Nhân lên cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật không chỉ dừng ở chính sách hỗ trợ. Đó là nhận định của các đại biểu, doanh nghiệp và người khuyết tật tại Phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật lần thứ I năm 2024 do Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hà Nội tổ chức, ngày 16/4.

Lao động tìm kiếm việc làm tại phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật tại Hà Nội ngày 16/4. Ảnh L.H.

Tìm việc không dễ

Theo thống kê hiện cả nước có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin sẽ là nhân tố quan trọng để người khuyết tật tiếp cận việc làm phù hợp, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin. Đơn cử như tại Điều 43 Luật Người khuyết tật quy định rõ, Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật. Cùng với đó, Quyết định số 1190 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, các hoạt động trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông đó là: Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trợ giúp người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông… Mặc dù vậy, việc tiếp cận công nghệ thông tin cũng như có được việc làm bền vững vẫn là bài toán khó với các lao động là người khuyết tật.

Chị Nguyễn Hoàng Hiệp (Hà Đông, Hà Nội) bị khuyết tật tay chia sẻ, mong muốn có được một công việc ổn định nên chị đã học một khóa về máy tính văn phòng đồng thời cũng học một khóa marketting online để sau có thể xin thuận lợi hơn trong quá trình tìm việc. “Có kỹ năng và nghiệp vụ khá tốt vì vậy tôi cũng dễ xin được một công việc phù hợp. Tuy nhiên vào làm mới thấy có sự phân biệt. Không chỉ được mức lương thấp mà đến chính sách thưởng cũng không công bằng dù doanh số của tôi bằng với lao động khác” - chị Hiệp giãi bày.

Tương tự, anh Nguyễn Hoàng Nam khuyết tật chân (Thanh Oai, Hà Nội) chỉ mong muốn có được công việc ổn định thế nhưng sau mỗi lần chật vật đi xin việc thì anh cũng chỉ làm được từ 6 tháng đến 1 năm là buộc phải nghỉ vì nhiều lý do. “Mỗi lần nghỉ việc như thế không chỉ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bị đứt quãng mà cuộc sống còn bị đảo lộn vì không có thu nhập để trang trải cho sinh hoạt. Với những lao động như chúng tôi quá trình đi tìm việc được ví như hành trình tìm kiếm sự may rủi” - anh Nam chia sẻ.

Theo Ban tổ chức đến tham gia phiên giao dịch việc làm có 11 DN tham gia tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật. Trong đó phần lớn các chỉ tiêu là đào tạo và dạy nghề chỉ có một số ít DN có nhu cầu tuyển dụng với các vị trí như: nghề may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp,…

Cần giải pháp đồng bộ

Trong điều kiện bình thường, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật vốn đã khó khăn, thì đợt dịch Covid-19 vừa qua càng khiến vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật thêm trở ngại. Mất việc làm và hiện nhiều người khuyết tật khó trở lại thị trường lao động, khó tìm cho mình một công việc phù hợp để tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng và góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thống kê của Bộ LĐTBXH cũng cho thấy, hiện nay chỉ có hơn 31% số người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên có việc làm. Bình luận về con số này, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, việc làm cho người khuyết tật lâu nay vẫn là câu chuyện đáng suy ngẫm. Những rào cản tìm kiếm việc làm đối với người khuyết tật có nhiều nhưng tựu chung do suy nghĩ, quan điểm của người sử dụng lao động. Thứ hai do học vấn của người khuyết tật còn thấp trong khi đó hiện nay chúng ta chỉ dạy nghề được cho 20 nghìn lao động khuyết tật. Con số này cho thấy việc đào tạo nghề cho lao động khuyết tật chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, trong thời đại công nghệ số, người khuyết tật phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như việc tiếp cận, chi phí... đặc biệt là các chi phí về công nghệ khá cao nên người khuyết tật bị hạn chế trong việc tiếp cận. “Công nghệ số mang lại nhiều tiện ích nhưng nó cũng có mặt trái, ảnh hưởng đến cuộc sống của người khuyết tật. Để giải quyết những thách thức này, cần có sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị Nhà nước và xã hội” - ông Thanh đề xuất và cho biết thêm, thời gian qua, Nhà nước đã bố trí ngân sách để dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Nhiều người khuyết tật được vay vốn ưu đãi, học nghề, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh... Tuy nhiên, để trợ giúp người khuyết tật không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà rất cần sự tham gia, hỗ trợ của các DN, các tổ chức xã hội.

Để tránh lãng phí nguồn nhân lực này cũng như tạo sự bình đẳng, công bằng trong lĩnh vực việc làm, ông Thanh cho rằng, cần có sự thay đổi, nhất là về chính sách hỗ trợ thúc đẩy nguồn lực lao động là người khuyết tật, đồng thời thay đổi về nhận thức, tư duy của DN và có chính sách bảo đảm tỷ lệ người khuyết tật có việc làm nhiều hơn trong thời gian tới.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhan-len-co-hoi-viec-lam-cho-nguoi-khuyet-tat-10277815.html