Nhận diện những 'nỗi đau' của doanh nghiệp trong giai đoạn khởi nghiệp

Ngoài vấn đề nguồn vốn thì các doanh nghiệp khởi nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác. Do đó, kinh nghiệm của 'người đi trước' là điều rất quý báu mà các startup có thể học hỏi để vượt qua đau thương để tồn tại và phát triển lâu dài.

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm vượt qua đau thương cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: N.H

Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm vượt qua đau thương cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ảnh: N.H

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp – startup đang phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, cũng không thiếu những công ty bắt đầu với một triển vọng sáng lạn. Tuy nhiên, theo thống kê của các nhà nghiên cứu thị trường, nhiều công ty khơỉnghiệpkhông có cơ hội kỷ niệm sinh nhật lần thứ 2 của mình. Tạibuổi chia sẻ phi lợi nhuận với chủ đề “Cách vượt qua “nỗi đau"của doanh nghiệpstartup” do Trường Doanh nhân BizLight và Saigon Innovation Hub (SIHUB) phối hợp tổ chức, các chuyên gia, đồng thời cũng là những startups đã đạt được những thành công nhất định, đã chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm để vượt qua những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp.

Bà Phạm Lan Khanh, Nhà sáng lập FreelancerViet.vnchỉ ra khó khăn đầu tiên mà các startup thường gặp chính là việc xây dựng một sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. FreelancerViet.vn ra đời năm 2013, khi đó trên thế giới, nền tảng kết nối các freelancer (người làm việc tự do) và doanh nghiệp đã xuất hiện được hơn 10 năm. Tuy nhiên ở Việt Nam thì mô hình này là hoàn toàn mới và nhiều người thậm chí còn không biết freelancer là cái gì.

Do đó, bà Khanh gặp phải khó khăn là khi nói về freelancer thì khách hàng không hiểu. Và để xây dựng một trang web phù hợp với nhu cầu của các freelancer cũng rất khó do có rất ít freelancer để có thể tìm hiểu.

Khi đó, bà Khanh xây dựng một nền tảng hoàn toàn giống như những trang web đã nổi tiếng trên thế giới và đã bị thất bại. Vì trên thế giới, khi doanh nghiệp chọn một freelancer nào đó thì họ sẽ thanh toán qua nền tảng và nền tảng đó sẽ thu phí giao dịch. Nhưng Việt Nam thời điểm đó, người tiêu dùng không thích trả phí cho bên thứ ba. Do đó, bà Khanh đã phải xây dựng một mô hình mới, theo đó nền tảng sẽ thu phí trước thay vì đợi doanh nghiệp và freelancer giao dịch xong rồi mới thu phí. “Việc xây dựng một nền tảng mới đã tốn rất nhiều thời gian và đây chính là bài học thương đau khi khởi nghiệp mà không am hiểu nhu cầu thị trường” – bà Khanh nói.

Một thất bại khác được bà Khanh chia sẻ chính là việc phát triển ứng dụng trên điện thoại di động dành cho các freelancer. Nguyên nhân là do có tới 85% freelancer hoạt động trên nền tảng FreelancerViet.vn chỉ làm việc trên laptop chứ không làm việc trên điện thoại, việc tương tác trên điện thoại chỉ là để nhận tin tức.

Đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp, vấn đề đau đầu chính là làm thế nào để cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiệp mạnh khi mà nguồn tài chính hạn hẹp. Và kinh nghiệm mà bà Khanh đưa ra chính là tận dụng hoạt động cộng đồng.

Cụ thể, khi bắt tay vào khởi nghiệp, bà Khanh đã xây dựng một cộng đồng freelancer trên facebook và tổ chức các sự kiện định kỳ, chia sẻ các kỹ năng, kinh nghiệm… để làm tăng kỹ năng làm việc và tăng khả năng freelancer có thể tìm được khách hàng đều đặn, giải quyết những vấn đề freelancer gặp phải. Sau khoảng 2 năm thì cộng đồng freelancer phát triển rất mạnh và rất gắn bó. Sau đó bà Khanh xây dựng nền tảng FreelancerViet.vn và chuyển cộng đồng này qua và đến nay cộng đồng này vấn gắn bó rất tốt.

Một lợi ích khác từ hoạt động cộng đồng, theo bà Khanh, chính là những phản hồi về sản phẩm để startup có thể hoàn thiện sản phẩm tốt hơn.

Trong khi đó, ông Lâm Hữu Khánh Phương, Nhà sáng lập Vườn ươm khởi nghiệp Uni Incubatorlại chỉ ra rằng việc giữ chân nhân sự cũng là một trong những bài học thương đau của các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Tình trạng doanh nghiệp lớn hút nhân sự của doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhỏ hút nhân sự của doanh nghiệp mới thành lập… diễn ra khá phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp vô vàn khó khăn về sản phẩm, thị trường, trong khi điều kiện tài chính hạn hẹp.

Tại buổi chia sẻ, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cũng bày tỏ băn khoăn về việc có nên bỏ ra một mức chi phí cao để tuyển dụng nhân sự chất lượng cao hay không, khi mà giai đoạn khởi nghiệp thường có nhiều khó khăn về tài chính. Về vấn đề này, TS.LS Bùi Quang Tín, CEO trường doanh nhân Bizlight cho rằng nhân sự chất lượng cao không hẳn là tốt mà startup cần tìm được nhân sự phù hợp, phù hợp với môi trường, phù hợp với văn hóa doanh nghiệp và phù hợp với thời điểm.

Một số startup khác cũng đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan tới rủi ro pháp lý trong kinh doanh. Theo đó, các chuyên gia tư vấn các doanh nghiệp cần có sự tư vấn, rà soát của chuyên gia pháp lý để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Bởi nếu rủi ro xảy ra kiện tụng, chi phí xử lý sẽ còn tốn gấp nhiều lần. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chú ý đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình để được pháp luật bảo về và tránh xảy ra tranh chấp khi có doanh nghiệp khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm của mình.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/nhan-dien-nhung-noi-dau-cua-doanh-nghiep-trong-giai-doan-khoi-nghiep-101052.html