Nhân dịp kỷ niệm 73 năm thành lập TTXVN (15-9-1945 -15-9-2018): Thông tấn xã Giải phóng Khu V kiên cường

vanhienv. - Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được chính thức thành lập, thì trước đó, vào tháng 4 năm 1959, phóng viên Thông tấn xã đã có mặt ở Khu V. Đó là anh Võ Thế Ái, một phóng viên giàu kinh nghiệm của Việt Nam Thông tấn xã, đã nhiều lần đi viết tin về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh để lại hậu phương vợ và con trai nhỏ, đi theo đường mòn vượt Trường Sơn tham gia mặt trân tư tưởng của Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V.

Nhà báo Võ Thế Ái cùng vợ con, trước khi lên đường đi B, và nhà báo Võ Thế Ái hiện nay

Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng miền Nam, Thông tấn xã Giải phóng Khu V lớn lên không ngừng, vừa đóng ở căn cứ Khu ủy, trở thành một Phân xã trong Ban tuyên huấn Khu ủy Khu V, vừa tỏa về các địa phương lấy tin, chụp ảnh. Tới những năm 1968 trở đi, lực lượng phóng viên chuyên nghiệp của Việt Nam Thông tấn xã liên tục được bổ sung cho Thông tấn xã Giải phóng Khu V. Anh Võ Thế Ái là trưởng Tiểu ban Thông tấn xã, đã dìu dắt lớp phóng viên trẻ, trong đó có tôi, hoạt động nghiệp vụ ở một môi trường hoàn toàn khác lạ với môi trường mà chúng tôi hoạt động trước đó. Ở chiến trường này, bên cạnh hoạt động nghề nghiệp, chúng tôi còn phải lao động sản xuất, gùi cõng tự túc lương thực, thực phẩm tự nuôi sống mình. Cái thiếu đói, gian khổ, bệnh tật luôn luôn hành hạ, đòi hỏi chúng tôi phải vượt qua. Và ai cũng khao khát được xuống đồng bằng, đắm mình trong đời sống của nhân dân để làm báo. Nhưng, chiến trường vô cùng ác liệt, nhiều cán bộ đi xuống đồng bằng và không bao giờ trở lại nữa. Với tầm nhìn chiến lược, Khu ủy “để dành” lực lượng báo chí trẻ, khi cần mới tung vào trận. Bởi vậy, tới tận những năm 1970 – 1971, tôi và một vài đồng nghiệp mới được đi công tác đồng bằng. Trong chuyến đi đầu tiên này, phóng viên Lê Viết Vượng đã hy sinh khi đang còn ở vùng giáp ranh chứ chưa xuống được đồng bằng – một trận pháo kích của quân giặc đã cướp đi sinh mệnh của anh.

Tôi may mắn được tới Bình Định, nơi phong trào tấn công và nổi dậy của quân dân ta hết sức mạnh mẽ. Chính ở nơi này, tôi hiểu thế nào là chiến tranh nhân dân, được sống trong tình yêu thương vô bờ, sự che chở, đùm bọc của nhân dân, từ đó viết được khá nhiều tin, bài gửi về Thông tấn xã.

Tới tháng 8 năm 1972, tôi được lệnh trở lại căn cứ. Lúc này, Phân xã Thông tấn chúng tôi có 12 người với đủ bộ phận: tin, ảnh, buồng tối. Chuyến công tác vừa rồi, anh Hồ Ca hy sinh tại đường 19 (Gia Lai). Anh đã bám sát cuộc chiến đấu của đơn vị Quân giải phóng đánh đoàn xe địch trên đường, cùng đào hầm, chĩa ống kính máy ảnh chờ chộp được cảnh đoàn xe địch bốc cháy. Một quả đạn DKZ của địch đã rơi trúng công sự của anh!

Khi anh Ái, rồi anh Vũ Đảo lần lượt ra miền Bắc vì tuổi cao, sức yếu, tôi được phân công phụ trách Phân xã Thông tấn xã. Vô cùng luyến tiếc đồng bằng, nhưng vì nhiệm vụ, tôi phải ở căn cứ. Thông tấn xã của chúng tôi đã lớn mạnh, đông hơn, hiện đại hơn và vẫn giữ được truyền thống thương yêu, đùm bọc nhau. Chúng tôi có buồng tối làm ảnh, có đài minh ngữ. Anh em tập hơp thành từng tổ phóng viên tỏa đi khắp cả 6 tỉnh Trung Trung Bộ và 3 tỉnh Tây nguyên. Tôi ở nhà theo dõi công việc chung, trực tiếp biên tập tin, bài, ra Bản tin đều đặn phục vụ Khu và gửi ra Bắc. Lại như anh Đảo ngày xưa, mỗi khi nhận thư của ngoài Bắc gửi vào cho anh em Thông tấn, tôi bóc ra xem rồi tóm tắt nội dung báo cho đồng chí mình biết. Chúng tôi coi nhau như người ruột thịt, chẳng có gì phải giấu nhau cả, mặt khác sợ rằng gửi bản chính đi, dễ thất lạc. Đáng chú ý, Thông tấn xã có 4 nữ phóng viên, là Triệu Thị Thùy, Hoàng Tuyết Trinh, Cao Tân Hòa, và Kim Thoa, đều trẻ, được đào tạo cơ bản và tràn đầy nhiệt huyết. Không quản thân gái, 4 nữ phóng viên tham gia mọi công việc ở chiến khu như gùi cõng, sản xuất, rồi tỏa về các địa phương làm nghiệp vụ.

