Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam (27-2): Kỳ tích của những 'chiến binh áo trắng'

Không chỉ làm công tác chuyên môn, những y bác sĩ tham gia chống dịch tại các cơ sở y tế còn phải tất bật với nhiều công việc không tên khác. Họ còn phải kiêm thêm nhiệm vụ 'bảo mẫu', 'giúp việc' cho các trường hợp nghi ngờ.

Không chỉ làm công tác chuyên môn, những y bác sĩ tham gia chống dịch tại các cơ sở y tế còn phải tất bật với nhiều công việc không tên khác. Họ còn phải kiêm thêm nhiệm vụ “bảo mẫu”, “giúp việc” cho các trường hợp nghi ngờ.

Hơn 1 tháng tích cực tham gia cuộc chiến chống dịch Covid-19, những y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế có lẽ đã thấm mệt... Tuy nhiên, với tinh thần đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, họ vẫn ngày đêm ở khu vực tuyến đầu trên mặt trận chống dịch Covid-19 để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và du khách gần xa.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ động viên, chia sẻ với những y bác sĩ trực tiếp làm công tác chống dịch Covid-19 tại BV Phổi Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ động viên, chia sẻ với những y bác sĩ trực tiếp làm công tác chống dịch Covid-19 tại BV Phổi Đà Nẵng.

* "Lãnh đạo, cán bộ nhân viên ngành y tế thành phố, những y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y tế đã nỗ lực hết sức, có trách nhiệm rất cao và luôn tận tụy, không quản ngày đêm, sẵn sàng chấp nhận điều kiện cực nhọc nhất để giúp thành phố chặn đứng khả năng xuất hiện và lây lan của dịch bệnh. Những y bác sĩ, những cán bộ, nhân viên ngành y tế hãy tiếp tục sát cánh cùng thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19"

- Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ

Những người ở “tiền tuyến” chống dịch Covid-19

Từ khi bước vào “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, nhiều y bác sĩ, cán bộ, nhân viên ngành y tế TP Đà Nẵng đã phải gửi con nhỏ nhờ người thân, hàng xóm trông giúp để bản thân chủ động bám trụ tại bệnh viện, các cửa khẩu quốc tế, những khu vực nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm và động viên những trường hợp nghi ngờ…

Tư lệnh ngành Y tế TP Đà Nẵng – Bs.Ck 2 Ngô Thị Kim Yến chia sẻ: “Trong đợt phòng chống dịch Covid-19, từng tập thể, cá nhân trong ngành y thành phố đã thể hiện rất rõ sự nhiệt huyết, trách nhiệm. Không một cá nhân nào nề hà hay than phiền, tất cả làm việc trên tinh thần hết mình cả ngày lẫn đêm cũng như lễ Tết. Nhiều trường hợp sau ít phút nhận điện thoại chỉ đạo của lãnh đạo Sở Y tế đã có mặt tại hiện trường để xử lý sự việc. Tất cả những việc làm đó đã giúp cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP Đà Nẵng được kịp thời, xuyên suốt và bước đầu có kết quả tích cực… Có thể nói rằng, chưa bao giờ đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế được huy động và tập trung cao độ như trong giai đoạn hiện nay…”.

Không chỉ làm công tác chuyên môn, những y bác sĩ tham gia chống dịch tại các cơ sở y tế còn tất bật với nhiều công việc không tên khác. Họ còn phải kiêm thêm nhiệm vụ “bảo mẫu”, “giúp việc” cho các trường hợp nghi ngờ. Từng hộp cơm, từng chai nước thậm chí là những vật dụng cá nhân như kem đánh răng, giấy vệ sinh, bàn chải, sữa tắm… của các trường hợp nghi ngờ được cách ly, theo dõi tại các bệnh viện đều do y bác sĩ, nhân viên y tế phục vụ, mua giúp…

