Nhân rộng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp '5 cùng'

Vận động hội viên nông dân có cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề, cùng mối quan tâm và cùng hưởng lợi để thành lập các tổ hội, chi hội nghề nghiệp là mô hình đang được các cấp hội nông dân triển khai.

Sau khi tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất chè, giá trị sản phẩm chè của gia đình chị Vi Thị Phương, Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp sản xuất chè hướng hữu cơ xóm La Giang, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) tăng gấp đôi so với trước.

Thực hiện chủ trương của Trung ương HND Việt Nam về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, HND tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp đến cán bộ, hội viên. Qua đó, nhiều hội viên là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức đúng việc sự phối hợp, liên kết nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm đơn lẻ.

Chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập dựa trên nguyên tắc “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi). Chi, tổ hội nghề nghiệp cũng có thể được hình thành trên cơ sở các tổ vay vốn, tổ góp vốn hoặc những hội viên có nhu cầu liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Mỗi “Tổ hội nghề nghiệp” có khoảng 10 - 30 hội viên. Trong một chi hội có thể thành lập nhiều tổ hội nghề nghiệp hoặc có một số tổ hội được phân chia theo khu vực, địa bàn dân cư.

Chi hội nghề nghiệp được hình thành khi 1 tổ hội nghề nghiệp đã phát triển về quy mô, số lượng hội viên hoặc được hình thành từ nhiều tổ hội nghề nghiệp có nhu cầu liên kết để tổ chức hoạt động chung, thống nhất.

Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh nếp vải xóm Khau Lai, xã Ôn Lương (Phú Lương) là một trong những tổ hội được thành lập dựa vào các tiêu chí trên. Tổ thành lập từ năm 2020, với 10 thành viên, canh tác trên 5ha cùng một cánh đồng lúa nếp vải.

Chị Trần Thị Thu, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh nếp vải xóm Khau Lai, chia sẻ: Khi được HND xã triển khai thành lập Tổ, tôi sẵn sàng tham gia và vận động hội viên khác cùng tham gia. Tổ đã giúp chúng tôi được mở mang kiến thức thông qua các lớp tập huấn; đặc biệt là quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng tiến bộ kỹ thuật; nắm bắt thời tiết và tình hình sâu bệnh, có cách gieo trồng phù hợp cũng như cách thức phòng bệnh tốt nhất, cho năng suất cao...

Nhờ được áp dụng kỹ thuật canh tác mới, bón phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh, lúa nếp vải cho năng suất, thu nhập cao hơn so với lúa tẻ thông thường. Trung bình, 1 mẫu gieo cấy cho thu về 2,2 tấn thóc, giá bán tại nhà 15 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần lúa tẻ thông thường; gấp 5 lần khi được làm thành cốm và gấp 6 đến 8 lần khi làm ra sản phẩm bánh chưng, bánh dày, cơm cháy…”.

Tại xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), sau khi rà roát, khảo sát nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân, tháng 9-2022, HND xã đã chọn Chi hội Nông dân xóm La Giang để thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất chè theo hướng hữu cơ với 17 thành viên.

Chị Vi Thị Phương, Tổ trưởng Tổ nghề nghiệp trồng, chế biến chè hữu cơ La Giang, thông tin: Tham gia Tổ, cùng với thường xuyên được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè, mỗi người còn được vay 40-70 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Nhờ áp dụng bón phân hữu cơ, các chế phẩm vi sinh, giá trị sản phẩm chè cao gấp đôi so với trước đây khiến các thành viên ai cũng phấn khởi.

Các thành viên Tổ nghề nghiệp sản xuất chè hướng hữu cơ xóm La Giang, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ), tham gia tập huấn kỹ thuật sản xuất chè.

Ông Ma Doãn Hùng, Phó Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Ban Thường vụ HND tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 19 chi hội nghề nghiệp với 483 thành viên, 140 tổ hội nghề nghiệp với 1.835 thành viên.

Thông qua việc thực hiện đề án xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, hội viên còn được hỗ trợ vốn ban đầu từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho hàng trăm hộ nông dân bớt khó khăn về vốn để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Cùng với việc tăng cường tuyên truyền về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, HND còn hỗ trợ pháp lý cho các chi, tổ hội trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Đồng thời tổ chức tập huấn về kỹ thuật sản xuất, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ; phối hợp với các ngân hàng giúp các chi, tổ hội tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Để nâng cao hiệu quả, nhân rộng các mô hình này, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, từ đó lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực và nhu cầu tham gia của hội viên; ưu tiến bố trí các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để hỗ trợ các chi hội, tổ hội nghề nghiệp; tập trung đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho hội viên tại các chi hội, tổ hội nghề nghiệp...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202311/nhan-rong-mo-hinh-chi-to-hoi-nghe-nghiep-5-cung-df120c8/