Nhận diện thách thức trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi tham gia EVFTA

Việc nhận diện những thách thức đối với thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm tránh những rủi ro trong dài hạn cũng như có những điều chỉnh phù hợp, tận dụng được những cơ hội do EVFTA mang lại đối với sự phát triển kinh tế bền vững và khai thác tối đa lợi thế so sánh của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam.

Với EVFTA, ngay khi hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa. Hiệp định EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau; trong đó có vấn đề SHTT. Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia như Hiệp định EVFTA.

 Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).

Nhìn nhận về vấn đề này, theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), chế định về SHTT là một trong những khía cạnh cam kết của EVFTA được cho là sẽ tác động trực tiếp và lớn tới thể chế pháp luật và thực thi của Việt Nam. Đây là chế định tập hợp các nguyên tắc, yêu cầu về các tiêu chuẩn bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền SHTT.

Ông cho biết EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm trí tuệ hàng đầu thế giới, vì thế cũng có nhu cầu tăng cường bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền SHTT. EU cũng đồng thời có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng việc bảo hộ loại quyền sở hữu trí tuệ này.

Về phía mình, Việt Nam cũng muốn có không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các sản phẩm SHTT phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể. Do đó không phải ngẫu nhiên mà vấn đề SHTT, đặc biệt là chỉ dẫn địa lý, trở thành một trong những vấn đề khó đàm phán nhất trong EVFTA; chương Sở hữu trí tuệ cũng là một trong những chương có dung lượng lớn nhất trong toàn hiệp định.

Ông Linh cho hay pháp luật Việt Nam hiện nay đã khá tương thích với đa số cam kết trong EVFTA về SHTT, từ nguyên tắc chung về bảo hộ quyền SHTT tới các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT cũng như các yêu cầu về biện pháp thực thi tại biên giới.

Tuy nhiên, kết quả rà soát cho thấy hiện có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, gồm: Quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức thực hiện bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trong tác phẩm. Đây là các quy định rất chi tiết mà pháp luật Việt Nam hiện chưa ghi nhận.

"Mặc dù vậy, rà soát pháp luật mới chỉ là bước đi đầu tiên và 1 trong những nội dung quan trọng tiếp theo là phải rà soát, đánh giá việc thực thi không chỉ là ở hiện trạng thực thi quyền SHTT mà là cả ở năng lực trong tương lai về thực thi các cam kết để có những biện pháp điều chỉnh phù hợp. Những quy định của EVFTA không chỉ đòi hỏi thay đổi pháp luật mà còn có thể mang đến những thách thức thực thi cho Việt Nam, ít nhất là trong ngắn hạn", ông Trần Hữu Linh nêu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định, thực thi quyền SHTT luôn là vấn đề khúc mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về SHTT. Do vậy, đây cũng là chủ đề được EU chú trọng đàm phán trong EVFTA. Để đảm bảo thực thi có hiệu quả các cam kết trong EVFTA, bên cạnh việc nội luật hóa các cam kết của EVFTA, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi quyền SHTT.

Thách thức về thực thi quyền sở hữu trí tuệ khi tham gia vào EVFTA.

Để cải thiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ông Trần Hữu Linh cho rằng, cần xây dựng một chiến lược quốc gia về SHTT và thực thi quyền SHTT. Nâng cao năng lực chuyên môn về SHTT và năng lực thi công vụ cho các cơ quan, lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan hành chính, xét xử và cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động chia sẻ thông tin, phối hợp hành động; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; tiếp tục tận dụng hiệu quả kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong thực thi quyền SHTT.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Trưởng Ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam bày tỏ, các biện pháp kỹ thuật chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (TPM) mở rộng các hành vi sử dụng xâm phạm TPM, không chỉ áp dụng đối với việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê..., mà còn áp dụng với việc tàng trữ với mục địch thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy. Hay các biện pháp ảnh hưởng thông tin quản lý quyền (RMI) không chỉ bảo vệ thông tin đối với bản gốc, mà còn bảo vệ thông tin với bản sao, bản công bố ra công chúng.

Đáng chú ý, các cam kết của EVFTA cao hơn WTO ở khía cạnh tăng quyền của Tòa án trong quyết định các biện pháp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm, không chỉ bằng các biện pháp hiện tại mà có thể áp dụng các biện pháp khác như đóng băng tài khoản, thu giữ chứng cứ liên quan...

Bà Nguyễn Thu Trang nhấn mạnh, đối với nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền.

Tuy nhiên đối với nhóm doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hội về SHTT, muốn sử dụng sản phẩm được bảo hộ sẽ phải chi trả chi phí mua cao, giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ. Cùng với đó, rủi ro vi phạm, rủi ro chi phí do bị xử lý vi phạm tăng lên sẽ là yếu tố đặc biệt đối với các doanh nghiệp và chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-dong-kinh-te/nhan-dien-thach-thuc-trong-thuc-thi-quyen-so-huu-tri-tue-khi-tham-gia-evfta-5984.html