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định: “Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của thành phố, các cấp ngành, nhất là ngành Y tế nên đến thời điểm hiện tại trên địa bàn thành phố vẫn chưa có trường hợp nào nhiễm Covid-19. Trong lúc khó khăn này mới thấy rằng, trách nhiệm của từng y bác sỹ, nhân viên của ngành y tế đối với việc chăm sóc sức khỏe của người dân…. Lãnh đạo thành phố rất chân thành cảm ơn ngành y tế nói chung, các đơn vị trực thuộc, các y bác sỹ nói riêng đã không quản ngại ngày đêm, khó khăn, gian khổ góp phần rất quan trọng trong việc ngăn ngừa dịch Covid-19 phát triển trên địa bàn thành phố”.

Giấc ngủ chập chờn

Cũng trong hơn 1 tháng qua, điện thoại của Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng; Giám đốc và Phó Giám Sở Y tế TP Đà Nẵng, Giám đốc các bệnh viện trực tiếp thu dung, cách ly điều trị những trường hợp nghi ngờ chẳng mấy khi được “nghỉ ngơi”.

Có những lúc 1-2 giờ sáng thậm chí 3-4 giờ sáng, khi chuẩn bị chợp mắt lấy chút sức lực cho cuộc chiến chống dịch vẫn đang còn phía trước, chuông điện thoại reo lên, họ lại bật dậy để nghe sự chỉ đạo từ cấp trên, nghe báo cáo từ cấp dưới rồi tức tốc chạy đến hiện trường…Giải quyết xong công việc, trời cũng vừa hừng sáng. Vậy là, họ lại tiếp tục bắt đầu công việc của ngày mới. Và hầu hết với những người này, trong hơn 1 tháng qua chưa có được một giấc ngủ sâu.

Với những y bác sĩ trực tiếp theo dõi, thăm khám cho những trường hợp cách ly do nghi ngờ nhiễm Covid-19; những cán bộ, nhân viên ngành y tế làm nhiệm vụ giám sát tại các cửa khẩu, tổ chức điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm càng không thể có được một giấc ngủ đúng nghĩa. Bởi những trường hợp nghi ngờ không xuất hiện cùng một lúc mà có trường hợp vào ban ngày, có trường hợp vào lúc giữa đêm. Mỗi ngày bác sĩ cùng y tá phải khám cho từng bệnh nhân 3 -4 lần, nếu có vấn đề đặc biệt như suy hô hấp thì khám nhiều hơn. Ngoài việc khám bệnh và theo dõi, y bác sĩ còn phải giải thích cho họ vô số vấn đề thắc mắc, như bao giờ có kết quả xét nghiệm, bao giờ ra viện, tình trạng của họ liệu có nguy hiểm hay không...

Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn chưa có hồi kết, điều này đồng nghĩa việc các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế TP Đà Nẵng vẫn phải tiếp tục ngày đêm căng mình chống dịch. Họ vẫn phải tiếp tục để gia đình ở phía sau lưng, tiếp bước lên tiền tuyến để đương đầu với vô vàn sự khó khăn, gian khổ và hiểm nguy. Sự mệt mỏi, sự thiếu ngủ đã hiện rõ trên khuôn mặt của những người trực tiếp chống dịch Covid-19 nhưng không vì thế mà họ dừng bước.

Bác sĩ Phan Thị Thanh Thủy (thứ 2, bìa phải) được Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch.

Những người ở “hậu phương”

Bất kể thời điểm nào, các y bác sĩ tại Trung tâm cấp cứu 115 TP Đà Nẵng vẫn luôn tỉnh táo dõi theo những cuộc điện thoại cấp cứu từ người bị nạn, sẵn sàng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế kịp thời trong khoảng thời gian ngắn nhất. Bác sĩ (BS) Phan Thị Thanh Thủy (39 tuổi), với kinh nghiệm nhiều năm trực cấp cứu 115 chính là người hiểu rõ và nếm trải những câu chuyện vui buồn, sự vất vả của một nghề tưởng chừng như rất đỗi thầm lặng này.

