Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Tâm huyết với chữ Tày cổ

Đến xã Trung Thành, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) hỏi thầy Lường Đức Chôm, ai cũng biết không phải vì thầy là Nhà giáo Nhân dân mà đơn giản là người Thầy có công gìn giữ chữ Tày cổ.

Xã Trung Thành có khoảng 80% dân số là người dân tộc Tày. Những năm trước đây ở mảnh đất nghèo khó này, trẻ em đã quen với lấm lem bùn đất hơn là việc cắp sách tới trường, quen cầm cục đá ném tổ chim hơn là cầm cây bút,... Ngay các bậc phụ huynh cũng ít người ý thức được tầm quan trọng của việc học chữ, nên chẳng có mấy nhà định hướng cho con cái theo học đến nơi đến chốn. Để vận động con trẻ bám lớp bám trường, các thầy cô giáo nơi đây đã vượt dốc, băng đèo đến từng nhà thuyết phục phụ huynh và học sinh, không kể mưa rừng hay sương núi…

Nhọc nhằn là vậy, nhưng với tâm huyết, thầy Chôm đã tự nguyện mở lớp dạy chữ Tày cho người dân trong vùng. Là người Tày - Đà Bắc, thầy luôn tâm niệm: Người Tày phải biết tiếng Tày, không biết thì phải học, người đã biết phải dạy cho người chưa biết để cùng nhau xây dựng một cộng đồng dân tộc Tày đoàn kết và đậm đà bản sắc văn hóa. 15 năm dạy học, thầy giáo Lường Đức Chôm đã dồn nhiều tâm huyết vào việc tìm hiểu văn hóa dân tộc Tày. Thầy vẫn thường nói: Học chữ là học làm người, có hiểu được văn hóa dân tộc mới có thể giữ gìn và phát huy hiệu quả những giá trị cao quý của văn hóa dân tộc. 15 năm dạy học của thầy Chôm đồng nghĩa với 15 năm miệt mài nghiên cứu và biên soạn bộ giáo trình dạy chữ Tày.

Năm 2006, với vốn kiến thức của mình, thầy Chôm bắt đầu dạy chữ Tày cổ cho những học sinh trong xã. Bằng sự khéo léo lồng việc dạy tiếng Tày vào những tiết học của môn tiếng Việt, kết hợp “dạy chữ” với “dạy đạo” để truyền dẫn cho các thế hệ học trò của mình ý thức về cội nguồn và văn hóa truyền thống. Đến nay, lớp thầy đã có gần 100 học sinh nhận chứng chỉ biết đọc và viết chữ Tày do Bộ Giáo dục và đào tạo cấp. Thầy cho biết: Năm 2010, hai khóa ở xã tôi đã bế giảng, trao chứng chỉ cho 32 học sinh biết đọc và biết viết chữ Tày cổ. Đặc biệt, vừa qua, thầy cũng đã hoàn thành 3 khóa dạy chữ Tày cổ ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hòa Bình. Thầy Chôm còn mở lớp tình nguyện không thu một đồng kinh phí, mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn.

Em Lương Thị Thu Hằng, ở xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cho biết: Là người Tày, trước kia chỉ biết nói tiếng Tày chứ không biết đọc và viết chữ Tày. Tháng 4 vừa rồi, em có theo học khóa dạy chữ Tày cổ của thầy Chôm. Với kinh nghiệm giảng dạy của thầy, chỉ trong thời gian ngắn em đã biết đọc và viết chữ Tày cổ. Ước mơ của em là muốn trở thành cô giáo để truyền lại những những kiến thức đã học cho thế hệ học sinh sau này biết được bản sắc và truyền thống văn hóa Tày.

Thầy Chôm ước sao sau này mỗi gia đình ở quê hương Đà Bắc đều có một máy tính nối mạng Internet, người Tày sẽ thường xuyên trao đổi thông tin trên mạng, trong đó sẽ sử dụng chữ Tày như là một trong những phương tiện ngôn ngữ được sử dụng thường xuyên và hiệu quả./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=490994&co_id=30085