Nhân lực khối KHXH&NV: Yếu và thiếu

Khoa học luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển. Một quốc gia không có khoa học đồng nghĩa với sự đi lùi của một xã hội và cả một dân tộc. Đặc biệt, khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng. Tầm quan trọng của KHXH&VN, cụ thể là nhân lực khối KHXH&NV là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nguồn nhân lực lĩnh vực này lại đang đứng trước một thực trạng đầy thách thức.

Sinh viên khối ngành KHXH&NV tìm hiểu thông tin nghề nghiệp

Nhân lực khối KHGXH&NV vẫn bị xem nhẹ

Theo thạc sĩ Đào Quang Bình - Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ; Những năm trở lại đây, chất lượng đào tạo của sinh viên theo học các nhóm ngành KHXH&NV có nhiều thay đổi tích cực. Các trường đại học có đào tạo nhóm ngành này không ngừng nâng cao chương trình đào tạo, áp dụng các phương pháp giáo dục hiện đại cho phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên, có một thực trạng mà chúng ta phải nhìn nhận, công tác đào tạo, nhân lực nhóm ngành KHXH&NV của ta khá tụt hậu nếu nhìn ra các nước châu Á xung quanh nói riêng và thế giới nói chung. Trong sự yếu kém, tụt hậu ấy thì hoạt động dạy học ở các ngành CH&NV là khá rõ nét khi nhân lực sau khi ra trường khá lúng túng khi tiếp cậnvới các hình thái kinh tế xã hội mới.

TS Lê Thị Mỹ Hà - Trường Đại học KHXH&NV TPHCM (ĐHQG TPHCM) cũng cho rằng; chính việc chưa được xã hội coi trọng về vị trí và vai trò trong xây dựng và kiến tạo xã hội mà nhân lực khối KHXH&NV vẫn có một “khoảng vênh” nhất định trong sự phát triển của nguồn nhân lực.

“Khảo sát thực trạng làm việc của cán bộ nghiên cứu, giảng dạy các ngành KHXH&NV tại TPHCM” do Viện Nghiên cứu Phát triển thực hiện năm 2010 cho thấy: Mức thu nhập từ hoạt động nghề nghiệp của công chức - viên chức nói chung và cán bộ công chức - viên chức làm việc trong lĩnh vực KHXH&NV nói riêng còn ở mức thấp.

Kết quả cho thấy, có đến 81% số người được khảo sát cho rằng, chế độ lương, thù lao của cơ quan sử dụng trả cho họ là thấp và rất thấp so với mức sống ở TPHCM. Kết quả khảo sát đã gần 10 năm, nhưng có thể nói, chế độ lương và thù lao của cán bộ nghiên cứu giảng dạy vẫn không có sự thay đổi đáng kế so với hiện nay. Sự thay đổi đó chỉ được thể hiện qua việc tăng mức lương cơ bản và sự tăng bậc lương theo thời gian công tác” - TS Mỹ Hà nói.

Sinh viên khối ngành KHXH&NV. Ảnh minh họa/ Internet

Nhìn nhận những hạn chế của nguồn nhân lực KHXH&NV vẫn còn khá lớn, và cần có một chiến lược đột phá về các giải pháp nhằm đưa chất lượng nguồn nhân lực KHXH&NV đi lên, GS.TS Đặng Nguyên Anh - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: Kinh nghiệm của các quốc gia Đông Á cho thấy, Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực hội nhập về khoa học thông qua các giải pháp tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển, cải cách và đổi mới cơ chế, nâng cao năng lực đội ngũ khoa học để tích cực tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động hợp tác, nhất là với các cường quốc phát triển.

“Sự tách rời các viện nghiên cứu và các trường đại học là một trong những trở ngại lớn trong sự phát triển và hội nhập của khoa học xã hội và nhân văn hiện nay. Do đó, chúng ta cần sớm có giải pháp đổi mới thiết chế nghiên cứu đào tạo khoa học xã hội Việt Nam, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu với đào tạo, giảng dạy và tiến hành đồng thời ở cả hai hệ thống”- GS.TS Đặng Nguyên Anh nói.

Giải pháp nào để nâng chất nguồn nhân lực KHXH&NV?

Theo GS.TS Đặng Nguyên Anh, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHXH&NV trong giai đoạn tới, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội thì điểm khởi đầu cần làm là cải cách phương thức đào tạo sinh viên, coi trọng giảng dạy bằng phương pháp nghiên cứu của KHXH&NV, cho phép nâng cao hiểu biết và ý thức phương pháp luận của sinh viên, thay vì nhồi nhét kiến thức, học quá nhiều môn học theo kiểu truyền thống hiện nay.

Trong đó, phải xem việc phổ cập tiếng Anh như một ngoại ngữ khoa học quốc tế đối với các nhà khoa học trẻ là mục tiêu quan trọng. Phấn đấu để các cán bộ nghiên cứu và giảng dạy trẻ đều thông thạo tiếng Anh, trực tiếp sử dụng tiếng Anh trong các hội thảo quốc tế cũng như trong trao đổi học thuật với nước ngoài.

Thạc sĩ Đào Quang Bình - Viện Khoa học xã hội vùng Đông Nam Bộ thì cho rằng các đơn vị đào tạo cần phải xem lại chương trình đào tạo KHXH&NV trên cơ sở thiết kế lại phương pháp đào tạo cho sinh viên như cung cấp một nền tảng chung về khoa học xã hội. Từ thiết kế nghiên cứu ban đầu, xây dựng phương pháp tiếp cận tư liệu cho đến nêu ý tưởng vấn đề quan tâm cho sinh viên.

Cách làm này, theo ThS Đào Quang Bình sẽ cho sinh viên một nền tảng cơ bản về kỹ năng làm khoa học và sẽ tiến bộ hơn khi họ có “độ nhạy” xã hội. Ông cũng đánh giá việc đầu tư hệ thống thư viện KHXH&NV chuẩn sẽ là nền móng cho phát triển lâu dài. Vì đây sẽ là nơi gắn kết sinh viên, các nhà nghiên cứu và giáo viên giảng dạy với kiến thức của nhân loại.

“Đầu tư cho thư viện là đầu tư cho tương lai, cần tạo nên một xã hội đọc và giúp cho sinh có một nền tảng kiến thức chuẩn khi bước chân vào làm KHXH&NV. Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều thư viện, nhưng vẫn còn nhiều thư viện phát triển còn manh mún, chưa tạo được sức hút đối với người đọc và những người nghiên cứu” - ThS Bình nói.

Anh Tú

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhan-luc-khoi-khxhnv-yeu-va-thieu-3955265-b.html