Nhân kỷ niệm 65 năm cuộc tiến công pháo đài Moncada (26/7/1953 – 26/7/2018): KÝ ỨC CUBA… QUA TỪNG NĂM THÁNG…

Khi cuộc tiến công pháo đài Momcada ở thành phố miền Đông Santiago de Cuba do Fidel Castro lãnh đạo nổ ra vào ngày 26-7-1953 mở ra một chương mới trong lịch sử cận đại Cuba cách đây tròn 65 năm, tôi là một cậu học trò cấp một mới 10 tuổi ở một miền quê xứ Thanh, chưa biết gì về tình hình thế giới và có lẽ cũng không có khái niệm gì về đông hay tây bán cầu.

Ngày 1-1-1959 khi cách mạng Cuba thành công, tôi 16 tuổi, là học sinh lớp 7, cuối cấp 2. Lúc bấy giờ chúng tối đã biết đến các từ ngữ: cách mạng, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, phe xã hội chủ nghĩa…nhưng cũng chưa biết gì về cách mạng Cuba và hòn đảo tự do. Mãi đến những năm học cấp 3 (lớp 8-9-10 theo hệ phổ thông 10 năm thời đó) đầu những năm 60, nhờ có các thầy giáo lứa tuổi thanh niên từ Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội về trường, chúng tôi nghe lỏm các thầy bàn luận về thời sự quốc tế và trầm trồ khâm phục tài năng của nhà cách mạng trẻ Fidel Castro, 27 tuổi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang và 33 tuổi trở thành người đứng đầu một đất nước dù nhỏ bé, chỉ có 10 triệu dân nhưng dám đứng lên chống lại sự áp đặt và đe dọa của Mỹ, siêu cường đế quốc số một thế giới lúc bấy giờ.

Năm 1963, bước vào tuổi 20 và là sinh viên năm thứ 2 Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà nội, tôi được biết đến đất nước hình con cá sấu trên biển Caribe qua bài thơ ¨Thăm Cuba¨ của Tố Hữu với bốn cẩu mở đầu thật ấn tượng:

Nửa vòng trái đất rẽ tầng mây,
Anh đến Cuba một sáng ngày,
Nắng rực trời tơ và biển ngọc,
Đảo tươi một dải lụa đào bay…

Ít năm sau, khi đã ra trường và trở thành phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (sau này đổi thành TTXVN), tôi có dịp đọc nhiều tin tức, tài liệu về đất nước Cuba anh hùng, biết đến chiến thắng Giron tháng 4-1961, cuộc khủng hoảng tên lửa tháng 10-1962 và những bài diễn văn ứng khẩu hào hùng, lay động lòng người của Fidel Castro.

NB Phạm Lợi và các đồng nghiệp phỏng vấn Fidel , 2-9-1975, trong buổi chiêu đãi tại ĐSQ nhân dịp QK Viêt Nam

Vào khoảng đầu những năm 60, tập bút ký ¨Hiên ngang Cuba¨ của nhà văn, nhà báo Thép Mới ra đời đã đem lại những cảm nhận mới cho bạn đọc Việt Nam về dân tộc Cuba dũng cảm, kiên cường, giàu tinh thần đoàn kết quốc tế, quyết tâm chông cường quyền. Mười năm sau, vào năm 1978, gặp Thép Mới tại Cuba nhân dịp ông sang viết về Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 11, tôi kể với ông việc mình đã say sưa đọc một mạch tập bút ký ấy ra sao, Thép Mới cười bảo: Ờ, hồi đó mình sang Cuba với một đoàn đại biểu cấp cao, lẽ ra chỉ ở có bảy ngày, nhưng mình tìm cách xé rào ở lại thêm một tháng, lang thang nhiều nơi nên về mới viết được loạt bài đăng trên báo Nhân Dân, sau in thành sách.

Từ chỗ chỉ biết về Cuba trên sách báo và tin tức, tôi đã có may mắn được đến và sống trong tình thương yêu, đùm bọc của những người dân xứ đảo trong hầu như suốt cả thập kỷ 70 của thế kỷ trước.

Tháng 9-1970, một nhóm 10 phóng viên và biên tập viên của TTX được cử sang Cuba học tiếng Tây Ban Nha theo chỉ đạo trực tiếp của Tổng giám đốc Đào Tùng với nhiệm vụ học để về làm bản tin đối ngoại phát sang tây bán cầu. Vào thời điểm đó, cách mạng Cuba và phong trào đấu tranh của nhân dân các nước Mỹ la tinh được đánh giá là có vai trò quan trọng trên chính trường quốc tế, cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân ta cần phải được tuyên truyền rộng rãi ở khu vực này. Vì vậy cùng với các bản tin tiếng Anh và tiếng Pháp, VNTTX cần phải có thêm bản tin tiếng TBN.

