Nhãn hiệu tập thể trong nông nghiệp: Xây khó, giữ càng khó

Đối với nhãn hiệu tập thể về cây ăn trái ở Trà Vinh đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là quýt đường Long Trị, huyện Càng Long (năm 2008), dừa sáp Hòa Tân (năm 2011 và măng cụt Tân Qui huyện Cầu Kè (năm 2008)...

Trong sản xuất nông nghiệp đối với một số cây trồng (cây ăn trái) việc xây dựng và được công nhận nhãn hiệu tập thể là một quá trình dài, nhiều khó khăn với những đặc tính mang nét đặc thù trong từng sản phẩm để tạo tính riêng biệt khi người tiêu dùng nói đến sản phẩm được công nhận nhãn hiệu là biết ngay đó là sản phẩm gì. Đối với nhãn hiệu tập thể về cây ăn trái ở Trà Vinh đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận là quýt đường Long Trị, huyện Càng Long (công nhận năm 2008), dừa sáp Hòa Tân (công nhận năm 2011 và măng cụt Tân Qui huyện Cầu Kè (công nhận năm 2008)...

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện có 02/03 sản phẩm (trái cây) hết thời hiệu (sau 10 năm từ lúc công nhận) đã để mất nhãn hiệu; trong đó có 01 sản phẩm trái cây là “Quýt đường Long Trị” được 01 địa phương ngoài tỉnh đăng ký thành công nhãn hiệu tập thể.

Nhà vườn Nguyễn Văn Nguyên, ấp Long Trị, xã Bình Phú, bên vườn quýt đường khá nổi tiếng với nhãn hiệu “Quýt đường Long Trị” trước đây.

Nhà vườn Nguyễn Văn Nguyên, ấp Long Trị, xã Bình Phú, bên vườn quýt đường khá nổi tiếng với nhãn hiệu “Quýt đường Long Trị” trước đây.

Nhà vườn Nguyễn Văn Nguyên, thành viên Hợp tác xã (HTX) quýt đường Thuận Phú (xã Bình Phú, huyện Càng Long) cho biết: gia đình có 01ha chuyên canh quýt đường và từ năm 2019, gia đình cải tạo và trồng mới lại toàn bộ diện tích vườn quýt già cỗi hơn 20 năm tuổi. Đây là năm thứ 02, vườn quýt cho năng suất ổn định và mỗi vụ cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Cũng theo nhà vườn Nguyễn Văn Nguyên, trước đây khi nói đến Quýt đường Long Trị mọi người đều biết về địa danh Long Trị gắn liền với sự ra đời và phát triển của cây quýt đường. Hiện nay, không còn nhãn hiệu “Quýt đường Long Trị”; với việc xây dựng và xác lập nhãn hiệu mới cho Quýt đường Bình Phú (trước đây là nhãn hiệu tập thể Quýt đường Long Trị), bản thân mong muốn HTX phát huy và nâng cao giá trị của cây quýt đường; để tạo điều kiện cho những nhà vườn trồng quýt đường phát triển hơn nữa.

Qua trao đổi với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Trung Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú, huyện Càng Long thông tin: hiện nay, nhãn hiệu “Quýt đường Long Trị” không còn nữa, do sau khi đã hết thời gian bảo hộ, đơn vị thụ hưởng không làm đơn tái công nhận; đây là sự mất mát lớn của nhà vườn cũng như thương hiệu đã được người tiêu dùng tín nhiệm và biết đến qua nhãn hiệu “Quýt đường Long Trị”. Với thương hiệu mới đang được triển khai, sẽ giúp cho nhà vườn đưa cây quýt đường vươn xa hơn. Toàn xã hiện có 25ha quýt đường, chủ yếu trồng tập trung ở ấp Long Trị; thời gian tới, xã cũng quy hoạch thêm 12ha quýt đường trồng ở ấp Phú Đức.

