Nhận diện những đặc trưng tính cách người Trà Vinh

Nam Bộ nói chung, Tây Nam Bộ hay ĐBSCL nói riêng là một vùng đất năng động với cây lành trái ngọt, những con người hào phóng, nghĩa tình. Khi nghiên cứu về Nam Bộ, không ít nhà khoa học phải thừa nhận 'sự đặc biệt' của vùng đất này bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi, bởi lịch sử cộng cư hòa hợp của các dân tộc. Trong đó, người Trà Vinh cũng mang đầy đủ phẩm chất, tính cách người Nam bộ, cũng trượng nghĩa, can trường, chất phác, cởi mở...

Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer là một trong nét nổi bật tạo nên tính cách của người Trà Vinh.

Văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer là một trong nét nổi bật tạo nên tính cách của người Trà Vinh.

Trong sự đa dạng tộc người, tôn giáo, tín ngưỡng

Trà Vinh là nơi cộng cư của 3 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Với những nét đặc trưng riêng biệt, nổi trội, sự đa dạng và khác biệt của văn hóa 3 tộc người này là rất rõ. Tuy nhiên, xuyên qua thời gian, các mối quan hệ xã hội của cư dân 3 tộc người đã tạo nên một diện mạo văn hóa đặc sắc, thể hiện sự đan xen của các mảng màu văn hóa. Trong diện mạo văn hóa Trà Vinh, có thể thấy một nét khác biệt so với bức tranh văn hóa của các tỉnh, thành Tây Nam Bộ ở nét đậm của văn hóa đồng bào Khmer.

Là tỉnh có số lượng đồng bào Khmer lớn thứ hai trong cả nước, có thể nói, đồng bào Khmer đã kiến tạo nên các giá trị văn hóa đặc sắc về ẩm thực, trang phục, ứng xử ở vùng đất Trà Vinh. Theo PGS-TS Trần Thị An (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong sự hòa hợp này, có mối quan hệ tác động hai chiều giữa người Kinh với người Khmer và ngược lại, người Khmer với người Hoa và ngược lại, người Kinh với người Hoa và ngược lại. Các mối quan hệ đan cài đã tạo nên những nét riêng biệt của người Trà Vinh. Ngoài ra, cần phải xem xét trong sự hòa hợp từ sự đan xen các loại hình tôn giáo và tín ngưỡng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 12 tôn giáo khác nhau, và nét đặc biệt là xấp xỉ 90% dân số trên địa bàn tỉnh theo tôn giáo; trong đó, có hơn 80% theo Phật giáo với hơn 150 ngôi chùa thờ Phật. Đây là nét đặc biệt tác động sâu sắc đến các đặc điểm văn hóa khác, cũng như tác động tới việc hình thành tính cách người Trà Vinh.

Việc có số lượng người theo Phật giáo cao đã tạo nên một không khí Phật giáo trong đời sống với đức tin lớn; tạo nên một tinh thần Phật giáo trong ứng xử khiến cho sự hòa hợp với các tôn giáo khác được dễ dàng hơn, đồng thời tạo nên một môi trường sinh hoạt văn hóa mà ở đó, con người thấm nhuần tinh thần từ bi của Phật giáo. Có thể vì thế, người Trà Vinh sống ôn hòa, trọng giá trị gia đình, ít bon chen, tranh giành. Có thể cảm nhận điều này trong cuộc sống hằng ngày của người Trà Vinh với nhịp sống khá khoan thai giữa những sôi động từ sự tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. “Phân tích những nhân tố xã hội, có thể thấy một số đặc điểm riêng của người Trà Vinh. Đặc điểm đó, có những ưu điểm về tính hòa mục, về giá trị nhân văn sâu sắc; nhưng đặc điểm đó chắc chắn cũng có những nhược điểm kèm theo mà các công trình nghiên cứu sâu sắc sẽ cần phải chỉ ra để Trà Vinh có những bước cất cánh ngoạn mục trong thời gian tới”- PGS-TS Trần Thị An nói.

