Nhan nhản mua bán hóa đơn

Mặc dù nhiều vụ mua bán hóa đơn đã bị cơ quan điều tra khởi tố, nhưng dường như chưa có giải pháp 'đặc trị' tình trạng này.

Công khai bán hóa đơn

“Em nhận xuất hóa đơn VAT, phí hợp lý. Có báo cáo thuế đầy đủ, có link tra cứu, quét được mã QR, bảo hành hợp đồng vĩnh viễn”. “Bên mình là phòng vé có đủ hóa đơn vé máy bay, khách sạn, tour, phí vé máy bay 3%-4%, khách sạn 7%-8%, tour 8%-10%”… Đó là một vài thông tin trong hàng ngàn rao vặt xuất hiện khi gõ từ khóa “mua bán hóa đơn” trên công cụ tìm kiếm Google. Từ thông tin trên một website được thiết kế công phu về mua bán hóa đơn, chúng tôi liên hệ một người tên là T.M., chủ trang web. Người này khẳng định, có thể xuất hóa đơn điện tử số lượng không giới hạn mà không cần phải có giao dịch thực tế nào. Chi phí báo giá xuất hóa đơn như sau: dưới 10 triệu đồng là 400.000 đồng, dưới 20 triệu đồng là 700.000 đồng; nếu trên 20 triệu đồng sẽ thu phí 4%, xuất nhiều thì được giảm phí.

Thanh toán điện tử tại cửa hàng thực phẩm quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thanh toán điện tử tại cửa hàng thực phẩm quận 5, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Qua ghi nhận, có tới hàng trăm trang mạng đang hoạt động mua bán hóa đơn rầm rộ, mỗi trang có tới hàng chục ngàn thành viên. Chưa dừng tại đó, việc tin nhắn chào mời mua bán hóa đơn còn được gửi thẳng đến các số điện thoại. Chị T.T.P.L., chủ một doanh nghiệp ở TPHCM, cho biết, tháng nào công ty cũng phải mua hóa đơn để quyết toán, do nhiều khoản chi phí không có hóa đơn đầu vào (thường chiếm đến 20%-30% chi phí sản xuất).

Chế tài chưa đủ mạnh

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã rất tích cực trong việc truy quét, triệt phá các ổ buôn bán giả mạo hóa đơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vụ việc cũ chưa “nguôi ngoai” thì lại phát hiện những vụ mới.

Ngày 5-5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố một số bị can để điều tra hành vi “in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn”. Lực lượng chức năng đã khám xét 9 địa điểm trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, tạm giữ 70 con dấu của doanh nghiệp và số lượng lớn hóa đơn, chứng từ ghi khống nội dung, trị giá. Các đối tượng khai nhận, từ năm 2018 đến nay đã sử dụng thông tin chứng minh nhân dân của người thân và mua ở các tiệm cầm đồ để thành lập 49 công ty ma tại TPHCM, 10 công ty ma tại Đồng Nai. Sau đó, nhóm này lên mạng tìm khách hàng, chào bán hóa đơn giá trị gia tăng, ghi khống nội dung với mức giá thỏa thuận 1,5%-2% giá trị hóa đơn chưa thuế. Điều tra ban đầu cho thấy, các công ty đã xuất khống hơn 20.000 hóa đơn cho gần 4.000 công ty khác nhau ở 35 tỉnh thành.

Trước đó, ngày 2-5, giám đốc một công ty có trụ sở ở quận 12, TPHCM đã bị Công an TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) khởi tố, bắt tạm giam về cùng hành vi kể trên. Người này khai được thuê làm giám đốc với mức lương 12 triệu đồng/tháng và được yêu cầu ký khống 27 hóa đơn giá trị gia tăng, giúp cho một doanh nghiệp trốn thuế hơn 3,7 tỷ đồng. Hoặc ngày 28-4, Công an tỉnh Lai Châu thông tin triệt phá một đường dây mua bán trái phép hóa đơn, đã xuất hóa đơn khống cho hơn 20 công ty ở khắp các tỉnh thành, với giá trị hàng hóa hơn 700 tỷ đồng.

Nhằm ngăn ngừa sử dụng hóa đơn giả mạo, vừa qua Cục Thuế TPHCM phát đi cảnh báo với người nộp thuế về các hành vi vi phạm trong sử dụng hóa đơn. Văn bản này cũng mới dừng ở mức “cảnh báo” và nêu những hành vi vi phạm bị pháp luật cấm mà chưa đưa ra hình thức chế tài. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, quy định chế tài xử lý hành vi sử dụng trái phép hóa đơn hiện nay chưa đủ mạnh.

Ông LÊ QUANG TỰ DO (Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT-TT:

Khi Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính gửi các đường dẫn về những nội dung, tài khoản, trang web có liên quan đến hoạt động buôn bán hóa đơn vi phạm pháp luật và không xác định được nhân thân, Bộ TT-TT sẽ yêu cầu các nền tảng mạng xã hội cả trong nước và nước ngoài ngăn chặn, gỡ bỏ.

TS LÊ QUANG CƯỜNG (Trưởng Bộ môn Thuế, Trường Đại học Kinh tế TPHCM):

Việc mua bán trái phép hóa đơn gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngân sách nhà nước, gây nên sự bất công cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hóa đơn là linh hồn, là nền móng của nền tài chính. Chúng ta cần có giải pháp cứng rắn hơn, phối hợp nhiều cơ quan, chứ không chỉ riêng công an và ngành thuế.

Ngày 24-4 vừa qua, Tổng cục Thuế công bố triển khai Trung tâm Cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử. Theo đó, trung tâm sẽ tự động đối chiếu giữa tờ khai thuế theo nghĩa vụ phát sinh và số hóa đơn điện tử đã lập. Hàng tháng, hệ thống tự động của cơ quan thuế sẽ đánh giá dữ liệu như hóa đơn điện tử để tìm sự tăng giảm đột biến. Trường hợp cần thiết, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra khi phát hiện hành vi gian lận.

Cục Thuế Đồng Nai vừa khuyến cáo người nộp thuế khi mua hàng hóa dịch vụ phải tự kiểm tra, đối chiếu nội dung hóa đơn đúng với thực tế mua hàng hóa, dịch vụ của người bán để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tránh rủi ro khi sử dụng hóa đơn sai quy định. Chi cục Thuế TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) cũng yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn rà soát, nếu có sử dụng hóa đơn của 52 doanh nghiệp có hành vi “in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn do ông Đặng Hoàng Mỹ thực hiện” mà cơ quan chức năng vừa phát hiện thì không được hạch toán chi đầu vào, không được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng. (KHÁNH CHÂU - HOÀNG BẮC)

MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhan-nhan-mua-ban-hoa-don-post689001.html