Nhận diện rủi ro khi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

Trong 10 năm qua, thị trường mua bán- sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam đã tạo ra giao dịch khoảng 4.350 thương vụ, doanh số đạt gần 49 tỷ USD. Dự báo thị trường này sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới cùng với sự khởi sắc đi lên của nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên bên cạnh sự phát triển của thị trường thì các rủi ro về pháp lý cũng xuất hiện nhiều hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự 'đổ bể' của các thương vụ M&A, hoặc tranh chấp kiện tụng.

Central Group thâu tóm Big C là một trong những thương vụ M&A lớn trong thời gian qua. Ảnh: ST.

Nhận diện rủi ro

Hoạt động M&A có thể mở rộng thị phần, tăng doanh thu hoặc tạo ra cơ hội tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp. Tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2017 đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Tuy nhiên, kèm theo đó là nhiều rủi ro. Sau 10 năm, cùng với sự phát triển của thị trường, mối quan tâm của các nhà đầu tư về các rủi ro trong các thương vụ M&A cũng bắt đầu nhiều hơn, đặc biệt là các rủi ro về mặt pháp lý – nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn tới đổ bể thương vụ hoặc thậm chí là các quá trình tranh chấp hay kiện tụng ồn ào và tốn kém sau đó.

Theo ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, nếu như ở giai đoạn đầu phát triển của thị trường M&A ở Việt Nam, các mối quan tâm hàng đầu của cộng đồng các nhà đầu tư tiềm năng trên thị trường sẽ là về chính sách thuế, khuôn khổ pháp lý của thị trường, chính sách quản lý về cạnh tranh của nhà nước, các xu hướng của thị trường,... Khi thị trường đã bắt đầu đi vào hoạt động ổn định hơn, đạt tới quy mô phát triển tương đối, lúc này các rủi ro pháp lý sẽ là vấn đề được quan tâm nhiều hơn.

“Trong đó, vấn đề quản lý rủi ro và quản lý tranh chấp sẽ được các doanh nghiệp quan tâm để từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp về phương thức giải quyết tranh chấp cũng như sử dụng hiệu quả hơn các công cụ này để giảm thiểu các chi phí cũng như thời gian cho việc xử lý các tranh chấp phát sinh, không làm lỡ mất các cơ hội ‘chốt deal’ trong các thương vụ M&A vốn được đánh giá là quá trình ‘dễ tổn thương’ bởi các yếu tố bên ngoài”, ông Dương cho biết thêm.

Chính vì vậy, ông Heehwan Kwon, Giám đốc KCBA Quốc tế cho rằng, trong mua bán sáp nhập, đa số các mâu thuẫn xảy ra do luật pháp Việt Nam và quốc tế có những quy định khác nhau, hợp đồng mua bán được điều chỉnh bởi luật pháp Việt Nam hay nước ngoài cần thể hiện rõ. Chính vì vậy, khi tham gia vào các thương vụ M&A, các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư phải nắm bắt được những quyền và nghĩa vụ của mình. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể chủ động nhận diện được các rủi ro có thể xảy ra sau khi thực hiện các M&A, tránh những tranh chấp, rủi ro không cần thiết.

Hành lang pháp lý chưa rõ ràng

Theo một số liệu thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VAIC) số vụ tranh chấp thương mại tăng cao đột biến từ năm 2005 đến nay, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp. Điều này đã khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn.

Luật sư Đặng Xuân Hợp - Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, hiện nay, việc sử dụng phương pháp giải quyết bằng trọng tài là phổ biến với nhiều ưu thế nổi trội. Doanh nghiệp phải lựa chọn được chuyên gia có kinh nghiệm để có thể xử lý tốt vấn đề liên quan trong lĩnh vực đó, đồng thời, trọng tài phải hiểu biết sâu sắc về pháp luật tại nước sở tại cũng như văn hóa để từ đó có thể đề xuất các giải pháp phù hợp nhất. Đây là phương thức lựa chọn hữu ích dành cho các doanh nghiệp. Với cách này, doanh nghiệp có thể lựa chọn trọng tài trong nước hoặc quốc tế để giải quyết từng vụ tranh chấp khác nhau. Tuy nhiên, việc lựa chọn trọng tài trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí một cách đáng kể. Khả năng thi hành và sự ủng hộ của tòa án trong nước cũng là một thuận lợi đối với doanh nghiệp.

Thực tế khung pháp lý về giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải, trọng tài ngày càng rõ ràng và được mở rộng trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại đối với tranh chấp thương mại. Bên cạnh đó Bộ luật Tố tụng Dân sự cũng ghi nhận hòa giải ngoài tố tụng và tranh chấp được hòa giải không nhất thiết là tranh chấp thương mại.

Điều này cũng lý giải lý do vì sao số thương vụ tranh chấp sử dụng bằng con đường trọng tài viên ngày càng nhiều. Cụ thể, số liệu từ VIAC cho thấy, nếu như năm 1993, VIAC mới chỉ tiếp nhận và giải quyết được 8 vụ tranh chấp thì đến ngày 10/12/2018, VIAC đã tiếp nhận và giải quyết được 159 vụ.

Việc thiếu hệ thống pháp lý về M&A dẫn đến sự không chắc chắn trong việc thực hiện giao dịch M&A, và khả năng không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Theo Luật sư Nguyễn Duy Linh, Công ty Luật Quốc tế Việt Nam (VILAF), sự không rõ ràng của hệ thống pháp lý về M&A dẫn đến sự không chắc chắn về tính hợp pháp của giao dịch M&A, điều này dẫn đến khả năng giao dịch M&A bị hủy bỏ do sự diễn giải hoặc sự phán xét hoặc quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể như vấn đề về thuế đối với khoản tiền giữ lại để bồi thường hoặc giao dịch M&A được thực hiện ở cấp độ Holdco nhằm tránh các điều kiện kinh doanh áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hoặc việc thiếu các điều khoản để thực thu các thỏa thuận nhất định của các bên trong các giao dịch phức tạp và các giao dịch quốc tế.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhan-dien-rui-ro-khi-mua-ban-sap-nhap-doanh-nghiep.aspx