Nhân rộng mô hình bình ổn giá của TPHCM

Không phải địa phương nào có tiền mới làm được công tác bình ổn giá. Điều quan trọng là phải phát huy, tập hợp được đội ngũ doanh nghiệp (DN), hiệp hội cùng tham gia. Chương trình bình ổn giá phải được thực hiện thường xuyên và liên tục, không nên xem bình ổn giá là giải pháp tình thế. Công tác tuyên truyền phải thực hiện tốt hơn.

Đây là phát biểu kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá với các tỉnh, thành cả nước diễn ra ngày 16-6.

Bình ổn giá - bình ổn an sinh

Khách hàng chọn mua thực phẩm bình ổn giá tại Siêu thị Bình Hòa. Ảnh: Kim Ngân

Từ năm 2002, TP bắt đầu triển khai chương trình bình ổn giá vào dịp Tết Nguyên đán. Đến năm 2010, TPHCM đã mạnh dạn triển khai bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu quanh năm với 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm (gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản). Từ 2 chương trình bình ổn giá hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ cho mùa khai trường, năm 2011 và 2012, TPHCM đã triển khai thêm 2 chương trình là bình ổn giá sữa và thuốc Tây, nâng tổng số lên 4 chương trình.

Từ 2 DN tham gia trong những năm đầu tiên, đến nay TPHCM đã có 48 DN tham gia. Tổng nguồn vốn thực hiện cho các chương trình bình ổn là 288,6 tỷ đồng, giảm 148,7 tỷ so năm 2011. Điểm nổi bật trong công tác bình ổn giá tại TPHCM là trong 4 chương trình, có tới 2 chương trình DN tham gia cung ứng hàng hóa nhưng không nhận vốn (gồm bình ổn các mặt hàng sữa và bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu). Trong 48 DN tham gia, có tới 29 DN không nhận vốn nhưng vẫn thực hiện đầy đủ các quy định. Dù nguồn vốn giảm mạnh nhưng chủng loại và sản lượng hàng hóa bình ổn tăng bình quân tới 30% so với năm ngoái. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân nhìn nhận, nhờ việc triển khai tốt chương trình bình ổn giá, đảm bảo cung - cầu hàng hóa đã góp phần kéo giảm tốc độ tăng giá các mặt hàng.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, từ thành công của TPHCM, mô hình bình ổn giá đã và đang được nhân rộng. Từ 17 địa phương thực hiện, đến nay đã có 36, sắp tới sẽ là 43/64 tỉnh, thành. Các điểm bán hàng bình ổn cũng không ngừng tăng lên với 6.400 điểm bán, trong đó TPHCM có 4.230 điểm, Hà Nội 688 điểm. Các DN cũng đang tập trung phát triển điểm bán tại các huyện ngoại thành, các KCN-KCX, các chợ truyền thống nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng bình ổn cho các đối tượng có thu nhập thấp. Riêng tại TPHCM đã có 880 điểm bán tại các chợ, tăng 242 điểm so với năm 2010, khoảng 200 cửa hàng tạp hóa trong các khu dân cư và 9 cửa hàng tại các KCN.

Lập quỹ bình ổn giá

Bàn về công tác bình ổn giá trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, cái gốc của vấn đề là phải tạo ra được nguồn hàng dồi dào, ổn định với giá cả cạnh tranh để cung ứng cho thị trường. Trên thực tế, không phải địa phương nào cũng làm tốt việc liên kết giữa DN với DN; giữa DN với tỉnh thành để tạo được chân hàng, nhằm khép chặt chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối như một số DN tại TPHCM.

Để làm được việc này, Chính phủ và các bộ ngành cần có biện pháp hỗ trợ cụ thể DN sản xuất. Đặc biệt, ở khu vực nông thôn và miền núi, do chưa áp dụng được tiến bộ khoa học nên sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào mùa vụ, thiên tai dẫn đến giá hàng hóa luôn cao hơn khu vực thành thị. Theo kiến nghị của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần, khu vực nông thôn đang chịu nhiều thiệt thòi bởi những sản phẩm không sản xuất được thì phải mua với giá cao hơn do chi phí vận chuyển quá cao, còn với những mặt hàng làm được bị trung gian ép giá. Chênh lệch giữa giá của nông dân với giá bán lẻ lên tới 100%. Đây là điều bất hợp lý, các bộ ngành cần xem xét và đưa ra hướng xử lý sớm.

Là cơ quan chủ công thực hiện chương trình bình ổn, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, bình ổn giá là một nội dung quan trọng để phát triển bền vững và thực hiện an sinh xã hội. Trong thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với các địa phương bàn bạc, tính toán cách làm tốt hơn nhưng không làm méo mó thị trường. Ngoài ra, theo dự thảo Luật Giá, trường hợp cần thiết sẽ lập quỹ bình ổn giá đối với những mặt hàng cần bình ổn trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá nhằm mục tiêu hỗ trợ bình ổn giá; sử dụng quỹ bình ổn giá khi giá hàng hóa, dịch vụ đó biến động bất thường hoặc tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Chương trình bình ổn giá tại nhiều địa phương đã đạt được những thành công nhất định, biểu hiện rõ qua 5 mục tiêu mà chương trình đặt ra. Điểm nổi bật là các địa phương chỉ hỗ trợ DN 1.600 tỷ đồng nhưng tổng vốn mà họ thực hiện lên tới 11.000 tỷ đồng. Có 250 DN tham gia, trong số đó có nhiều DN không nhận vốn hỗ trợ từ chương trình. Giá bán của DN tham gia chương trình thấp hơn giá thị trường từ 5% - 10%, đặc biệt một số mặt hàng thấp hơn tới 15%. Điều này thể hiện rất rõ trách nhiệm xã hội của DN. Về phát triển hệ thống bán lẻ, đề nghị các tỉnh, thành hỗ trợ DN trong nước phát triển nhanh mạng lưới bán lẻ. Trong lúc chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài cũng cần ưu tiên cho các DN trong nước phát triển. Nếu không xây dựng được mạng lưới phân phối sẽ thua.

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: Không giãn, giảm thuế đối với sắt thép

Bên cạnh việc triển khai tốt công tác bình ổn giá, TPHCM cũng tổ chức nhiều đợt kiểm tra giá hàng hóa đối với các mặt hàng thiết yếu. Kết quả, ở mặt hàng sắt thép, dù các DN kêu tỷ lệ tồn kho là rất lớn nhưng giá bán lại không giảm. Đề nghị Chính phủ và các bộ ngành không đưa sắt thép vào danh mục mặt hàng được giãn, giảm thuế thu nhập DN, đồng thời có biện pháp xử lý để đưa hàng hóa phục vụ nhu cầu xây dựng của người dân và DN.

Thúy Hải

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kinhte/2012/6/291653/