Nhân lực ngành công nghiệp vật liệu: Giải bài toán thiếu hụt thế nào?

Để phát triển và thúc đẩy đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công phải có ngành công nghiệp đủ mạnh, trong đó nhân lực ngành công nghiệp vật liệu phải phát triển tương xứng.

Nghiên cứu công nghệ Nano ở Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: https://usth.edu.vn

Nghiên cứu công nghệ Nano ở Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: https://usth.edu.vn

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam còn thiếu và yếu.

Nhân lực mỏng và chưa được quan tâm

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết: Công nghệ vật liệu tiên tiến xếp thứ 3/10 công nghệ tiên tiến tiềm năng góp phần thay đổi ngành công nghiệp sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, thời gian qua cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập. Đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết với phát triển khoa học và công nghệ khiến cho có “khoảng trống” lớn trong việc cung và cầu.

“Hiện, số lượng sinh viên đầu vào của ngành công nghiệp vật liệu hàng năm của ĐHQG TPHCM khoảng 800 sinh viên, thạc sĩ khoảng 25 - 40 học viên và chương trình tiến sĩ là 8 -10 nghiên cứu sinh. Như vậy, so với nhu cầu nguồn nhân lực về ngành công nghiệp vật liệu ở khu vực phía Nam, qui mô đào tạo hiện nay ở các trường thành viên ĐHQG TPHCM còn khá ít. Trong đó, nhân lực thuộc các nhánh vật liệu mới như kim loại và hợp kim, composite tiên tiến, vật liệu hiếm và polyme sinh học... còn khan hiếm” - PGS.TS Hải Quân nói.

Số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chỉ rõ cả nước hiện có khoảng 51,2% nhân lực làm công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đang làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học, tương đương gần 90.000 người. Các chính sách khuyến khích sự hình thành và phát triển của các nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học được kỳ vọng sẽ thúc đẩy được hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đối với số lượng lớn các nhà khoa học có trình độ cao nói chung và trong lĩnh vực công nghệ vật liệu nói riêng.

Tuy nhiên, theo TS Trần Tuấn Anh - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thực tế hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, xây dựng đội ngũ nhân lực vẫn chưa như kỳ vọng. Công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa gắn kết chặt chẽ với phát triển khoa học và công nghệ. Cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vật liệu nói riêng còn nhiều bất cập.

PGS.TS Đoàn Đình Phương - Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Thực trạng chung của Việt Nam là lực lượng cán bộ nghiên cứu mỏng và được đầu tư thấp. Sự yếu kém trên xuất phát từ cơ chế quản lý mang tính kiểm soát cơ học không phù hợp với lĩnh vực khoa học công nghệ, thiếu tính kiến tạo, công nghiệp không thực sự chia sẻ, thiếu tin tưởng đặt hàng cho các cơ sở nghiên cứu. Mặt khác, chiến lược quốc gia được đề ra khá tốt nhưng thiếu đầu tư, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, thiếu kiểm tra, đánh giá, sơ kết, điều chỉnh cho phù hợp và kịp thời.

Công nghiệp vật liệu mới sẽ xuất hiện nhiều ở tương lai.

Giải pháp nào tháo gỡ?

Thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, tổng chi quốc gia đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT) lĩnh vực công nghệ vật liệu năm 2017 là 26.368 tỷ đồng, bằng 0,52% GDP. Tỉ lệ chi cho NC&PT liên tục tăng ổn định từ 0,19% GDP năm 2011, 0,37% GDP năm 2013, 0,44% GDP năm 2015 đến 0,52% GDP năm 2017 nhờ có sự gia tăng mạnh mẽ đầu tư từ khối doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn. Về chính sách đào tạo nhân lực, Nhà nước có chương trình học bổng (322, 911) tuy nhiên tỉ lệ người học về nước rất thấp cũng như khả năng hòa nhập còn nhiều hạn chế.

Vì vậy, theo PGS.TS Phan Bách Thắng - Giám đốc Trung tâm INOMAR (ĐHQG TPHCM), Nhà nước cần có chương trình cụ thể hỗ trợ về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ... để đón nhân tài về nước. Bên cạnh đó, Nhà nước nên thay đổi quy chế đào tạo sau đại học theo hướng hỗ trợ, thu hút người học giỏi tham gia các chương trình trong nước: Điều kiện đầu vào tốt nghiệp, điều kiện thực hiện nghiên cứu, đãi ngộ tương xứng...

“Hợp tác giai đoạn mới là hợp tác win-win nên nhà nước cần có chính sách cụ thể và kinh phí tương ứng để các chương trình hợp tác đi vào chiều sâu: Triển khai hợp tác, mời các chuyên gia quốc tế đến làm việc dài hạn tại Việt Nam. Nhà nước cần có chính sách, cơ chế và đầu tư kinh phí cụ thể để xây dựng các trung tâm xuất sắc tại Việt Nam nhằm tạo ra các sản phẩm đào tạo, KH&CN liên ngành đáp ứng yêu cầu của xã hội” - PGS.TS Phan Bách Thắng nói.

Tiến sĩ Kon Yohichi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Công ty Cổ phần Hóa học Kim loại Tokyo, Nhật Bản cho rằng: Để phát triển công nghiệp vật liệu, có thể đưa công nghệ kỹ thuật từ các quốc gia xuất khẩu cơ sở hạ tầng vào Việt Nam. Cùng với đó chọn các công ty Việt Nam có sức cạnh tranh cao trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật tiên tiến để sản xuất và đưa ra thị trường và được hưởng chế độ đặc biệt.

Muốn xây dựng được lực lượng lao động chất lượng trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu cần có sự hỗ trợ của nhà nước như: Miễn, giảm thuế hoặc trợ cấp vốn cho các doanh nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu; hỗ trợ các doanh nghiệp có khả năng về cung cấp kỹ thuật, đào tạo lao động, điểm bán hàng, vốn đầu tư…

Chúng ta cần chủ động đào tạo và xuất khẩu lao động khoa học công nghệ. Việc này cần được xem là sự chuẩn bị nhân lực khoa học công nghệ cho nên cần chú trọng tới những lĩnh vực công nghệ trong tương lai Việt Nam cần, ưu tiên phát triển. Có chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân tài thích đáng nhằm thu hút được nhân lực giỏi và giữ được họ làm việc lâu dài. Tăng cường cơ chế đặt hàng để kích thích những người giỏi cống hiến. Đặc biệt, công tác đào tạo nhân lực cần có tính kế thừa, quy hoạch, bảo đảm có đội ngũ kế cận giỏi. - PGS.TS Đoàn Đình Phương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nhan-luc-nganh-cong-nghiep-vat-lieu-giai-bai-toan-thieu-hut-the-nao-JHjvf1XMg.html