Nhận diện sản phẩm chủ lực

Ngày 18-9-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1203/QĐ-TTg quy định mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn 5 sản phẩm nông nghiệp chủ lực để đầu tư phát triển. Quy định này giúp các địa phương nhận diện các sản phẩm chủ lực để ưu tiên nguồn lực tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm xây dựng nên những thương hiệu mạnh mang tính vùng miền. Tại tỉnh ta, các sản phẩm chủ lực bước đầu đã được xác định, dựa trên tiềm năng, lợi thế và các yếu tố về kinh tế, xã hội.

Căn cứ vào các tiêu chí và tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, sự thống nhất cao từ tư tưởng đến hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông đã xác định 5 loại sản phẩm nông nghiệp chủ lực để trình UBND tỉnh xem xét và quyết định công nhận, gồm: Sản phẩm chè, mía, nhóm sản phẩm rau, củ, quả; sản phẩm thịt trâu và gỗ nguyên liệu. Các sản phẩm chủ lực được nhận diện đều đã tính đến sự hài hòa giữa yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội.

Sản phẩm chè của Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang) xuất khẩu ra thị trường thế giới. Ảnh: DL

Cụ thể, như sản phẩm chè, với diện tích gần 8.000 ha, cây chè là cây trồng truyền thống mang lại giá trị kinh tế cao và là sản phẩm xuất khẩu bền vững nhất của tỉnh. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu 2.800 tấn chè vào các nước Nga, Mỹ và một số nước châu Á thu về hàng triệu USD.

Sản phẩm gỗ nguyên liệu có tiềm năng, thế mạnh lớn nhất hiện nay. Trong tổng số gần 500 nghìn ha rừng của tỉnh, có gần 200 nghìn ha rừng sản xuất; mỗi năm các địa phương trong tỉnh trồng mới 11.000 ha rừng. Diện tích rừng lớn, năng suất bình quân rừng trồng của tỉnh đạt trên 75 m3/ha, sản lượng khai thác hàng năm đạt khoảng 840 nghìn m3, là 1 trong 3 tỉnh có sản lượng gỗ lớn nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc. Toàn tỉnh có khoảng 85% hộ dân đang tham gia đầu tư và có thu nhập từ trồng rừng.

Để phát triển sản phẩm chủ lực, trước đó tỉnh đã quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng sản xuất thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang. Trong đó, vùng gỗ nguyên liệu gần 200.000 ha; vùng chè nguyên liệu 8.000 ha; vùng mía trên 10.000 ha; vùng rau, củ, quả trên 20.000 ha... Ông Hà Văn Ngạc, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh đã góp phần tích cực trong phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Điển hình diện tích vùng cây ăn quả, cụ thể là cây cam đã đạt 7.557,5 ha, tăng 3.000 ha so với năm 2014; diện tích chè được đảm bảo trên 8.000 ha đủ cung cấp cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, tỉnh cũng đã triển khai các chính sách hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình trồng rừng theo tiêu chuẩn Hội đồng quản trị rừng thế giới (FSC) và thực hiện hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện tại đã có 22.822 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, chiếm 12,7% diện tích rừng trồng sản xuất của tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ hơn 3 triệu cây keo hạt ngoại nhập và keo lai mô để trồng hơn 2.000 ha rừng chất lượng cao. Tỉnh tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển sản xuất gắn với công nghiệp chế biến. Hiện có 3 trong 5 sản phẩm chủ lực của tỉnh đã hình thành chuỗi sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ gồm: Sản phẩm chè, mía đường, gỗ nguyên liệu.

Để các sản phẩm chủ lực của tỉnh trở thành những thương hiệu mạnh có sức cạnh tranh trên thị trường rất cần sự vào cuộc hơn nữa của doanh nghiệp và người sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp phải đổi mới dây chuyền sản xuất, tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Người sản xuất cần nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện đúng hợp đồng liên kết, sản xuất theo đúng tiêu chuẩn. Làm tốt điều này, các sản phẩm chủ lực sẽ phát huy giá trị gia tăng cho người dân.

Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/nhan-dien-san-pham-chu-luc-121094.html