Đối với thương hiệu tập thể Măng cụt Tân Qui (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè) được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận vào năm 2008 và đơn vị quản lý, thụ hưởng: HTX Tân Thành (nay đã giải thể); đến nay đã qua hơn 04 năm hết hiệu lực.

Theo chia sẻ của bà Đồng Thị Mai Linh, Giám đốc HTX Tân Qui (xã An Phú Tân): đối với vùng đất cù lao Tân Qui, khi nói đến măng cụt, sầu riêng và chôm chôm đều được khách hàng trong và ngoài tỉnh khẳng định về chất lượng vượt xa các địa phương khác, như về độ ngọt, mẫu mã trái…

Nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Tân Qui” trước đây do HTX Tân Thành quản lý, nhưng sau thời gian hoạt động không hiệu quả và việc bỏ ra một khoảng kinh phí để tái công nhận lại (sau 10 năm) đã không thực hiện. Cũng theo bà Đồng Thị Mai Linh, đối với vai trò HTX mới như HTX Tân Qui hiện nay mong muốn cần có xây dựng cho một số thương hiệu về sản phẩm cây ăn trái cho cù lao Tân Qui. Việc xác định và xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm là khó và việc giữ, phát huy nhãn hiệu đó trong hoạt động thương mại càng khó hơn; đòi hỏi phải có chiến lược phát triển kinh doanh, tận dụng hiệu quả về thương hiệu đã được khẳng định từ khách hàng qua thương hiệu được xác lập để đưa sản phẩm vươn xa.

Nhà vườn Hòa Tân, huyện Cầu Kè phấn khởi bên vườn dừa sáp, sản phẩm tiếp tục được gia hạn về Nhãn hiệu tập thể “Dừa sáp Hòa Tân” đến năm 2031.

Nhà vườn Hòa Tân, huyện Cầu Kè phấn khởi bên vườn dừa sáp, sản phẩm tiếp tục được gia hạn về Nhãn hiệu tập thể “Dừa sáp Hòa Tân” đến năm 2031.

Ngày 28/4/2011, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu Dừa sáp Hòa Tân (Quyết định số 55156/QĐ-SHTT) và có hiệu lực 10 năm. Mặc dù qua nhiều tháng năm thăng trầm của cây dừa sáp do tình hình kinh tế thị trường, việc sản xuất của nhà vườn với trái cây đặc sản (dừa sáp) gặp không ít khó khăn. Thông qua vai trò HTX Dừa sáp Hòa Tân và đơn vị quản lý, thụ hưởng nhãn hiệu Dừa sáp Hòa Tân đã không ngại trong việc duy trì hiệu quả hoạt động và tạo chuỗi liên kết giữa nhà vườn - HTX - doanh nghiệp, cơ sở thu mua và chế biến dừa sáp.

Trên địa bàn huyện Cầu Kè có khoảng có 780ha dừa sáp, riêng xã Hòa Tân có trên 425ha. Trong này, HTX Dừa sáp Hòa Tân (43 thành viên, tổng diện tích 32ha dừa sáp) đạt chứng nhận OCOP 4 sao cho sản phẩm dừa sáp.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc HTX Dừa sáp Hòa Tân cho biết: đối với nhãn hiệu Dừa sáp Hòa Tân đã được tỉnh, huyện hỗ trợ xây dựng thành công và được công nhận, đây là niềm vui và nỗ lực của nhà vườn nói chung và những người trồng dừa sáp ở Hòa Tân nói riêng. Do đó, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, khi nhãn hiệu giao cho đơn vị thụ hưởng phải quyết tâm duy trì và phát huy.

Vừa qua, bằng nguồn kinh phí từ HTX đã làm thủ tục đăng ký gia hạn nhãn hiệu tập thể Dừa sáp Hòa Tân; thời gian gia hạn kéo dài đến ngày 28/4/2031 (Giấy chứng nhận số 192703, theo Quyết định số 22099/QĐ-SHTT, ngày 19/3/2021).

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nhan-hieu-tap-the-trong-nong-nghiep-xay-kho-giu-cang-kho-33245.html