Trong dòng chảy văn hóa Nam bộ

Mới đây, Trường Đại học Trà Vinh đã tổ chức Hội thảo Khoa học “Từ những đặc trưng tính cách người Nam Bộ, suy nghĩ về đặc trưng tính cách của người Trà Vinh”. Hội thảo nhận được gần 40 tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu của các viện, trường trong cả nước. PGS- TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, cho biết các ý kiến tham luận đã tập trung vào những vấn đề như tính cách người Trà Vinh trong mối quan hệ với tính cách người Nam Bộ; đặc trưng tính cách người Trà Vinh từ góc nhìn lịch sử - văn hóa, qua các tác phẩm văn học - nghệ thuật; những nhân vật lịch sử - văn hóa gắn liền với vùng đất Trà Vinh. Định hướng xây dựng và phát huy tính cách người Trà Vinh trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Hội thảo là dịp gặp gỡ quý báu những nhà quản lý, nhà khoa học và nhà hoạt động thực tiễn. Những nội dung trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất và kết luận tại hội thảo trước hết sẽ là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc nhận diện những đặc trưng tính cách người Trà Vinh, từ đó cung cấp cơ sở khoa học cho những định hướng xây dựng tính cách người Trà Vinh trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa; đồng thời đóng góp tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, vùng đất Trà Vinh xưa và nay.

ThS Nguyễn Văn Đức (Trường Đại học Văn Lang) cho rằng mặc dù nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, nhưng Trà Vinh vẫn là một bộ phận trong quá trình hình thành và phát triển chung của vùng Nam Bộ, nên mang đặc điểm chung của điều kiện hoàn cảnh của Nam Bộ. Vì vậy, xét về đặc trưng tính cách của người Trà Vinh trong mối quan hệ với tính cách người Nam Bộ, có thể khẳng định rằng đặc trưng tính cách người Trà Vinh chính là tính cách của người Nam Bộ, đó là tính phóng khoáng, trọng nghĩa kinh tài, bộc trực, năng động sáng tạo và thiết thực.

Trong bối cảnh chung của sự phát triển, Trà Vinh luôn tìm cách phát huy nội lực để vươn lên; trong đó, nguồn lực con người là vốn quý nhất, là động lực, là nhân tố quyết định sự thành công. Đặc trưng tính cách đó được hình thành từ những ngày đầu khi lưu dân tứ phương tụ cư về khai khẩn vùng đất mới - vùng đất Nam Bộ mà Trà Vinh là một thành viên. Trà Vinh có những đặc điểm riêng của mình, mặc dù chưa đủ làm nên sự khác biệt đến mức có thể hình thành một đặc trưng tính cách riêng, nhưng thực sự cần thiết phải quan tâm khi xây dựng chủ trương, định hướng, chính sách phát triển.

Theo ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, chính quá trình hình thành và phát triển của các dân tộc tại tỉnh Trà Vinh gắn liền với các đặc điểm sinh sống, lao động, văn hóa và tôn giáo riêng; mỗi dân tộc ở Trà Vinh có phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết và món ăn đặc thù. Tuy nhiên, giữa họ vẫn có những cái chung. Những đặc trưng văn hóa chung đó được hình thành do sự cộng cư lâu đời trên vùng đất Trà Vinh. Chính những yếu tố này góp phần tạo nên phong tục, tập quán rất phong phú và đa dạng. Nơi đây cũng từng tồn tại nhiều lớp văn hóa khác nhau trên cơ sở tinh thần bao dung, hòa hợp.

“Theo cách gọi bình dị là “dân Nam Bộ”, người Trà Vinh cũng mang tính cách văn hóa người Việt ở Nam Bộ. Đó là tính sông nước, tính bao dung, tính năng động, tính trọng nghĩa, tính thiết thực. Tính cách người Nam Bộ dựa trên bốn yếu tố chính. Thứ nhất là bối cảnh tự nhiên - xã hội của Nam Bộ. Đây là nơi gặp gỡ của những điều kiện tự nhiên thuận tiện như mùa hè không quá nóng và ẩm như miền Bắc ở sâu trong lục địa, không quá khô và quanh năm không bao giờ bị bão lớn như miền Trung. Thứ hai là nơi gặp gỡ của các tuyến giao thông đường biển quốc tế: Việt Nam với Đông Nam Á và với phương Tây; ngã ba đường Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương. Thứ ba, đây là nơi gặp gỡ của cư dân nhiều tộc người (Kinh, Hoa, Chăm, Khmer...), đến từ khắp mọi miền đất nước (Bắc, Trung, Nam). Thứ tư, văn hóa Nam Bộ là sản phẩm của quá trình dương tính hóa trong không gian (từ Bắc qua Trung vào Nam) và thời gian (từ lớp văn hóa bản địa qua lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa đến lớp văn hóa giao lưu với phương Tây) mà ảnh hưởng nhiều nhất sau này chính là tính cách văn hóa phương Tây như mở, thoáng, năng động, tính thực dụng. Từ đó, đã ảnh hưởng, hình thành nên hệ thống đặc trưng tính cách văn hóa Nam Bộ nói chung và tính cách văn hóa người Trà Vinh nói riêng” - ông Sum cho biết.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/nhan-dien-nhung-dac-trung-tinh-cach-nguoi-tra-vinh-a118420.html