Nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình – những cánh cửa mở ra

Trong những năm gần đây, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chức năng, chính quyền địa phương, công tác phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) trên địa bàn tỉnh đã được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả. Trong đó, vai trò của các mô hình PCBLGĐ là vô cùng quan trọng, thiết thực.

Vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình được sân khấu hóa tại Hội thi Tìm hiểu kiến thức về văn hóa ứng xử trong gia đình tỉnh Thanh Hóa năm 2019.

Cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, trước đây, huyện Hậu Lộc gặp rất nhiều khó khăn trong công tác PCBLGĐ. Bởi lẽ, phần lớn các vụ BLGĐ đều xuất phát từ những nguyên nhân vốn đã ăn sâu vào hệ tư tưởng, nhận thức như: Trọng nam khinh nữ hoặc áp lực về mặt kinh tế hay tác động trong môi trường xã hội: cờ bạc, nghiện ngập, mại dâm, ngoại tình... Đây đều là những “căn cớ” khó lòng can thiệp, thay đổi, loại bỏ trong “một sớm một chiều”. Tuy nhiên, sau gần 11 năm triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo từ phía các sở, ban, ngành của tỉnh cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong huyện nên việc triển khai Luật PCBLGĐ trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng kể.

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huyện Hậu Lộc tập trung nâng cao công tác bồi dưỡng cán bộ làm công tác gia đình. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, huyện luôn chú trọng làm tốt công tác can thiệp, ngăn ngừa BLGĐ ở cộng đồng dân cư. Ban chỉ đạo xã, thị trấn và nhóm công tác ở thôn, khu phố, tổ hòa giải cơ sở thực hiện tốt các biện pháp can thiệp sớm, tư vấn về gia đình, hòa giải ở cơ sở nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của các đối tượng bị BLGĐ. Tâm lý xem BLGĐ là “chuyện nội bộ” đã giảm, vì vậy, những tin báo, tố giác hành vi, vụ việc gia đình ngày càng kịp thời hơn, giúp chính quyền, công an xã, thị trấn xử lý có kết quả và tăng hiệu quả tác động giáo dục phòng ngừa chung.

Đến nay, công tác duy trì, nhân rộng các mô hình PCBLGĐ của huyện Hậu Lộc gắn với các hoạt động của 13 câu lạc bộ (CLB) “Gia đình phát triển bền vững”; 78 cơ sở tư vấn PCBLGĐ; 89 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Ở các CLB “Gia đình phát triển bền vững”, hoạt động của các thành viên CLB chủ yếu dựa trên hình thức tự nguyện tham gia. Ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ của xã, huyện, các thành viên trong CLB xây dựng quỹ hoạt động, thăm hỏi nhau mỗi khi ốm đau, động viên các cháu có thành tích học tập tốt...

Từ các hoạt động thiết thực, ý nghĩa đó nhằm giúp các gia đình thành viên trong CLB có điều kiện gần gũi, quan tâm, gắn bó, chia sẻ với nhau kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nuôi dạy con cái, cách ứng xử phù hợp với văn hóa gia đình; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mỗi gia đình. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã duy trì hoạt động của hàng chục CLB “Gia đình hạnh phúc” với hơn 1.000 thành viên; tham gia nội dung sinh hoạt của các CLB được xây dựng gắn với các vấn đề có liên quan đến đời sống gia đình và xã hội, đặc biệt là hoạt động hòa giải các bất hòa trong hôn nhân, gia đình. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn lồng ghép, triển khai thực hiện phong trào chi, tổ hội an toàn không có tội phạm và tệ nạn xã hội; vận động các gia đình hội viên phụ nữ triển khai thực hiện mô hình gia đình “5 không, 3 sạch” với các nội dung: Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 trở lên, không có trẻ suy dinh dưỡng, không có trẻ bỏ học; Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ... CLB ông, bà, cháu: Hạt nhân nòng cốt của CLB là những người cao tuổi, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh... nhằm tập hợp thiếu nhi trên địa bàn, góp phần chăm lo cho trẻ em ở cộng đồng, nhất là trẻ em con hộ nghèo, khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bám sát các nội dung hướng dẫn của Trung ương, của UBND tỉnh và sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung trọng tâm và vận dụng sáng tạo trong từng mô hình hoạt động, thu hút sự quan tâm, chú ý và tham gia của nhân dân vào các sinh hoạt thiết thực ở từng khu dân cư, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình, tích cực đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn. Anh Cao Công Thức, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin UBND huyện Hậu Lộc, nhận định: “Hiệu quả trong công tác duy trì và nhân rộng các mô hình PCBLGĐ đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác PCBLGĐ; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ BLGĐ trên phạm vi toàn huyện”.

Không chỉ riêng huyện Hậu Lộc mà công tác duy trì và nhân rộng các mô hình PCBLGĐ đang được triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh, hoạt động dưới hình thức các CLB nòng cốt như: CLB “Gia đình phát triển bền vững”, “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”; mô hình “Ngăn ngừa, giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới”; mô hình “Hộ gia đình nông dân nói không với bạo lực”... Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh thành lập mới 10 mô hình PCBLGĐ với 50 CLB “Gia đình phát triển bền vững”; xây dựng thí điểm 7 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” thu hút gần 400 thành viên tham gia; xây dựng 3 mô hình “Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” tại xã Hà Lan, thị xã Bỉm Sơn; xã Đông Minh, huyện Đông Sơn; xã Yên Lễ, huyện Như Xuân... Tại các xã thành lập mô hình đều có các nhóm PCBLGĐ và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư. Các CLB, nhóm PCBLGĐ và địa chỉ tin cậy tổ chức hoạt động thường xuyên, liên tục. Hiệu quả của việc tổ chức sinh hoạt đã có tác dụng làm giảm thiểu các vụ BLGĐ xảy ra trên địa bàn. Vì vậy, toàn tỉnh chỉ để xảy ra 395 vụ BLGĐ, giảm 17 vụ so với cùng kỳ năm trước; tính cộng đồng trong xã hội không ngừng được củng cố và phát triển bền vững.

Để triển khai tốt công tác duy trì và nhân rộng mô hình PCBLGĐ tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, ngoài việc tăng cường quản lý Nhà nước về văn hóa gia đình; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể, thường xuyên lồng ghép nội dung các hoạt động về PCBLGĐ gắn với các phong trào xã hội, nhằm huy động nguồn lực đáp ứng cho yêu cầu công tác gia đình và PCBLGĐ trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Triển khai bộ tiêu chí ứng xử gia đình theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Tổ chức điều tra xã hội học, triển khai đến 27 huyện, thị xã, thành phố, hình thành cái nhìn tổng quan về công tác gia đình trên tất cả các phương diện. Từ đó, Sở có ý kiến tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành những chính sách, cơ chế để nâng cao hiệu quả công tác gia đình, nhất là PCBLGĐ tại cơ sở.

Mô hình PCBLGĐ ra đời đã góp phần giảm thiểu đáng kể tình trạng BLGĐ; góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy văn hóa gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; thúc đẩy mỗi cá nhân phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với gia đình và xã hội... Mặt khác, làm tốt công tác PCBLGĐ còn góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải biết cách chăm sóc và bảo vệ gia đình, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại tệ nạn xã hội, thúc đẩy mỗi cá nhân phải có trách nhiệm nhiều hơn đối với gia đình và quê hương, đất nước.

Bài và ảnh: Thảo Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/nhan-rong-cac-mo-hinh-phong-chong-bao-luc-gia-dinh--nhung-canh-cua-mo-ra/107893.htm