Nhận diện tệ 'chạy chức, chạy quyền'

Tại Hội nghị toàn quốc ngành Xây dựng Đảng năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: 'Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống 'chạy chức, chạy quyền' một cách hiệu quả'.

Tổng Bí thư từng trăn trở rằng, chỉ khi trả lời được câu hỏi “Ai chạy? Chạy ai?” thì mới có thể ngăn chặn, đẩy lùi từng bước vấn nạn này.

Ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, chỉ ra 5 loại "chạy": "Chạy chức" trước khi bầu cử; "chạy quyền" trước khi phân công công tác; "chạy lợi" trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; "chạy chỗ" trước khi bổ nhiệm; "chạy tội" trước khi điều tra, xét xử.

Hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” đã được nhận diện với các biểu hiện đa dạng. Đó là chạy để từ chưa có chức thành có chức; từ vị trí thấp lên vị trí cao hơn; từ nơi ít lợi ích, bổng lộc sang nơi nhiều bổng lộc… Đối tượng “chạy” là rất đa dạng. Đầu tiên là những người chưa đủ hoặc không đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh về năng lực, uy tín, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn nhưng vẫn tìm mọi cách để leo lên, bất chấp các nguyên tắc cơ bản của đạo đức chính trị. Rồi có những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng do những bất cập trong công tác cán bộ mà dẫn tới tâm lý hoang mang, phải “chạy đua” tìm kiếm vị trí cho mình.

Với quy trình bổ nhiệm, giới thiệu gồm nhiều bước, nhiều khâu, nhiều cấp tham gia ý kiến như hiện nay thì đối tượng “được chạy” cũng rất đa dạng. Bất cứ ai có thể tham gia, tác động, can thiệp đến công tác tổ chức cán bộ cũng có thể được đối tượng “chạy” nhắm đến. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương thì người đứng đầu và người trực tiếp làm công tác nhân sự thường là đối tượng “được chạy”.

Hình thức “chạy” cũng rất phong phú. Phổ biến nhất là dùng tiền bạc, vật chất, quan hệ… hoặc lợi ích khác, tiếp cận trực tiếp hoặc thông qua người nhà, người thân…để trao đổi, thỏa thuận, hối lộ với người có chức, có quyền quyết định hoặc người có thể can thiệp vào công tác tổ chức cán bộ, để đạt được tham vọng về vị trí, chức vụ, quyền lực. Thậm chí dùng thủ đoạn, mánh khóe bôi nhọ, nói xấu, “gài bẫy” với “đối thủ” có đủ tiêu chuẩn, điều kiện đang cùng cạnh tranh với mình, tạo lợi thế trong cuộc đua quyền chức.

Việc “chạy” cũng rất tinh vi, bài bản, từ khâu quy hoạch đến khi bỏ phiếu tín nhiệm, bổ nhiệm, rất âm thầm nhưng quyết liệt...Hậu quả làm méo mó công tác tổ chức cán bộ, không chọn được người thực tài vì người được bổ nhiệm đã "mua phiếu". Người có tâm, có tài không “chạy" nên thiệt thòi, người kém tài kém đức nhưng dùng thủ đoạn "chạy" nên được bổ nhiệm, khiến công tác bổ nhiệm cán bộ không thực chất, không hiệu quả.

"Chạy chức chạy quyền" thực chất là sự tha hóa, tham nhũng quyền lực. "Chạy" không chỉ là câu chuyện cá nhân mà đã biến tướng, biến thể, hình thành các nhóm lợi ích, các đường dây mua quan, bán tước, hình thành các gia đình quan chức-gia đình trị...Khi cơ quan pháp luật điều tra các vụ án ở Bộ Công Thương và vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm, có tình tiết về hàng loạt nhân sự đã được bổ nhiệm, điều động một cách bất thường, không đủ tiêu chuẩn để hình thành những ê kíp, sau đó trở thành đường dây tham nhũng.

Muôn việc thành công hay thất bại xét cho cùng đều do công tác cán bộ như lời Bác dạy. Vì vậy, để cái gốc của công việc được tốt, được bền, việc đẩy lùi nạn "chạy chức, chạy quyền", tha hóa quyền lực phải là một nhiệm vụ hàng đầu trong công tác cán bộ.

Trung Nguyễn

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/tam-diem-du-luan/nhan-dien-te-chay-chuc-chay-quyen-270484.html