Nhận diện thủ đoạn, mánh khóe của tín dụng đen

Thông tin 'tín dụng đen' hoành hành xuất hiện không ít trên các phương tiện truyền thông. Người dân thì chỉ nghe, xem, bình luận thoáng qua rồi nhanh chóng lãng quên. Nhưng với những người trong cuộc mới… nổi da gà mỗi khi bất chợt ai đó nhắc lại…

Bài 1: Cầm đồ tín dụng đen núp bóng
Bài 2: “Rắc thính - dụ mồi”
Bài 3: Ma quỷ đội lốt người

 Hiện trường một vụ ném chất bẩn.

Hiện trường một vụ ném chất bẩn.

Nhân quả

Đã gần 5 tháng trôi qua, anh Hoàng Anh Tuấn ở quận Hoàn Kiếm vẫn thảng thốt bởi đợt “khủng bố” của nhóm đối tượng làm nghề cho vay tài chính. Quen biết đã lâu, nhưng chưa khi nào anh Tuấn gọi mình theo cách này nên tôi vội vã lên đường. Chưa kịp gọi nước, anh Tuấn đã vào đề: Khoảng chừng hơn một năm trước, anh nhận lái xe đưa đón nhân viên đi làm tại khu công nghiệp Bắc Ninh. Thời gian chờ đợi rảnh rỗi, anh quen một thanh niên làm “chủ bóng” rồi bập vào cá độ lúc nào không hay.
Sau thời gian đỏ - đen, anh Tuấn đã thua, nợ hơn 100 triệu đồng. Số tiền nợ cá độ được khéo léo đề nghị chuyển sang cho vay với lãi suất 20%/năm. Theo tay chủ, để tiện trong kinh doanh, giấy biên nợ sẽ theo nội dung mua – bán xe máy hiệu Honda SH. Không còn cách nào khác, anh Tuấn phải đồng ý viết giấy nợ tiền mua xe máy, có trả lãi. Sau đó, anh Tuấn nghỉ công việc ở Bắc Ninh và xin lái xe cho một công ty du lịch tại Hà Nội. Thời gian trôi đi, sự việc tưởng chừng rơi vào quên lãng.
Khoảng một tháng gần đây, đột ngột tay “chủ bóng” liên lạc với anh Tuấn. Kẻ cho vay thẳng thừng tuyên bố, số tiền vay nợ, lãi mẹ đẻ lãi con trong một năm cộng với “phạt” vi phạm thỏa thuận, anh Tuấn phải trả ngay khoản nợ 300 triệu đồng. Không đồng ý với mức tiền vô lý phải trả, anh Tuấn cùng tay chủ dằng dai đôi co. Theo anh Tuấn, có vay, có trả nhưng chỉ số tiền gốc thua cá độ. Giấy tờ vay trước đó không hợp pháp bởi thực tế không có chiếc xe máy nào được mua bán đúng theo thỏa thuận. Đôi bên phát sinh mâu thuẫn to tiếng và sự việc trở nên nghiêm trọng…
“Khủng bố” toàn diện…
Vài hôm sau, có 4 thanh niên trẻ tuổi, đầu tóc bặm trợn, xăm hình xanh, đỏ khắp người tìm đến cơ quan, hẹn anh Tuấn nói chuyện. Họ “nhẹ nhàng” thông báo: Do tay “chủ bóng” thiếu tiền nên đã gán khoản nợ của anh Tuấn cho họ. Các đối tượng chìa giấy tờ cho anh Tuấn xem nhằm khẳng định căn cứ pháp lý nghiêm túc. Anh Tuấn có một tháng để trả toàn bộ khoản nợ. Trong thời gian này, anh Tuấn phải trả lãi số tiền 7.000 đồng/1 triệu đồng, thu lãi theo tuần.
Cũng không dễ bắt nạt, anh Tuấn cương quyết phủ nhận tính pháp lý của nhóm thanh niên lạ mặt. Tỏ ra không lạ với cách xử sự của đối tác, nhóm thanh niên tiếp tục hẹn sẽ đến thu tiền lãi theo ngày đã ấn định cùng với lời đe dọa: Nếu bỏ trốn, đừng để chúng tìm thấy… Nửa tháng tiếp theo, gia đình anh Tuấn bị “khủng bố” toàn diện. Đầu tiên là tin nhắn dạng “mày hôm nay đừng ra đường nhé”, “vợ mày đi làm theo đường Quang Trung, cẩn thận tai nạn”… Không biết bằng cách nào, nhóm ma quỷ biết cả số điện thoại của vợ anh Tuấn. Vợ anh phải xin nghỉ phép, thuê xe taxi đưa, đón con đi học. Gia đình anh Tuấn rơi vào bất an, cãi vã liên miên.
Không dừng lại đó, nhóm thanh niên nọ vài ngày lại lượn lờ qua khu vực, cố tình cho anh Tuấn và gia đình thấy mặt. Đỉnh điểm là khi nhà anh Tuấn bị ném “bom bẩn” tung tóe khắp mặt tiền. Nghiêm trọng hơn, ngay sau đó anh nhận được tin nhắn đe dọa “xin” gân tay phải, khỏi hành nghề lái xe. Chỉ sau khi tường trình toàn bộ sự việc đến cơ quan công an và thông báo rõ số điện thoại, địa chỉ nhóm người tình nghi, thiết lập hệ camera… gia đình anh Tuấn mới tạm yên thân.
Không làm được như anh Tuấn, gia đình ông Nhu (ở huyện Chương Mỹ) đã phải chạy vạy đủ đường để lo 120 triệu đồng trả nợ bóng đá cho cậu con “phá gia chi tử”. Bởi đám đòi nợ thuê không ném chất bẩn, không hù dọa, chúng kéo cả chục đứa đến nhà, hàng ngày xin cơm rượu. Cơm no, rượu say thì lăn ra giường ngủ. Khốn nỗi, tuy ở quê rộng rãi thật đấy, nhưng cả nhà có 3 cái giường. Sau hơn tuần “hầu khách”, ông Nhu cũng xoay đủ số tiền trên để tiễn đám khách không mời. “Anh ạ, trong một tuần ấy, tôi sống như người mất hồn. Ngày phải lo chạy tiền, lo cơm rượu cho đám thiên lôi. Tối 2 vợ chồng già lại chui xuống ngủ dưới bếp vì 3 cái giường bị đám thanh niên nọ độc chiếm”- ông Nhu ngao ngán nhớ lại.
Là đứa con ngoan trong gia đình, nhưng sau World cup 2018, ông Thọ (ở một huyện ngoại thành Hà Nội) thấy cậu cả Thắng thay đổi tính nết. Thường ngày, Thắng không rượu bia, thuốc lá, nhưng gần đây đến bữa cơm không ăn, lại đòi bố cho xin chén rượu. Cứ thế ngồi rượu “vã”, rít thuốc liên tục. Qua dò hỏi đám bạn, ông Thọ biết Thắng đã “dính” khoản nợ bóng đá trên 1 tỉ đồng. Ở chốn nhà quê, dẫu có bán cả gia sản cũng chưa đủ tiền trả khoản nợ kia. Chưa nghĩ ra kế để trả nợ thay con, cũng chưa có giang hồ về đòi nợ, thì ông đã phải đau lòng nhìn cảnh “lá vàng còn ở trên cây” – Thắng đã “ra đi” bằng liều thuốc diệt cỏ.
(còn nữa)
(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Đông Phong - Trần Thụ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhan-dien-thu-doan-manh-khoe-cua-tin-dung-den-328157.html