Nhận diện sự khác biệt, khoảng trống trong chính sách kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên

Ngày 30/7, Trung tâm Khảo thí Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội đã tổ chức diễn đàn bàn tròn khảo thí số 1 năm 2019 với chủ đề 'Sơ khảo chính sách kiểm tra đánh giá kết quả học tập của một số trường ĐH trong Top 200 của bảng xếp hạng trường đại học thế giới (THE WUR) năm 2019 và một số đề xuất với ĐH Quốc gia Hà Nội'.

Diễn đàn bàn tròn khảo thí số 1 năm 2019. Ảnh: Minh Thúy

Diễn đàn bàn tròn khảo thí số 1 năm 2019. Ảnh: Minh Thúy

Kiểm tra, đánh giá vừa là mục tiêu (của sự thiết kế chương trình, học phần, hoạt động dạy và học), vừa là nội dung cụ thể của quá trình đào tạo cũng lại là một phương thức để đo lường , đánh giá chất lượng đào tạo của hoạt động đào tạo đó. Theo đó, kiểm tra, đánh giá là bộ phận không thể tách rời của quá trình đào tạo.

Với mục tiêu nhận diện sự khác biệt, khoảng trống trong chính sách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của ĐH Quốc gia Hà Nội qua tham chiếu với các trường đại học quốc tế được khảo sát, diễn đàn được tổ chức nhằm xây dựng căn cứ để đề xuất bổ sung và hoàn thiện các chính sách.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Minh Thúy

Tại diễn đàn, PGS. TS. Vũ Đỗ Long - Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng, hoạt động kiểm tra, đánh giá luôn gắn liền với quá trình đào tạo và đóng một vai trò quan trọng trong công tác đánh giá chất lượng sinh viên.

Theo PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội - để khắc phục những khoảnh trống tồn tại trong chính sách kiểm tra, đánh giá cần phải có sự thể chế hóa về điểm và quy định chặt chẽ trong khung đánh giá chất lượng học tập của sinh viên, đồng thời, các trường phải có sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình đánh giá.

Thông tin về đánh giá đảm bảo chất lượng sinh viên, PGS. TS. Nguyễn Thanh Hải - Phó chủ nhiệm Khoa Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, Khoa Y Dược là một đơn vị mới và đã thành lập trung tâm khảo thí để đảm bảo chất lượng hoạt động đào tạo, đánh giá chất lượng sinh viên. Trên thực tế, tỷ lệ khá giỏi của sinh viên Khoa Y Dược là khá cao. Để đạt được kết quả đó, sinh viên đã được nhiều thầy cô trong Khoa đánh giá và điều đó phản ánh tương đối chính xác năng lực học tập của sinh viên.

"Chúng tôi đã và đang tìm kiếm các phương thức để đánh giá đảm bảo chất lượng của sinh viên. Đối với Khoa Y Dược, sinh viên sau khi tốt nghiệp thì chưa được cấp chứng chỉ để hành nghề. Hiện, khoa Y Dược đang xây dựng bộ đề thi để đánh giá chất lượng của người học." - PGS. TS. Nguyễn Thanh Hải cho hay.

Chia sẻ về quá trình kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của sinh viên, cô Nguyễn Thúy Lan - Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết: Để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên thì ở Đại học Ngoại ngữ có thể thấy rõ nhất là chuẩn đầu ra về ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp,…).

"Chúng ta đã có những tuyên bố chuẩn đầu ra nhưng trong quá trình giảng dạy, nhà trường vẫn chưa có sự hỗ trợ, giám sát đào tạo chuẩn đầu ra. Chúng tôi đã xây dựng chuẩn đầu ra cho sinh viên, chất lượng học phần được thể hiện qua hoạt động kiểm tra, đánh giá. Sau khi rà soát xong sẽ tập huấn cho giáo viên để triển khai đồng bộ." - Cô Lan cho hay.

Cùng với đó, cô Lan mong muốn Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tăng cường hơn nữa tính bảo mật trong việc tổ chức thi để đánh giá đúng thực chất năng lực của sinh viên.

Theo cô Nguyễn Thị Minh Phương - Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội - hiện các trường thành viên đang gặp khó khăn trong làm thế nào để kiểm tra, đánh giá chất lượng của người học. Khó khăn chính làm thế nào để đạt được chuẩn đầu ra trong việc dạy học và kiểm tra đánh giá. Ngoài ra, đánh giá vẫn còn phụ thuộc vào quá trình và chưa có sự chủ động.

Minh Thúy

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/nhan-dien-su-khac-biet-khoang-trong-trong-chinh-sach-kiem-tra-danh-gia-ket-qua-hoc-tap-cua-sinh-vien-362545.html