Các cánh quân Thông tấn xã tỏa đi các tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắc... đều bám sát chiến trưởng, tích cực viết tin, bài phản ánh khí thế tấn công và nổi dậy ở địa phương. Bên cạnh việc chuyển tin qua hệ thống điện đài, anh chị em còn gửi thư từ, phim ảnh qua đường giao bưu. Tôi quí trọng từng lá thư, đọc đi đọc lại, rồi lại ngồi viết thư trả lời cho các bạn. Tổ Bình Định viết thư nhiều nhất, tỉ mỉ nhất. Tổ này do Hồ Phước Huề làm tổ trưởng, cùng các phóng viên trẻ là Cao Tân Hòa, Nguyễn Long Phi, Nguyễn Thành Vinh. Các bạn hăm hở lao xuống đồng bằng, đằm mình trong tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào Bình Định, trong đó có các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, vượt qua rất nhiều khó khăn, tìm mọi cách tiếp cận hiện thực để lấy tin, chụp ảnh.

Anh Vũ Đảo (thứ 3 từ trái sang) và anh chị em TTX, báo Cờ Giải phòng KV mùa xuân 1972 ỏ căn cứ Dốc Voi

Qua thư Hoàng Dục, Lâm Quý, Nguyễn Thụ, tôi được biết hoạt động nghiệp vụ của các tổ phóng viên Gia Lai, Đắc Lắc, Quảng Nam khó khăn hơn ở Bình Định, nhưng đội quân Thông tấn vẫn tràn đầy nhiệt tình, xoay xở đủ mọi cách để viết tin, chụp ảnh.

Cô phóng viên ảnh Triệu Thị Thùy "béo nhất Thông tấn" và hay làm nũng chúng tôi, cũng xông vào trận địa ở Quảng Ngãi để chụp ảnh và đã bị thương. Liên tiếp, tôi nhận được 2 thư của Thùy: "… Ngày 8/5 em theo bộ đội và du kích xã lên trận địa bắn sang đồn địch. Trận địa hẹp, xung quanh có gài nhiều mìn. Em vừa chụp được một pô bắn đại liên địch bốc cháy, em định đưa máy sang chụp phía đồn địch thì quả B41 của ta bắn sang. Dưới sức ép của B41 mìn gài trên trận địa nổ tung. Em bị thương 2 chỗ vào chân trái. Em tê dại chân không thể làm việc được, vừa lúc ấy pháo địch bắn sang. Chúng em phải rút lui. Đêm đó họ đưa em vào bệnh xá huyện. Gần chục ngày đầu em nằm liệt giường không đi lại được. Sau đó đi lần đến hôm nay em đi lại đã tương đối bình thường, nhưng ở vết thương mảnh vẫn còn nằm trong đó nên cũng hạn chế."... "

Thông tấn xã chúng tôi cũng tích cực tham gia những công việc cố hữu ở căn cứ: gùi cõng và sản xuất. Cao Tiến Ất, Trần Minh Phượng, Phan Đình Khôi chăm chỉ với công việc nhà nông.

Tới năm 1974, Thông tấn xã đã có tới 42 người, gồm phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật ảnh, kỹ thuật máy ảnh, trong đó 22 đồng chí được biên chế vào các tổ phóng viên tỏa về 9 tỉnh làm nghiệp vụ. Trong 6 tháng đầu năm 1974, toàn Phân xã của chúng tôi phát được 493 tin, bài (có 97 bài, mẩu chuyện), 7.295 tấm ảnh các loại, trong đó phát cho các báo Cờ giải phóng, Văn nghệ, Hình ảnh Việt Nam 135 tấm và triển lãm 1.602 tấm. Tin, bài, ảnh của chúng tôi gửi về Tổng xã phần lớn được phát, là nguồn phong phú cho các báo, đài ở Miền Bắc và Đài Giải phóng, cho các cuộc triển lãm và cho yêu cầu tuyên truyền của các địa phương. Thời gian này, tôi theo dõi thấy tại Hội nghị Pa ri, bà Nguyễn Thị Bình nhieuf lần sử dụng tin của TTX Khu V làm tài liệu đấu tranh với đối phương.

