Nhân kỷ niệm Quốc khánh Cuba 1-1-1959: 60 năm vượt qua mọi khó khăn, kiên trì vững bước.

Phát biểu ý kiến tại kỳ họp cuối cùng trong năm 2018 của Quốc hội Cuba, Chủ tich Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel, nêu rõ: Cuộc chiến đấu chủ yếu hiện nay của chúng ta là trên mặt trận kinh tế, vì vậy chúng ta phải dành thời gian và nguồn lực nhiều nhất cho nhiệm vụ này, tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, khắc phục mọi trở ngại để tìm ra giải pháp cho những vấn đề kinh tế - tài chính của đất nước.

Fidel nói chuyện trước nhân dân

Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc

Sau đại chiến thế giới thứ hai, để đối phó với phong trào giải phóng dân tộc đang ngày càng dâng cao ở Cuba, tháng 3 - 1952, Mỹ giật dây cho tướng Batista làm cuộc đảo chính thiết lập chế độ độc tài quân sự. Sau khi lên cầm quyền, Batista giải tán Quốc hội, xóa bỏ bản Hiến pháp tiến bộ được ban hành năm 1940, cấm các đảng phái chính trị hoạt động, tàn sát hàng nghìn người yêu nước Cuba và cầm tù hàng vạn người khác trong thời gian từ 1952 đến 1958. Dưới ách thống trị độc tài khủng bố của Batista, phong trào đấu tranh của nhân dân Cuba vẫn không ngừng phát triển. Ngày 26-7- 1953, hơn 100 thanh niên yêu nước do luật sư trẻ tuổi Fidel Castro lãnh đạo, đã mở cuộc tấn công vào trại lính Moncada (trại lính lớn thứ hai ở Cuba) nằm ở thành phố Santiago ở miền đông đất nước, nhằm thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ độc tài Batista.

Cuộc tiến công Moncada thất bại, nhiều chiến sĩ cách mạng hy sinh, Fidel Castro cùng nhiều chiến sĩ bị bắt và phải chịu cầm tù. Mặc dù vậy, tiếng súng Monncada đã mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của cách mạng Cuba, ''Phong trào 26-7'' ra đời, đảm nhiệm sứ mệnh dẫn dắt cách mạng giải phóng dân tộc ở hòn đảo này. Năm 1955, Fidel Castro được trả tự do, sau đó ông sang Mexico tập hợp lại lực lượng, tổ chức quyên góp tiền mua sắm vũ khí, luyện tập quân sự. Với ý chí cách mạng kiên cường, ngày 25-11-1956, Fidel cùng 81 chiến sĩ đã từ Mexico vượt biển trở về Tổ quốc trên con tàu mang tên Granma. Sau 7 ngày lênh đênh trên biển cả, 81 chiến sĩ, trong đó có người sau này nổi tiếng với danh hiệu “người du kích anh hùng” Che Guevara, dưới sự chỉ huy của Fidel đổ bộ vào vùng biển miền đông Cuba thuộc tỉnh Oriente cũ, nay là tỉnh Granma; trong khi chưa kịp triển khai đội hình và chưa liên hệ được với lực lượng ủng hộ tại chỗ thì họ đã bị quân đội Batista bao vây và tấn công. Các chiến sĩ cách mạng rút lui vào các cánh đồng mía gần đó để vừa chiến đấu giải vây vừa tìm đường rút về vùng rừng núi Sierra Maestra hiểm trở để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Với sự tham gia và giúp đỡ của nhân dân, căn cứ địa cách mạng Sierra Maestra nhanh chóng được củng cố và không ngừng lớn mạnh, lực lượng nghĩa quân ngày càng đông đảo và chiến tranh du kích được phát triển rộng khắp.

Bước sang những năm 1957 - 1958, phong trào đấu tranh vũ trang đã lan rộng khắp mọi miền đất nước Cuba, nhiều căn cứ địa mới được thành lập và lực lượng vũ trang cách mạng đã có những đơn vị lớn mạnh.Tháng 11 - 1958, Bộ tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang khởi nghĩa đã ra lệnh tổng công kích trên khắp các mặt trận.

Để chống lại phong trào cách mạng, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1958, Batista tập trung quân đội tiến hành càn quét khu vực căn cứ địa cách mạng đầu não Sierra Maestra. Nhưng cuộc càn quét đã bị thất bại nặng nề, quân của Batista đã bị tiêu diệt và bị loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên, một số lớn bị bắt hoặc bỏ ngũ, đầu hàng quân cách mạng.

Sau thắng lợi to lớn này, nghĩa quân chuyển sang tấn công trên các mặt trận và đã giải phóng nhiều vùng rộng lớn, từ miền đông tới miền trung Cuba. Cuối tháng 12-1958, nghĩa quân chiếm được pháo đài Santa Clara ngay trước cửa ngõ thủ đô La Habana. Trước nguy cơ sụp đổ, ngày 30-12-1958, Batista bỏ chạy ra nước ngoài.

