Nhân lực ngành Thủy sản: Đào tạo nhiều, chất lượng chưa theo kịp

Thủy sản là một trong những ngành sản xuất nông nghiệp hiện có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản xuất thủy sản, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Thủy sản cũng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực mang lại nguồn ngoại tệ lớn.

Vì vậy, ngành thủy sản là một trong những ngành trọng điểm được Nhà nước ta chú trọng đầu tư. Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU…

Nhu cầu đào tạo nhân lực ngành thủy sản đang tăng mạnh

Đến cuối tháng 10/2016, sản lượng xuất khẩu thủy sản Việt Nam ước đạt 5,7 tỷ USD tăng 5,9% so với cùng kì năm ngoái (tương đương 3,8 triệu tấn thủy sản). Cả nước hiện có hơn 5 triệu người lao động trong ngành thủy sản, hoạt động kinh tế trên biển và ven biển. Đó là chưa kể có trên 4 triệu người lao động ở thị trường thủy sản nước ngọt trong nước.

Đến nay, cả nước có hơn 50 trường ĐH và CĐ chuyên đào tạo, hoặc có đào tạo ngành nghề liên quan đến ngành Nuôi trồng và Chế biến Thủy sản. Ngoài ra, hệ thống các trường dạy nghề cũng phát triển với hơn 300 trường CĐ, TCCN, chưa kể hàng ngàn cơ sở đào tạo nghề Chế biến Thủy sản. Một số trường nổi tiếng về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Thủy sản: Học viện Nông nghiệp VN; ĐH Nông Lâm TP HCM; ĐH Nha Trang (tiền thân là ĐH Thủy sản Nha Trang); ĐH Nông Lâm Huế; khoa Thủy sản – ĐH Cần Thơ…

Riêng 4 trường này, mỗi năm gần đây cung cấp cho thị trường khoảng 7.000 kỹ sư, cử nhân hệ ĐH chính quy ngành thủy sản, tập trung chủ yếu cho 2 chuyên ngành: Nuôi trồng Thủy sản và Chế biến Thủy sản. Chưa kể còn hàng ngàn lao động đã qua đào tạo ngành Thủy sản ở các hệ CĐ, TCCN, hệ vừa làm vừa học, liên thông, liên kết. Ngoài ra là hàng trăm ngàn lao động học nghề ngắn hạn của thị trường thủy sản…

Một số nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể sánh ngang với các nhà máy tiên tiến nhất của thế giới. Trước những tiềm năng to lớn đó, nhu cầu nguồn nhân lực thủy sản là vô cùng to lớn cả về số lượng và khắt khe về chất lượng.

Kết quả khảo sát gần đây cho thấy: Không ít nhà máy, cơ sở chế biến Nông, Lâm, Thủy sản có hơn 60% số người lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Riêng các cơ sở chế biến thuộc khối dân doanh của các ngành Chế biến Thủy sản có đến khoảng 80% số lao động không được đào tạo, mà chỉ học các lớp bồi dưỡng ngắn ngày do các cơ sở đào tạo hoặc doanh nghiệp tự tổ chức.

Về phía những người sử dụng lao động: Có từ 30% - 55% số chủ cơ sở chế biến thủy sản là không có chuyên môn kỹ thuật và 40% - 75% hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật.

Cần tăng cường hợp tác và “tự cứu mình”

Nhiều công ty, doanh nghiệp chế biến thủy sản phải tự “cứu mình”. Giám đốc công ty tư nhân chế biến thủy sản H. N cho biết: Mối quan tâm hàng đầu thường xuyên của đơn vị là đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động hàng năm. Không quan tâm đến tay nghề cho người lao động sao được, khi công ty chuyên xuất hàng sang châu Âu, Nhật Bản và Mỹ, mà vấn đề vệ sinh lao động, tiêu chuẩn HACCP là yếu tố đặc biệt quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Tài - thôn Quý Hải, xã Long Hải, một tài công có kinh nghiệm lâu năm trên tàu hành nghề câu khơi ở vùng biển Trường Sa, nhà giàn DK - bộc bạch: Tàu của tôi có 15 lao động, nhưng không có ai học hết lớp 9. Mỗi chuyến biển đi cả tháng, đối mặt với thiên nhiên nhiều thách thức thì cần người có kinh nghiệm là chủ yếu.

Ông Nguyễn Hùng Hoàng - Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng, TP Phan Thiết - cho biếtao động biển của phường ở độ tuổi từ 35 - 45 chiếm số đông, có thời gian đi biển trên dưới 10 năm, chỉ có một số ít là học hết lớp 9, còn lại hầu hết chưa học hết tiểu học. Bởi, theo họ, không đi học thì vẫn làm biển được và vẫn có thu nhập.

