông ty liên kết với các công ty nước ngoài. Điều này có nghĩa, việc phòng trừ mối hoàn toàn tự do, tức phòng trừ mối không cần chứng chỉ hành nghề, giống như làm hàng nhôm, kính. Trong khi đây là lĩnh vực cần có kiến thức khoa học, kỹ thuật nghiêm túc", GS Bùi Công Hiển nói.

Theo GS Bùi Công Hiển, mối là tên gọi dân gian cho một bộ côn trùng có tên bộ cánh đều, tên khoa học là Isoptera, xuất hiện trên hành tinh cách đây chừng 250 triệu năm. Mối cùng với ong và kiến là nhóm côn trùng hiếm hoi có đời sống xã hội. Trên thế giới có khoảng 3.000 loài mối và ở Việt Nam mới biết được khoảng 150 loài.

Mối có sức phá hoại rất lớn với các công trình như nhà ở, thư viện, bảo tàng...

Ngoài môi trường tự nhiên, mối là động vật có ích, giúp phân giải xác động thực vật (tham gia vào chu trình vệ sinh môi trường, chuyển hóa vật chất) và làm thức ăn cho nhiều loài động vật. Thậm chí có loài động vật chỉ ăn mối như con Tê tê, Heo vòi…

Tuy vậy trong môi trường nhân tạo, mối là đối tượng gây hại nguy hiểm và đáng sợ cho nhà cửa, kho tàng, di tích… cho đê đập và cây trồng. Mối thuộc nhóm động vật biến nhiệt, nên chỉ phân bố và phát triển mạnh ở vùng nhiệt đới, ít ở vùng ôn đới.

Ở Việt Nam, đai diện cho mối gây hại các công trình xây dựng, nhà cửa, kho tàng, di tich... là loài mối nhà (Coptotermes gestroi) và mối gỗ khô (Cryptotermes domesticus). Đại diện cho mối gây hại đê đập là loài mối đất (Odontotermes hainanensis). Đạị diện cho mối hại cây trồng là loài mối đất và mối tổ nổi như Macrotermes annandalei. Mỗi loài mối có những khác biệt về hình thái, tập tính sống, cách làm tổ và phá hại. Do vậy, việc phòng trừ phải căn cứ vào những đặc điểm sinh học, sinh thái học của từng loài. Không thể diệt mối như diệt các côn trùng gây hại khác như ruồi, muỗi…

Không thể "diệt mối tận gốc"

GS.TS Bùi Công Hiển cho biết, quy trình của biện pháp diệt mối gồm khảo sát khu vực cần xử lý mối, đặt các hộp nhử mối vào một số vị trí để thu hút tối đa mối thợ đến khai thác. Khi thấy mối đã đến ăn ở hộp nhử mối nhiều thì đặt vào đó các thanh đã tẩm sẵn hoạt chất diệt mối. Hoạt chất này không màu, không mùi, không vị, khối lượng ít, chỉ vài gr., nhưng có tác dụng gây độc dạ dày mối.

Mối ăn vào không bị chết ngay, mà còn truyền thức ăn này cho mối lính, mối cánh, mối vua, mối chúa và mối non. Qua việc truyền thức ăn cho nhau, chất độc lan tỏa dần trong tổ mối làm chúng bị chết. Mối thợ là lực lượng chính kiếm ăn về cho cả tổ mối. Khi số lượng mối thợ giảm sút nhiều cũng làm cho nhiều cá thể mối chết đói. Cho nên sau khoảng thời gian 2-3 tuần lễ tổ mối bị đánh bả sẽ được loại bỏ hoàn toàn.

"Thường khi xử lý mối gây hại nhà cửa, người ta ký hợp đồng bảo hành 3-4 năm. Bởi nếu một tổ mối chưa được xử lý triệt để, chúng có thể hạn chế hoạt động vào mùa Đông, Xuân, vì nhiệt độ thấp. Đến mùa hè mới hoạt động trở lại. Phải qua 2-3 năm không thấy mối, mới xác định tổ mối đã bị diệt. Nhưng 5-6 năm sau thấy mối bắt đầu xuất hiện ở khu vực đã xử lý mối, là vì những con mối cánh từ nơi khác đến làm tổ và tổ lớn dần về số lượng. Phải khoảng 4-5 năm tổ mối mới phát huy tác dụng gây hại. Người ta gọi tổ mối gây hại là sự "cháy ngầm". Vì thế sau 5-6 năm mối lại phát sinh trở lại là do có những tổ mới hình thành. Nếu mối phát sinh trở lại sau 1-2 năm là do xử lý mối không triệt để", GS.TS Bùi Công Hiển phân tích.

Việc phun thuốc trừ sâu diệt mối không bao giờ hiệu quả lại còn gây ô nhiễm môi trường. Biện pháp xử lý mối bằng bả diệt mối là tân tiến, sử dụng hóa chất độc rất ít, không ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường, đồng thời thao tác đơn giản, không đào bới, thay đổi hiện trường…

Theo GS Bùi Công Hiển, việc phòng trừ mối không khó với người có chuyên môn, nhưng sẽ trở nên phức tạp với những ai "không học mà làm". Mối là một tồn tại khách quan, luôn đồng hành với cuộc sống của chúng ta, không thể "diệt mối tận gốc", mà chỉ có thể chung sống thông minh với mối, tìm biện pháp hữu hiệu hạn chế tác hại của chúng. Trong tự nhiên, mối là một mắt xích trong chu trình thức ăn nên ở góc độ nào đó chúng là loài có ích cho môi trường.

Sáng 12/4: Ba Bố Con Trần Quí Thanh Bị Bắt, Hoạt Động Của Tân Hiệp Phát Có Bị Ảnh Hưởng? | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhan-dien-chieu-tro-dich-vu-diet-moi-tan-goc-169230412103929014.htm