Ngày 1-1-1959, với sự phối hợp chặt chẽ của cuộc tổng bãi công chính trị của công nhân và nhân dân La Habana, nghĩa quân đã tiến vào chiếm lĩnh thủ đô mà không cần phải nổ súng. Chế độ độc tài Batista đã bị lật đổ. Cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân Cuba giành thắng lợi, chấm dứt 5 thế kỷ đô hộ của chủ nghĩa thực dân ngoại bang, giành độc lập cho đất nước.

Fidel nói chuyện buổi đàu tiên khi chiến tháng trở về thủ đô

Vượt qua gian lao, thử thách vững bước theo con đường đã chọn

Ngay sau khi cách mạng thắng lợi, trong vòng chưa đầy 2 năm, Chính phủ cách mạng Cuba do lãnh tụ Fidel Castro đứng đầu đã triệt để thực hiện những cải cách dân chủ: cải cách ruộng đất, quốc hữu hóa các xí nghiệp của tư bản nước ngoài, thực hiện các quyền tự do cho nhân dân...Tháng 4-1961, sau khi đánh bại cuộc xâm lược của 1500 lính đánh thuê do Mỹ chỉ huy đổ bộ vào bãi biển Giron, Chính phủ cách mạng Cuba tuyên bố bắt tay vào tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trên hòn đảo này. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới, Phong trào 26-7, Đảng Xã hội nhân dân Cuba và Ban lãnh đạo Phong trào 13 tháng 3 đã hợp nhất thành ''Tổ chức cách mạng thống nhất'' (26-7-1961) và đến năm 1965 đổi tên thành Đảng Cộng sản Cuba.

Từ đó cho đến đầu thập kỷ 90, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Cuba đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. So với trước cách mạng, sau 30 năm xây dựng và phát triển, sản lượng công nghiệp đường của Cuba tăng 160% (bình quân đạt 8 triệu tấn l năm), cơ khí luyện kim tăng hơn l0 lần, điện lực tăng 7 lần, trọng tải hạm đội thương thuyền tăng hợn 20 lần. Về các mặt văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, Cuba trở thành quốc gia đạt được những thành tựu to lớn ở khu vực Mỹ la tinh.

Từ sau năm 1990, sự tan rã của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Cuba. Vào thời điểm đó, truyền thông phương Tây đã hơn một lần nói đến sự sụp đổ của “quân bài đôminô lẻ loi theo đường lối xô viết ở Tây bán cầu”. Nhưng người ta đã tiên đoán sai, bời vì những người cách mạng Cuba có đường lối độc lập, tự chủ của mình; cách mạng Cuba không phải được du nhập từ bên ngoài, do vậy mặc dù đứng trước những khó khăn, thử thách hết sức to lớn do những biến động trên thế giới gây ra, nhân dân Cuba vẫn quyết tâm đi theo con đường xã hội chủ nghĩa và bảo vệ những thành quả đã đạt được. Ngay từ giữa năm 1989, lãnh tụ Fidel Castro, với tầm nhìn chính trị sáng suốt của mình đã cảnh báo và khẳng định trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 30 năm cuộc tiến công pháo đài Moncada rằng dù cho một ngày nào đó phe xã hội chủ nghĩa và Liên bang Xô viết có thể không còn tồn tại, nhưng kể cả trong trường hợp đó, Cuba vẫn kiên quyết đi theo con đường đã chọn. Và thực tế đã diễn ra đúng như dự doán của nhà lãnh đạo thiên tài, nhân dân Cuba đã vượt qua thời kỳ khó khăn đặc biệt bằng sự quả cảm, kiên cường và tinh thần sáng tạo, chịu đựng hy sinh để đứng vững và tiếp tục phát triển, ngoài ý muốn và sự tưởng tượng của các thế lực cường quyền.

Fidel và Raul vào những năm 80 thế kỷ 20

Vào thời điểm hiện tại, sau khi đạt được những thành tựu khả quan trong việc thực hiên các nghị quyết của của các Đại hội 6 và 7 của Đảng Cộng sản Cuba, thực hiện cập nhất hóa mô hình kinh tế xã hội, mở rộng sản xuất và lưu thông, nhà nước Cuba đang thực hiện song song hai nhiệm vụ tăng cường phát triển kinh tế-xã hội và thúc đẩy công cuộc đổi mới chính trị, cải cách thể chế; nỗ lực hội nhập quốc tế đồng thời nâng cao ý thúc tự chủ, kiên quyết giữ vững chủ quyền dân tộc của mình.

