Nhận khí đốt 'nhỏ giọt' từ Nga, châu Âu vẫn 'cán đích' dự trữ, mùa Đông tới có còn gây ám ảnh?

Các kho dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) gần như đã đầy 90%, cao hơn mức 15% so với năm ngoái - một sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mùa Đông đến.

Một cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức được chụp vào tháng 9/2022. (Nguồn: Getty Images)

Một cơ sở lưu trữ khí đốt của Đức được chụp vào tháng 9/2022. (Nguồn: Getty Images)

"Cán đích" dự trữ khí đốt

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, với giá khí đốt tự nhiên tăng lên mức cao mới trong năm nay.

Khi các quốc gia phương Tây "gây hấn" với Moscow về chiến dịch quân sự, Nga đã "trả đũa" bằng cách mạnh tay cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, EU đã đặt ra các mục tiêu lấp đầy các kho dự trữ khí đốt trước khi mùa Đông tới.

Hiện tại, công suất kho chứa khí đốt tại khu vực đã đầy 89,6%, cao hơn mục tiêu 80% do EU đặt ra.

Hầu hết các thành viên EU đều có các cơ sở lưu trữ khí đốt tại các quốc gia tương ứng, với công suất lưu trữ ở Đức, Italy, Pháp, Hà Lan và Áo chiếm 2/3 tổng công suất của EU. Hiện dự trữ khí đốt của Đức ở mức 92%, trong khi Pháp là 97%, Italy là 91% và Hà Lan là 92%.

Theo quy định của Hội đồng châu Âu, các quốc gia không có kho dự trữ khí đốt sẽ cần lưu trữ 15% lượng khí đốt tiêu thụ nội địa hàng năm trong các kho dự trữ đặt tại các quốc gia thành viên khác.

Các quốc gia này bao gồm Ireland, Phần Lan, Estonia, Lithuania, Luxembourg, Slovenia, Hy Lạp và Cyprus.

Châu Âu là khu vực nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất trên thế giới. Năm 2021, Nga, Đức, Anh, Italy và Pháp đã tiêu thụ 3/4 năng lượng, khoảng 10.073 terawatt giờ (TWh) của lục địa này từ khí đốt.

Song song với đó, các nước EU đã đồng ý áp thuế khẩn cấp đối với lợi nhuận của các công ty năng lượng và đang thảo luận về khả năng giới hạn giá khí đốt, đồng thời, cắt giảm tiêu thụ điện bắt buộc ít nhất 5% vào các khung giờ cao điểm.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), tiêu thụ khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,8% vào năm 2022, do nhu cầu ở châu Âu giảm 10%.

Nguồn cung vẫn gặp rủi ro

Giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2.

Tháng 8, Moscow đã ngừng đưa khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), với lý do cần phải sửa chữa và cho biết quốc gia này sẽ không tiếp tục dòng chảy cho đến khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ đối với Moscow.

Các nước châu Âu đã phải vật lộn để tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng thay thế dùng để sưởi ấm nhà cửa, tạo ra điện và vận hành các nhà máy.

Hơn nữa, vụ rò rỉ khí đốt tại đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 đã gây thêm xáo trộn tại khu vực này hồi tháng 9.

Các quan chức ở Nga và phương Tây nghi ngờ có bàn tay phá hoại gây ra vụ rò rỉ.

Trong bối cảnh EU đạt được mục tiêu dự trữ khí đốt vào ngày 1/10, lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt cho mùa Đông đã giảm bớt và giá đã cũng "hạ nhiệt" trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, nhà phân tích thị trường John Kemp của hãng tin Reuterscảnh báo: “Kho dự trữ khí đốt đầy ắp đã giúp châu Âu tự tin hơn vào mùa Đông tới nhưng nguồn cung trong khu vực vẫn gặp rủi ro và đòi hỏi thị trường và các nhà hoạch định chính sách phải hành động nhiều hơn nữa”.

Ông Fatih Birol, nhà kinh tế và chuyên gia năng lượng người Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhận thấy, thời gian qua, châu Âu vẫn nhận khí đốt Nga, dù không nhiều. Cùng với đó, Trung Quốc nhập khẩu ít khí đốt hơn.

Nhà kinh tế này khẳng định: "Viễn cảnh có thể thay đổi vào năm 2023, đặc biệt là với Trung Quốc. Năm tới, nếu nhập khẩu khí đốt của Trung Quốc tăng lên, thì kể từ tháng 3/2023, châu Âu sẽ gặp khó.

Vì vậy, mùa Đông năm nay rất khó khăn, nhưng mùa Đông năm sau có thể còn khó khăn hơn. Châu Âu cần chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo từ hôm nay".

Giá khí đốt có thể giảm một nửa

Châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt để sản xuất điện, hoạt động vận tải và sưởi ấm. Năm 2021, 34% năng lượng của lục địa này là từ khí đốt.

Belarus là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt ở châu Âu với 62% năng lượng là từ khí đốt, tiếp theo là Nga (54%), Italy (42%), Vương quốc Anh (40%) và Hungary (39%).

Năm 2021, 76% năng lượng của châu Âu được tạo ra bằng cách đốt nhiên liệu hóa thạch - khí đốt (34%), dầu (31%) và than đá (11%).

Năng lượng tái tạo, bao gồm thủy điện, năng lượng mặt trời, gió và nhiên liệu sinh học, chiếm 14% và năng lượng hạt nhân chiếm 10% còn lại.

Việc Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt đã buộc các nước phải tăng tốc tìm kiếm các giải pháp thay thế. Đức tuyên bố sẽ tạm thời dừng việc loại bỏ hai nhà máy điện hạt nhân trong nỗ lực củng cố an ninh năng lượng.

Bên cạnh việc giải quyết các thách thức về dự trữ khí đốt, một số quốc gia EU đã công bố các biện pháp khẩn cấp trị giá hàng tỷ USD để chống lại giá năng lượng tăng vọt.

Theo Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, với những nỗ lực vượt bậc của EU nhằm tránh tình trạng thiếu khí đốt, giá khí đốt có thể sẽ giảm một nửa trong mùa Đông này.

Vào tháng 9, ngân hàng đầu tư này ước tính, giá khí đốt tự nhiên bán buôn của châu Âu sẽ giảm xuống dưới 100 Euro (tương đương 99 USD) mỗi megawatt giờ (MWh) vào cuối tháng 3/2023, trong điều kiện thời tiết mùa Đông không quá khắc nghiệt.

Châu Âu cũng tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thay thế nguồn cung từ Nga, với mức tăng 65% nhu cầu trong 8 tháng đầu năm 2022 so với một năm trước đó.

Theo phân tích của IEA, nếu nguồn cung khí đốt của Moscow ngừng hoàn toàn và EU không giảm nhu cầu, kho khí đốt của khu vực sẽ ở mức dưới 20% vào tháng 2/2023, với giả định nguồn cung LNG ở mức cao.

Nhu cầu khí đốt của EU giảm 9% so với mức trung bình trong 5 năm qua là cần thiết để duy trì mức dự trữ khí đốt trên 25%, nếu dòng chảy LNG thấp hơn.

(theo CNBC, AI Jazeera)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nhan-khi-dot-nho-giot-tu-nga-chau-au-van-can-dich-du-tru-mua-dong-toi-co-con-gay-am-anh-201017.html