Chúng tôi gặp BS Thủy khi chị đang làm nhiệm vụ trưởng ca trực cấp cứu 115 trong ngày. Trong trang phục áo blouse trắng, chị cùng đội ngũ các nhân viên chuyên môn cần mẫn trao đổi công việc và ghi chép nhật ký cẩn thận những ca cấp cứu mới diễn ra cách đó không lâu. Chúng tôi đưa bước đến gần bàn làm việc của chị thì cũng ngay lúc này tiếng chuông điện thoại tại bàn trực cũng tức thì vang lên.

BS Thủy bắt máy: “Alo, cấp cứu 115 xin nghe”! Ở đầu giây bên kia, một giọng nữ hớt hải, nói như run: “Ở địa chỉ 146 Trần Cao Vân (Q. Thanh Khê) có trường hợp nạn nhân nam 30 tuổi bị té ngã ngay trong nhà, tình trạng rất khẩn cấp, yêu cầu 1 xe cứu thương nhanh chóng ứng cứu người bị nạn”. Cuộc gọi vừa dứt, chị thông báo cho 1 y sĩ và 1 điều dưỡng nữ bàn bên cạnh, lập tức mang theo các trang thiết bị y tế chuyên dụng, cùng 1 nam lái xe nhanh chóng triển khai đội hình xuất phát. Thao tác nhanh gọn, xử lý quyết đoán của BS Thủy từ thời điểm vừa ngắt cuộc gọi đến lúc xe cứu thương di chuyển ra khỏi cơ quan chỉ vỏn vẹn trong khoảng thời gian 1 phút.

BS Thủy chia sẻ: “Nếu chúng tôi chỉ chậm trễ sơ cấp cứu cho nạn nhân trong khoảng thời gian dù chỉ 1 phút thì cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bị nạn ngay tức thì”. Theo chị, mỗi ngày tại Trung tâm cấp cứu 115 tiếp nhận hàng chục cuộc điện thoại, trong đó có trên 25 ca cấp cứu. Đặc biệt, còn có những cuộc điện thoại gọi đến chỉ với mục đích… trêu đùa.

Chị nhớ lại vào khoảng thời gian giữa năm 2019, chị nhận được cuộc gọi từ một người tên N.V.Q (trú tại đường Thanh Vinh, Q. Liên Chiểu) báo về trường hợp vợ mình là chị T.T.N đang chuyển bụng, sắp sinh non em bé khoảng 5 tháng tuổi tại nhà. Sau cuộc điện thoại, nhận thấy đây là một trường hợp nguy cấp, BS Thủy nhanh chóng lên xe cấp cứu có mặt tại nhà chị N. Qua nhận định, chị nhận thấy em bé trong bụng của chị N. không phải chỉ 5 tháng tuổi mà là trường hợp đã “đủ tháng, đủ ngày”, có thể sinh tự nhiên. Tuy nhiên, chị N. đang quá trình chuyển bụng rất khó sinh. Lúc này, BS Thủy nhanh chóng quyết định trực tiếp đỡ đẻ cho chị N. ngay tại nhà, giúp cả mẹ và con an toàn.

Đánh giá về đồng nghiệp của mình, BS Trần Công Thông – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TP Đà Nẵng chia sẻ, chị Phan Thị Thanh Thủy là một trong những bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn rất vững vàng tại Trung tâm, luôn nhiệt tình, sẵn sàng đáp ứng được áp lực cao trong công việc. Trong sinh hoạt tại cơ quan, bác sĩ luôn đoàn kết, hòa đồng với đồng nghiệp, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt mới đây, với những đóng góp xuất sắc trong công tác chủ động, tích cực phòng chống dịch do virus Corona gây ra, BS Thủy cùng với 7 cá nhân khác vinh dự được Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khen thưởng.

L.HÙNG-N.QUỐC

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_220872_nhan-ngay-thay-thuoc-viet-nam-27-2-ky-tich-cua-nhu.aspx