Đoàn 10 người chúng tôi đi học Cuba năm đó gồm có: Anh Hồ Tiến Nghị (trưởng đoàn), và các bạn Nguyễn Trung Đức (đã mất năm 2001), Nguyễn Xuân Tiếp (đã mất năm 2008), Nguyên Hữu Thành, Nguyễn Quốc Dũng, Dương Thị Sâm, Nguyễn Sĩ Mậu, Chu Huy Sơn, Bùi Ánh và Phạm Đình Lợi. Anh Hồ Tiến Nghị sau này về nước từng trải qua các chức vụ Phó Tổng Giám đốc và TGĐ TTXVN, Ủy viên trung ương Đảng và Trợ lý Tổng Bí thư BCH trung ương Đảng. Đoàn chúng tôi khi đó được TTX Cuba Prensa Latina mua vé máy bay đi từ Hà Nội sang Bắc Kinh, qua Matxcơva và từ đó bay đến thủ đô Rabat của Ma rốc rồi vượt qua bầu trời Đại tây dương sang La Habana đúng vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9-1970.

Sau 4 năm học tiếng TBN tại Trường Đại học La Habana, tháng 11-1974 tôi từ Cuba về nước và làm việc ở Tiểu ban tin tiếng TBN, Ban Tin đối ngoại trong nửa năm, đến tháng 7-1975 tôi và Bùi Ngọc Hải (Ban Tin thế giới) được cử sang Phân xã La Habana thay cho anh Nguyễn Khắc Thìn và chị Trần Thị Hồ. Đầu năm 1979, tôi kết thúc nhiệm kỳ về nước còn Bùi Ngọc Hải ở lại phụ trách PX cho đến năm 1981.

Lãnh tụ Fidel nói chuyện với đoàn thiếu nhi Việt Nam thăm Cuba năm 1975

Đến cuối thập kỷ 80, lần thứ hai tôi sang Cuba làm Trưởng Phân xã thay anh Nguyễn Duy Cương đã ở đây liên tiếp 6 năm (từ 1981 đến 1987). Lần này thời gian công tác của tôi ở Cuba cũng kéo dài gần hai nhiệm kỳ, từ tháng 4-1987 đến tháng 11-1992.

Giữa thập kỷ 90, vào tháng 6 năm 1996, lần thứ ba tôi trở lại Cuba thay trưởng lão Vũ Văn Âu, người đã thay tôi tiếp quản PX năm 1992, và kết thúc nhiệm kỳ cuối cùng nơi miền đất tôi yêu vào đêm 7 rạng ngày 8-9-1999 bằng một kỷ niệm không thể nào quên: Hôm ấy tôi và phóng viên Đặng Thành đã ¨Thức trắng đêm cùng Fidel¨ (tên bài báo của Đặng Thành đăng trên báo Tin tức Buổi chiều ra vài ngày sau đó) và 4.30 phút sáng ngày 8-9-1999 chúng tôi phải rời cuộc họp báo tại Cung Cách mạng và đi thẳng ra sân bay để kịp bay chuyến bay 7 giờ sáng sang Mexico trên đường về nước theo ngả Los Angeles-Đài Bắc-Hà Nội.

Tính ra trong 38 năm làm việc ở TTXVN, tôi đã có 15 năm 6 tháng học tập và công tác trên hòn đảo tự do. Nghỉ hưu đã 10 năm, tôi không nghĩ mình còn có dịp quay trở lại nơi đây, gặp lại những bạn bè xưa khi đã ở vảo tuổi ¨cổ lai hy¨ không chỉ một lần mà là ba lần vào những năm 2012, 2013 và 2014. Chẳng có phép màu nào, chỉ có tình yêu đối với đất nước và nhân dân Cuba cùng với sự may mắn… Xin cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp may mắn, cảm ơn đất nước Cuba, cảm ơn tất cả những người bạn của tôi. Dù thế giới có đổi thay, dù nhân tình thế thái có thể biến thiên, các lý thuyết và quan niệm có thể thay đổi, nhưng chúng tôi, những người đã có dịp được học tập và trưởng thành trên đất nước này luôn nhớ về tổ quốc của Jose Marti và Fidel Castro với tình cảm chân thành, thủy chung không bao giờ phai nhạt.

Phạm Đình Lợi (nguyên Pv TTXVN tại Cuba)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhan-ky-niem-65-nam-cuoc-tien-cong-phao-dai-moncada-26-7-1953-%E2%80%93-26-7-2018--ky-uc-cuba%E2%80%A6-qua-tung-nam-thang%E2%80%A6-62840