Nhân lực ngành công nghệ thông tin thời 4.0: Vừa thừa, vừa thiếu

Đó là nhận định của các đại biểu tham dự Hội thảo 'Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cho sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt', do Bộ Thông tin – Truyền thông tổ chức sáng ngày 14/11, tại TP. Đà Nẵng.

Nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT của Việt Nam ngày càng tăng

Nguồn nhân lực CNTT chưa đáp ứng được nhu cầu của CMCN 4.0

Nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT Việt Nam những năm gần đây tăng đáng kể. Theo thống kê, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT (bao gồm ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số, phần cứng điện tử và dịch vụ CNTT) năm 2017 tăng 16,01% so với năm 2016. Ước tính trong năm 2017, tổng số lao động của ngành công nghiệp CNTT khoảng 922.000 người (tăng 22,5% so với năm 2016).

Việt Nam đã và đang là điểm đến của các công ty đa quốc gia lớn như Samsung, LG, Intel.... Bên cạnh đó, các địa phương của Việt Nam đang hướng đến ứng dụng công nghệ thông minh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đây là yếu tố thúc đẩy ngành công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển, tăng nhu cầu về nhân lực.

Lao động ngành CNTT Việt Nam được đánh giá cao và tiềm năng, lập trình viên Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới - theo HackerRank, năm 2017, sinh viên Việt Nam xếp thứ 34/128 tại kỳ thi lập trình quốc tế ACM/ICPC. Tuy nhiên, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhu cầu của CMCN 4.0.

Trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. Cũng theo báo cáo này, so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines.

Hiện nay, cơ cấu lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp CNTT được phân chia thành 3 nhóm: nhóm nhân lực cao cấp, nhóm lao động có đào tạo, nhóm lao động đào tạo nghề. Trong đó lao động cao cấp có số lượng rất ít, nhân lực qua đào tạo không đáng kể, lao động đào tạo nghề hiện nay rất lớn. CMCN 4.0 sẽ tạo ra sự dịch chuyển mô hình kinh tế từ tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, thay đổi trong các dây chuyền sản xuất nhờ đổi mới công nghệ. Trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Công nghệ thông tin là một trong những ngành tuyển dụng "hot" nhất ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - viện/trường - cơ quan quản lý

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông - ông Phan Tâm, CMCN 4.0 là cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam; giúp các nước đang phát triển nâng cao vị thế khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong cuộc đua này, Việt Nam đang chú trọng phát triển các sản phẩm CNTT thương hiệu Việt, đẩy mạnh thị trường CNTT nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển và xây dựng nguồn nhân lực với năng lực sáng tạo, trí tuệ cao, hướng chuẩn quốc tế.

Để nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu của CMCN 4.0, cần phải có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 3 bên: doanh nghiệp - viện/trường - cơ quan quản lý.

Ông Tâm cho rằng, từ phía các doanh nghiệp công nghiệp CNTT cần đào tạo nâng cao cho nhóm lao động đã qua đào tạo, đào tạo lại và trang bị các kỹ năng, kiến thức cho nhóm lao động đào tạo nghề. Từ phía các cơ sở đào tạo, đào tạo nhân lực CNTT cần gắn kết chặt chẽ với ngành công nghiệp CNTT. Các cơ quan quản lý cần lắng nghe và có những chính sách phù hợp, sát thực tế hỗ trợ cho doanh nghiệp và viện/trường trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực CNTT chưa đạt hiệu quả cao do tính gắn kết giữa doanh nghiệp và các viện/trường còn rất hạn chế.

Theo ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tỉ lệ trường đại học, cao đẳng đào tạo CNTT chiếm 37,5%. Nhu cầu nhân lực CNTT của doanh nghiệp có xu hướng tăng dần, tuy nhiên nguồn nhân lực hiện nay vừa thừa lại vừa thiếu. Chất lượng đầu vào của nhân lực ngành CNTT ngày càng cao, chất lượng đào tạo được nâng lên nhưng năng suất lao động vẫn chưa cao do hạn chế về kỹ năng mềm, ngoại ngữ và thiếu điều kiện thực hành.

Ông Võ Đình Bảy, Trưởng khoa Công nghệ- Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần có sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp công nghiệp CNTT vào xây dựng chương trình đào tạo, tài trợ cho các cuộc thi, học bổng, môi trường cho sinh viên CNTT thực tập, thực hành…, nhà trường cần thực hiện tốt vai trò đào tạo, tư vấn, chuyển giao kết quả nghiên cứu.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhan-luc-nganh-cong-nghe-thong-tin-thoi-40-vua-thua-vua-thieu-111746.html