Kết thúc năm 2018, nền kinh tế Cuba đạt mức tăng trưởng trên 1%, trong đó ngành giao thông vận tải và bưu chính viễn thông tăng 5,7 %, sản xuất hàng tiêu dùng 3,7%, thương mại 2%, Y tế 1,3% và văn hóa-thể thao 2,3%. Bộ trưởng Kinh tế Alejandro Gil thừa nhận, tình hình đang còn nhiều khó khăn, phức tạp do việc Mỹ vẫn đơn phương duy trì cuộc bao vây cấm vận đối với Cuba, gây thiệt hại lên tới 12 triệu USD mỗi ngày, trong khi Cuba phải đối mặt với tình trạng khan hiếm vốn cho xây dựng và phát triển, thiếu hụt lương thực đang có nguy cơ gia tăng, cũng như khó khăn trong thanh toán các khoản nợ quốc gia. Dự báo triển vọng trong năm 2019 sắp tới, Cuba sẽ vẫn duy trì được mức tăng trưởng hiện nay và có thể tăng hơn chút ít nhờ vào hoạt động mạnh mẽ, tích cực của các chương trình kinh tế ngắn hạn được bổ sung kịp thời.

Chủ tich Cuba Miguel Diaz-Canel thăm Việt Nam tháng 11-2018

Phát biểu ý kiến tại kỳ họp cuối cùng trong năm 2018 của Quốc hội Cuba, Chủ tich Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba Miguel Díaz-Canel, nêu rõ: Cuộc chiến đấu chủ yếu hiện nay của chúng ta là trên mặt trận kinh tế, vì vậy chúng ta phải dành thời gian và nguồn lực nhiều nhất cho nhiệm vụ này, tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, khắc phục mọi trở ngại để tìm ra giải pháp cho những vấn đề kinh tế - tài chính của đất nước.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội Cuba đã thông qua lần cuối cùng bản Hiến pháp sửa đổi sau khi văn bản sơ thảo đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân và hoàn chỉnh một lần nữa với tinh thần khẳng định quyết tâm thực hiện những điều chỉnh và đổi mới cần thiết nhằm mục đích tiếp tục đưa cách mạng Cuba tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa. Như Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro đã nói: “Hiến pháp mới sẽ tiếp tục khẳng định phương hướng xã hội chủ nghĩa của cách mạng Cuba, tăng cường hoàn thiện nền tảng xã hội mới của đất nước, bảo đảm thực thi công lý và bình đẳng xã hội có sự tham gia rộng lớn của quần chúng nhân dân”. Hiến pháp mới xác định các nền tảng của quốc gia, cơ cấu quyền lực và phạm vi của nó, đồng thời đảm bảo các quyền và nghĩa vụ của mọi công dân. Quốc hội Cuba cũng quyết định đưa ra Trưng cầu Ý dân bằng một cuộc bỏ phiếu kín trực tiếp của toàn thể cử tri với duy nhất một câu hỏi: “Đồng ý hay không đồng ý phê chuẩn bản Hiến pháp này”. Người đi bỏ phiếu chỉ có nhiệm vụ nhận lá phiếu và đánh dấu vào ô “đồng ý” hay “không đồng ý”, sau đó bỏ vào hòm phiếu, thực hiện quyền phúc quyết Hiến pháp của công dân.

Đây là lần thứ hai chính quyền cách mạng Cuba tổ chức Trưng cầu Ý dân về sửa đổi Hiến pháp. Tháng 2 năm 1976, toàn thể cử tri Cuba đã đi bỏ phiếu và 97,7 % số cử tri đã tán thành thông qua bản Hiến pháp hiện hành của đất nước. Ngày nay, với nhận thức cách mạng sâu sắc, người dân Cuba đã tham dự hàng nghìn cuộc hội họp, thảo luân, đóng góp ý kiến vào Hiến pháp mới ở tất cả cá địa phương, cơ quan, trường học, nhà máy, hợp tác xã nông nghiệp, đơn vị bộ đội và cả ở các cơ quan đại diện Cuba ở nước ngoài. Giới quan sát cho rằng Cuba có kinh nghiệm trong việc tổ chức, vận động quần chúng; Ban lãnh đạo Cuba hiểu rõ và tin tưởng vào nhân dân; người dân Cuba luôn có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai của đất nước. Có lý do để tin rằng cuộc Trưng cầu Ý dân trên cả nước vào ngày 24 - 2 - 2019 tới sẽ thành công tốt đẹp, đem lại niềm tin mới, khí thế mới cho nhân dân Cuba trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mình.

Một buổi mit tin quần chúng ủng hộ CM Cuba

Phạm Lợi

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nhan-ky-niem-quoc-khanh-cuba-1-1-1959-60-nam-vuot-qua-moi-kho-khan-kien-tri-vung-buoc-66141