Tới chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy năm 1975, lực lượng Thông tấn hùng hậu đã có mặt khắp các chiến trường, kịp thời đưa tin, bài, ảnh về Trung ương. Báo Cờ giải phóng, cơ quan của Ủy ban Mặt trận giải phóng khu Trung Trung Bộ, liên tiếp đăng tin, bài phản ánh khí thế tấn công và nổi dậy khắp nơi. Trong số 207 ra ngày 10 tháng 4, báo đăng tin ta đã giải phóng hoàn toàn khu Trung Trung Bộ. Báo đăng tin tổng hợp nêu rõ: Trong thời gian 1 tháng (từ ngày 4 tháng 3 đến ngày 3 tháng 4 năm 1975), quân và dân Trung Trung Bộ đã liên tục tấn công và nổi dậy, giành thắng lợi lịch sử: giải phóng hoàn toàn Khu, gồm 9 tỉnh, 3 thành phố và tất cả các thị xã, thị trấn với 5 triệu dân, loại khỏi vòng chiến đấu 30 vạn tên địch, thu hàng vạn súng các loại, thu và phá hủy 4.000 xe quân sự, bắn rơi, phá hủy và thu hồi 300 máy bay. Báo còn đăng bài, ảnh của anh em phóng viên Thông tấn xã chúng tôi từ khắp các chiến trường gửi về: Việt Long với bài “Đà nẵng tưng bừng ngày hội giải phóng” cùng 2 ảnh về sinh hoạt ở vùng giải phóng, Dương Đức Quảng với bài “Thị xã Quảng Ngãi ngày giải phóng vui như hội”, Hồ Phước Huề với bài “Số phận bi thảm của Sư đoàn 23 ngụy”, Hồng Phấn với ảnh Công nhân nhà máy điện Công Tum kiên quyết bảo vệ nhà máy không cho địch phá hoại và nhanh chóng đưa nhà máy trở lại hoạt động bình thường, và Quang cảnh trước hội trường Diên Hồng thị xã Plây - cu...

TTX Giải phóng KV tại căn cứ Trà Nô, năm 1974

Trong lực lượng Thông tấn xã, còn phải kể tới những anh chị em làm công tác truyền tin. Đó là bộ phận minh ngữ, chuyển tin tức, bài vở của chúng tôi về Trung ương bằng phương pháp điện tín cổ xưa, tức là đánh Mooc. Nhiều khi, phóng viên chúng tôi cùng quay Ragono để phát điện chạy máy. Sau này, được hậu hương tiếp viện, đài Minh ngữ đã có máy Tê lê típ, Tê lê phô tô, chạy bằng máy phát điện, truyền được cả tin tức và hình ảnh qua làn sóng vô tuyến. Chính vì sử dụng điện đài phát sóng, bộ phận này rất dễ bị kẻ địch phát hiện, thường phải chịu những trận bom của địch nhiều hơn các đơn vị khác. Do vậy, Đài minh ngữ thường phải ở cách chúng tôi cả ngày đường đi bộ, lại luôn phải di chuyển nơi ở. Những khi ấy, cùng với tư trang, lương thực, mọi thứ máy móc nặng nề đều theo đôi vai của các anh chị mà di chuyển.

Trong gian khổ, ác liệt ấy, nhiều đồng chí của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường: Lê Viết Vượng, Hồ Ca, Phạm Thị Đệ.

Nhưng, cũng chính trong hoàn cảnh khốc liệt ấy, chúng tôi vẫn vươn lên sống có ích, đồng thời vun đắp hạnh phúc riêng tư. Như đã nói ở trên, Anh Võ Thế Ái để vợ và con nhỏ ở lại hậu phương. Nhưng sau đó ít năm, vợ anh, chị Nghiêm Thị Tú, cũng vượt Trường Sơn vào chiến trường sát cánh bên anh. Có lẽ, do bắt nguồn từ tình đồng chí thân thương, mà tình yêu của những cặp vợ chồng hồi đó hết sức bền vững. Trong dịp về Quảng Nam dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng mà Nhà nước phong tặng Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V vào cuối tháng 7 vừa qua, các cặp đôi thời chiến ấy đều sánh vai nhau tới gặp đồng đội: Long – Ngân, Huề - Thùy, Quảng – Hòa, Nghiệp – Thoa. Đáng tiếc rằng, anh Võ Thế Ái không vào được, vì tuổi cao – anh đã 91 tuổi! Vợ anh không còn nữa, đúng như nghĩa đen của thành ngữ “Chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi”; nếu không, chắc chắn anh chị cũng sánh đôi chung niềm vui hôm nay.

Bây giời, cùng với Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu V, Thông tấn xã Khu V đã hoàn thành sứ mạng lịch sử. Những cán bộ thời chiến ấy nay đã nghỉ hưu cả, nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Nhiều người vẫn viết để góp phần xây dựng cuộc sống mới…

Phạm Việt Long |

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhan-dip-ky-niem-73-nam-thanh-lap-ttxvn-15-9-1945-15-9-2018--thong-tan-xa-giai-phong-khu-v-kien-cuong-63798