Việc đào tạo nâng cao trình độ kiến thức về pháp luật hàng hải, nghiệp vụ đi biển, sử dụng máy móc cho đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng và một bộ phận lao động nòng cốt là rất cần thiết. Theo các nhà quản lý, với điều kiện hiện nay thì cố gắng đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng có trình độ trung cấp trở lên. Cùng với kinh nghiệm đi biển được tích lũy, họ sẽ có đủ điều kiện và năng lực để điều khiển phương tiện khai thác một cách hiệu quả. Còn đối với thuyền viên thì phải có trình độ công nhân kỹ thuật chuyên nghiệp.

Được biết hiện nay, Khoa Thủy sản – ĐH Cần Thơ đang dẫn đầu cả nước về số lượng sinh viên hệ ĐH chính quy đang theo học: 1.536 người. Các ngành nghề đào tạo: Nuôi trồng Thủy sản; Bệnh học thủy sản; Quản lý nghề cá; Kinh tế thủy sản; Chế biến thủy sản; Sinh học biển.

Tại Khoa Thủy sản – ĐH Nông Lâm TP HCM năm 2013 tuyển 445 SV; năm 2014 tuyển 235 SV, năm 2015 tuyển 286 SV và năm 2016 tuyển 195 SV. Gần 70% theo học ngành Nuôi trồng Thủy sản. Số lượng đầu vào đang có xu hướng giảm dần. Nói cách khác, ngành thủy sản chưa thật sự thu hút nhiều thí sinh theo học.

Tuy nhiên, số lượng người theo học khối ngành nông-lâm-ngư nghiệp lại chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ có 4% so với tỷ lệ 43% ở khối ngành kinh tế-dịch vụ-quản lý và 25% ở khối ngành công nghiệp-xây dựng.

Việc cải tiến chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp, mang nhiều tính ứng dụng là một nhu cầu của Khoa và cũng là nhu cầu của thế giới nghề nghiệp. Với việc đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội, việc cải tiến chương trình theo hướng ứng dụng sẽ được hỗ trợ tốt từ các cơ sở thực tập tại Trường cũng như tại các cơ sở sản xuất kinh doanh của các cựu sinh viên Khoa Thủy sản.

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), lực lượng lao động có bằng cấp trong khai thác hải sản hiện nay thiếu trầm trọng ở nhiều tỉnh ven biển có nghề cá phát triển. Với xu hướng tất yếu, tàu khai thác ngày càng lớn, trang bị hiện đại, nhất là tàu vỏ thép và vật liệu mới, rất cần lao động được đào tạo bài bản để vận hành, điều khiển hiệu quả. Thế nhưng, nơi duy nhất đào tạo và cung cấp đội ngũ này là Trường ĐH Nha Trang đã không còn đào tạo kỹ sư khai thác thủy sản. Đây đang là vấn đề gây băn khoăn với những ai quan tâm đến nghề cá.

Nhà nước đã khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, tàu vật liệu mới mà lại để thiếu hụt kỹ sư khai thác thủy sản là bất cập lớn. Hơn hết, khai thác hải sản cần phải đi vào chiều sâu, cần những kỹ thuật hiện đại. Trong khi nguồn lợi hải sản ở các vùng biển xa có dấu hiệu suy giảm, lại càng rất cần những kỹ sư khai thác thủy sản để đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi hiệu quả.

Việc tổ chức các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng gặp khó khăn vì nhiều nguyên nhân. Người lao động chỉ mong bám biển quanh năm chứ không muốn đi học, họ cho rằng nghề này không cần nhiều đến sách vở. Nhiều khi đến lớp, ngư dân học tập theo kiểu đối phó, mong có bằng cấp hơn là học để thu nạp kiến thức, làm phong phú hơn thực tiễn sản xuất. Trong khi đó, theo phản ánh của ngư dân, việc đào tạo nặng về lý thuyết, quá khô cứng và thiếu thực hành nên ngư dân không mặn mà.

Quyết định Thủ tướng Chính phủ số 1690/QĐ-TTg, ngày 16/9/2010 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020:

- Kinh tế thủy sản đóng góp 30 - 35% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành thủy sản từ 8 - 10%/năm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8 - 9 tỷ USD. Tổng sản lượng thủy sản đạt 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 65 - 70% tổng sản lượng.

- Tạo việc làm cho 5,0 triệu lao động nghề cá có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần so với hiện nay; trên 40% tổng số lao động nghề cá qua đào tạo. Xây dựng các làng cá ven biển, hải đảo thành các cộng đồng dân cư giàu truyền thống tương thân, tương ái, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/nhan-luc-nganh-thuy-san-dao-tao-nhieu-chat-luong-chua-theo-kip-2832217-c.html