Nhân lên những điều tử tế

Những ngày qua, báo chí, mạng xã hội và dư luận liên tục thông tin cũng như thể hiện sự cảm kích đối với anh Nguyễn Ngọc Mạnh (sinh năm 1990; tại xóm 4, thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội) về hành động dũng cảm cứu sống bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân vào ngày 28/2.

Anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, tài xế xe tải quê Đông Anh, Hà Nội) kịp trèo lên mái che sảnh tầng 1 hứng đỡ bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12A tòa nhà 60B Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Không chỉ dư luận quan tâm, người dân tỏ lòng cảm kích mà ngay sau vụ việc xảy ra, các đồng chí: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã gửi thư khen. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã tặng Bằng khen cho anh Nguyễn Ngọc Mạnh.

Hành động của anh Mạnh trong một hoàn cảnh đặc biệt thể hiện tinh thần “nhân văn” với trách nhiệm một con người trước sự nguy hiểm của đồng loại, đặc biệt đó lại là cháu bé. Anh không tính toán! Anh cũng chẳng phải chuyên gia vật lý! Trong hoàn cảnh đó, anh chỉ thực hiện theo mệnh lệnh của trái tim miễn sao tìm nơi để leo lên, đỡ cháu bé không bị ngã xuống đất, đơn giản chỉ thế. Và hành động của anh đã “tái sinh ra cháu bé lần thứ hai”.

Không quản ngại gian khó, thậm chí giám hy sinh bản thân mình để cứu đồng đội, cứu Nhân dân đã trở thành truyền thống, một đạo lý rất đỗi tự hào của dân tộc ta. Xưa trong kháng chiến, có biết bao tấm gương chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để cứu đồng đội. Nào Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng...

Năm ngoái, khi một số tỉnh miền Trung bị thiên tai bão lũ, sạt lở núi đồi, vì cứu dân một số cán bộ, chiến sĩ đã phải hy sinh. Gương 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là ví dụ điển hình.

Ngay trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mỗi khi những hình ảnh các chiến sĩ mặc “Blouse trắng” khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, không quản ngày đêm phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 hầu như không có giờ nghỉ. Khi mệt, trong bộ đồ bảo hộ bê bết mồ hôi, họ tranh thủ tạm nghỉ bất kỳ đâu để lấy lại sức.

Những chiến sĩ biên phòng căng mình chống dịch dưới cái lạnh thấu xương, thấu thịt của những ngày trước và trong Tết Nguyên đán ở miền biên viễn phía Bắc Tổ quốc. Ai trong số chúng ta nhìn những hình ảnh đó cũng xót xa và cảm phục. Họ đã hy sinh bản thân để bảo vệ sự an toàn cho cộng đồng…

Không những thế, trên bình diện xã hội, xung quanh ta còn có biết bao gương sáng đáng để noi theo. Những con người âm thầm làm việc thiện, âm thầm gieo những con chữ cho trẻ em nghèo; những em bé không tiêu đến tiền lì xì mừng tuổi năm mới mà dành để mua đồ học tập cho các bạn vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ.

Nói như vậy để thấy rằng xã hội chúng ta vẫn có rất nhiều điều tốt đẹp, gương điển hình. Chỉ có điều, những sự tốt đẹp vốn như ngọc quý thường ẩn vào trong, còn những điều xấu xa, những tin tức tiêu cực, mặt trái của xã hội lại được phản ánh trên một số các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để câu khách. Bởi vậy, nhân lên những điều tốt đẹp không chỉ mình trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, người dùng mạng xã hội mà quan trọng là mỗi chúng ta.

Ví dụ, chúng ta hay nói những điều có cánh, nhưng trong mùa đại dịch Covid-19 khi cả nước và Thành phố căng mình chống dịch, hệ thống cửa hàng, quán xá phải thực hiện giãn cách, nhưng bản thân vẫn ra quán bia, quán cà phê túm tụm với nhau… thì vô tình đã nhân lên hành động xấu, xa hơn có thể ảnh hưởng đến cộng đồng.

Do đó, để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng những hành động dũng cảm, việc làm tử tế thì mỗi cá nhân chúng ta cũng phải làm những việc tử tế, như thế mới góp phần nhân lên sự tử tế, tính nhân văn cho toàn xã hội. Nói một cách ngắn gọn chúng ta phải cùng nhau làm cái tốt để đẩy lùi cái xấu!

L.Hà

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhan-len-nhung-dieu-tu-te-119846.html