Nhận diện hành vi đặc trưng để phòng chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước

Đó là nội dung được nhiều đại biểu đề cập tại Hội thảo 'Kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực ngoài nhà nước và một số kiến nghị cho Việt Nam' diễn ra hôm qua (27/9) do ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính TƯ chủ trì.

Ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thái Học nêu rõ, ngày 26/12/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 10-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”. Một trong những vấn đề được Bộ Chính trị nêu lên trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp PCTN là “Từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước”.

Cùng với đó, việc mở rộng phạm vi của Dự án Luật PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước cũng đang nhận được nhiều quan tâm từ các cá nhân, tổ chức. Thực tế cho thấy, sự phát triển của khu vực ngoài Nhà nước, sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đang khiến các doanh nghiệp (DN) ngoài Nhà nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có việc bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch, liêm chính, lành mạnh.

Trong khi đó, vấn đề văn hóa và đạo đức kinh doanh chưa được chú trọng, hiện tượng tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước có những ảnh hưởng nhất định đến việc bảo đảm môi trường kinh doanh liêm chính. Thực tiễn này đòi hỏi cần sớm có quy định phù hợp để PCTN hiệu quả trong khu vực ngoài Nhà nước, từ đó góp phần PCTN trong khu vực công theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng.

Còn ông Michael Trueblood, Giám đốc phòng phát triển kinh tế và quản trị nhà nước, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh tới tầm quan trọng của công tác PCTN, đặc biệt trong việc tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước. Ông nhận định rằng xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, tình trạng tham nhũng có dấu hiệu gia tăng, đe dọa tới nguy cơ tăng trưởng kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Do vậy, Việt Nam cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với tinh thần của Công ước của Liên Hợp quốc về PCTN (UNCAC) mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

Hội thảo đã tập trung thảo luận về kinh nghiệm quốc tế trong PCTN khu vực ngoài Nhà nước. Theo đó, các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh, Đức… đều có cách tiếp cận đa chiều và linh hoạt đối với việc điều chỉnh tham nhũng ở khu vực tư. Các quốc gia này đều nhận thức được đây là khu vực có tính tự chủ và việc điều chỉnh bằng pháp luật phải đảm bảo sự phát triển cho khu vực này. Mức độ can thiệp điều chỉnh bằng pháp luật là can thiệp tối thiểu và khích lệ tối đa trách nhiệm của khu vực tư trong PCTN.

Việc hoàn thiện pháp luật về PCTN của Việt Nam cần bảo đảm việc hoàn thiện pháp luật có liên quan đến PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước theo tiếp cận điều chỉnh đa chiều, mềm dẻo. Đồng thời bảo đảm các quy định của pháp luật có liên quan được hoàn thiện theo hướng tạo cơ chế cho hoạt động PCTN của các tổ chức, DN ngoài Nhà nước được thực hiện một cách tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chủ động và tích cực.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền, điều quan trọng nhất trong việc tham khảo, học tập kinh nghiệm nước ngoài là phải chỉ rõ được hành vi đặc trưng của tham nhũng trong khu vực công và khu vực tư bởi chỉ khi nào nhận diện đúng mới có thể đề ra phương pháp phòng và chống hiệu quả.

Một điều khác biệt ở Việt Nam so với các nước khác là tham nhũng trong khu vực tư thường ít tách rời với tham nhũng trong khu vực công nên cần nghiên cứu mối liên hệ chặt chẽ giữa hai khu vực này. Từ đó, đề ra biện pháp PCTN khu vực ngoài Nhà nước phải hết sức thận trọng để không hạn chế quyền con người, đảm bảo tính tự chủ của DN vì họ được làm những gì pháp luật không cấm.

Còn nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ cho rằng tăng cường quản lý nhà nước để PCTN là cần thiết nhưng cũng cần chống nguy cơ lạm quyền, gây áp lực lên các DN, ảnh hưởng đến sự phát triển chủ động, tích cực, sáng tạo; cạnh tranh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng của các DN. PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước trước hết cần phải tập trung vào các biện pháp phòng ngừa, các biện pháp chống là cần thiết nhưng cần hạn chế.

Song song với đó, cần có một hệ thống pháp luật PCTN khu vực ngoài nhà nước đồng bộ với các luật như: Luật Đầu tư, Luật DN, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… đồng thời phải xây dựng quy định nội bộ DN, tổ chức để đảm bảo quản trị DN, kiểm soát nội bộ hiệu quả.

Hồng Lê

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/nhan-dien-hanh-vi-dac-trung-de-phong-chong-tham-nhung-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-414860.html