Nhân lực đáp ứng nền kinh tế số

Nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Trong đó, mô hình kinh tế số đang trở thành xu hướng sống động, đòi hỏi các doanh nghiệp và TP Hồ Chí Minh có những thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, thành phố có nguồn lực công nghệ thông tin, số người sử dụng in-tơ-nét cao nhất cả nước. Hiện có khoảng 80% số dân của thành phố sử dụng điện thoại thông minh. Đây là những điều kiện thuận lợi để tạo sức lan tỏa thị trường kinh tế số, giúp thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh: Có bốn nội dung chính để phát triển kinh tế số của Việt Nam hiện nay, đó là: Tạo dựng cơ sở dữ liệu số nhanh hiệu quả; xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp; đổi mới hệ thống giáo dục, dạy nghề để có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trước sự phát triển của kinh tế số; tạo dựng, quản lý dữ liệu mở để doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp, từ thông tin truyền thông, giải trí, giáo dục - đào tạo đến giao thông vận tải, phân phối, bán lẻ… Thế mạnh công nghệ mới cũng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tư nhân giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Chính xu thế này đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Để nắm bắt lợi thế này, các chuyên gia đề xuất, TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung phải xây dựng dữ liệu mở và xem đây là tài sản chung của toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế số.

Ông A.La-pư-ri-e, Giám đốc điều hành Chương trình Dữ liệu mở về Nông nghiệp và Dinh dưỡng toàn cầu Liên hợp quốc cho rằng: Chìa khóa để đổi mới sáng tạo là sử dụng hiệu quả dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Việc tập hợp dữ liệu rất quan trọng. Đây chính là kiến thức, trí tuệ giúp công tác quản lý tốt hơn, vì vậy cần có dữ liệu mở cho tất cả mọi người. Để sử dụng dữ liệu hiệu quả cần kết hợp ba yếu tố: Chính phủ (nơi có và cung cấp dữ liệu), người dân (đối tượng muốn tiếp cận thông tin), khối tư nhân (giúp rút ngắn việc cung cấp dữ liệu).

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế về phát triển kinh tế số hiện nay, Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản đánh giá: Phần thiếu chính là dữ liệu và ứng dụng dữ liệu. Do đó, phải có cách để kết nối, chia sẻ được dữ liệu đến người dân, doanh nghiệp. Khi xây dựng dữ liệu cần ưu tiên một số lĩnh vực trọng tâm, có mục tiêu, lộ trình để người dân sử dụng được các dữ liệu trong công việc của mình. Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Phúc cho rằng: Việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực nhưng một số cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử như: dân cư, đất đai quốc gia, tài chính còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện. Hiện nay, dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Trên thực tế, số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Trong khi đó, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu triển khai chậm. Cũng theo ông Phúc, mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử đang hướng đến Chính phủ số dựa trên ba nền tảng: Người dân là trung tâm, Chính phủ là nền tảng, Dữ liệu là cốt lõi. Để dữ liệu là cốt lõi, công chức dùng dữ liệu cho việc xây dựng chính sách quy hoạch, ra quyết định nhanh, chính xác trên cơ sở dữ liệu; người dân sử dụng dịch vụ công hoàn toàn số; doanh nghiệp phát triển các ứng dụng trên nền tảng kinh tế số…

Đề cập về vấn đề này, ông R.Da-xin-đô, chuyên gia kinh tế Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), phụ trách nghiên cứu lĩnh vực kinh tế số khu vực Đông - Nam Á nhấn mạnh đến việc thay đổi về chính sách đào tạo nhân lực, cũng như các chính sách bảo vệ thông tin, người tiêu dùng… sẽ trở nên cần thiết để Việt Nam phát huy hiệu quả quá trình chuyển đổi số. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho kế hoạch để phát triển việc chuyển đổi kinh tế số trong tương lai tại TP Hồ Chí Minh là rất quan trọng.

Nghiên cứu của Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey (Mỹ) đưa ra dự báo về việc 50% số công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi quy trình tự động hóa trong 15 năm tới. Tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì có lợi thế cạnh tranh về giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước so với mức trung bình của thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/38151602-nhan-luc-dap-ung-nen-kinh-te-so.html